📞

Chặng đường 20 năm của Trạm Không gian quốc tế ISS

09:11 | 24/11/2018
20 năm trước, dự án xây dựng đầy tham vọng nhất trong lịch sử loài người bắt đầu với việc phóng tên lửa Proton của Nga vào ngày 20/11/1998. Bên trong tên lửa là khối chức năng hàng hóa không người lái mang tên Zarya (Bình minh), trở thành mảnh ghép đầu tiên của dự án Trạm Không gian quốc tế (ISS) được phóng lên quỹ đạo.

Tuy nhiên, đến tận năm 2011, khi mô-đun cuối cùng được lắp ráp thành công thì ISS mới chính thức đi vào hoạt động. Các phi hành gia đến từ các quốc gia khác nhau thay phiên sống và làm việc trên trạm trong suốt khoảng thời gian một thập kỷ xây dựng ISS.

Theo David Nixon, một kiến trúc sư thiết kế ISS, thành tựu lớn nhất của ISS nằm ở chính công trình này. Ông chỉ ra những khó khăn chưa từng thấy khi xây dựng bất cứ công trình nào, bắt đầu với việc đưa các mô-đun, bu lông, đai ốc và các mảnh vật liệu lên một tên lửa bắn lên vũ trụ tới một địa điểm xa xôi, trống rỗng và đầy nguy hiểm.

Trạm Không gian Quốc tế ISS. (Nguồn: NASA)

Giờ đây, ISS là một trạm nghiên cứu trên vũ trụ với hai phòng tắm, một phòng gym và một mái vòm cung cấp tầm nhìn 360 độ. ISS có thể chứa tới 6 phi hành gia trong khi nó quay quanh Trái đất với tốc độ chóng mặt 8km/s. ISS được trang bị với 4.046m2 pin mặt trời để lấy năng lượng và có thể quay quanh một vòng Trái đất chỉ trong 90 phút.

Cuộc sống trên một trạm không gian vũ trụ thực sự khắc nghiệt. Các phi hành gia phải sống trong một môi trường không trọng lực và phải tập thể dục hai giờ mỗi ngày.

Tuy vậy, số người được trải nghiệm cuộc sống trên ISS có thể bị hạn chế. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cho biết họ muốn cắt giảm kinh phí cho trạm vào năm 2025 và có thể tư nhân hóa một hoặc toàn phần hoạt động của ISS tại thời điểm đó.

Trong hai thập kỷ vừa qua, ISS đã có một vai trò quan trọng trong giới khoa học như một phòng thí nghiệm quay quanh quỹ đạo và cũng là đài quan sát Trái đất. Phần lớn những phát hiện và đổi mới khoa học được thực hiện trên trạm vũ trụ đã đem lại nhiều lợi ích cho những người ở dưới bề mặt địa cầu.

Ví dụ, những robot được phát triển dành cho ISS đang được áp dụng để thực hiện các cuộc phẫu thuật từ xa. Công nghệ kiểm tra chất lượng nước trên trạm vũ trụ cũng được phát triển thành một ứng dụng điện thoại để theo dõi chất lượng nước tại nhiều nơi trên thế giới. Hình ảnh được chụp từ ISS và các vệ tinh khác trong quỹ đạo Trái đất được sử dụng để hỗ trợ phục hồi thiên tai.

Một trong những thí nghiệm dài hạn được biết đến nhiều nhất trên trạm vũ trụ là một cuộc điều tra kéo dài một năm về những ảnh hưởng của việc sống trên vũ trụ liên quan đến hai phi hành gia song sinh Mark và Scott Kelly. Scott sống khoảng một năm trên ISS trong khi anh trai sinh đôi Mark của anh ở lại dưới mặt đất. Những thay đổi đối với cả hai anh em đều được theo dõi một cách tỉ mỉ để ghi lại xem việc sống trên không gian ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể con người.