Sự suy giảm cấu trúc an ninh châu Âu
Theo ông Orsini, cách tiếp cận mới trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây lo ngại cho nhiều lãnh đạo ở châu Âu. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, cấu trúc an ninh của châu Âu chủ yếu dựa trên các giá trị tự do. Dân chủ, pháp quyền và thị trường tự do là các giá trị cốt lõi của châu Âu và chúng được thể hiện rõ trong Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Sputnik) |
Người Mỹ đã lựa chọn vị Tổng thống có quan điểm hoài nghi đối với giá trị của NATO, ủng hộ quyết định rời khỏi EU của Anh (Brexit) và có xu hướng xây dựng mối quan hệ tích cực với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Việc ông Trump nhấn mạnh các nước thành viên NATO cần thực hiện cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng để đổi lại việc đảm bảo an ninh của Mỹ dường như đi ngược lại với các quan điểm tồn tại trong hơn 25 năm qua ở cả Mỹ và châu Âu.
Việc xem nhẹ của ông Trump đối với các cơ chế đa phương ở châu Âu cho thấy sự suy giảm của cấu trúc an ninh hậu Chiến tranh Lạnh ở lục địa già. Làn sóng các nhà ngoại giao phương Tây, lực lượng gìn giữ hòa bình, quan sát viên bầu cử và cố vấn kinh tế đến các nước thuộc khối Liên Xô cũ đã bắt đầu giảm dần.
Bên cạnh đó, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc nhiều chính phủ phải thắt chặt hầu bao và giảm phần đóng góp cho các tổ chức của châu Âu. Tuy nhiên, việc cắt giảm các khoản đóng góp hiện vẫn được các chính phủ thành viên cân nhắc một cách thận trọng.
Khó khăn về tài chính cùng với sự thất vọng đối với quá trình chuyển đổi chính trị ở châu Âu, nhất là ở các khu vực tiếp giáp với biên giới EU đã thúc đẩy việc tìm kiếm các sự lựa chọn khác về chính sách.
Cần cấp thiết tiến hành cải cách
Sự can dự của EU vào các nước láng giềng đã bị tác động bởi xu hướng này. Quá trình mở rộng của EU, động lực chính để thúc đẩy quá trình cải cách ở các khu vực Đông và Đông Nam Âu, đã chính thức bị tạm dừng cho đến năm 2020.
Sau khi được điều chỉnh năm 2015, chính sách láng giềng của EU ít tập trung hơn vào việc thúc đẩy nền dân chủ thực sự so với việc xây dựng mối quan hệ với các nước láng giềng trên cơ sở lợi ích chung.
Châu Âu cần phải cấp thiết tiến hành cải cách dù có thành công hay không. (Nguồn: The Conversation) |
Trong EU, xu hướng kéo dài việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên vẫn chưa thể đảo ngược. Các vụ tấn công khủng bố đã khiến cho sự “nhiệt tình” của EU đối với các giá trị dân chủ bị giảm sút.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận ra cái giá phải trả về mặt chính trị khi việc mở cửa biên giới cho người nhập cư khiến người dân trong nước cảm thấy bất an. Sự bất ổn kéo dài ở các khu vực biên giới EU, sự nổi lên của các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làn sóng nhập cư dường như chứng minh cho luận thuyết: EU cần tập trung vào các vấn đề nội khối. Ngược lại, nước Nga dưới thời của Tổng thống Putin đã và đang khai thác những điểm yếu này để thường xuyên thách thức EU, NATO trên khắp các mặt trận.
Những ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump ít đem lại sự lạc quan cho EU. Khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” rất khác biệt so với truyền thống đối ngoại của Mỹ và nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump có thể đánh dấu sự chấm dứt của kỷ nguyên tự do bắt đầu từ sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Mặc dù vậy, “hiện tượng Donald Trump" cũng giúp châu Âu nhận ra thực tế là các vấn đề tồn tại liên quan đến cấu trúc an ninh đã bắt đầu từ trước khi ông này xuất hiện trên chính trường Mỹ. Và châu Âu cần phải cấp thiết tiến hành cải cách dù có thành công hay không.