TIN LIÊN QUAN | |
Trở thành công dân EU chỉ với… 100 Euro | |
Hậu Brexit: Rồi sao? |
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với các thách thức như khủng bố hoặc thậm chí là chiến tranh, nhiều khả năng vấn đề quốc phòng châu Âu có thể là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra ở Bratislava (Slovakia) ngày 16/9. Do thiếu sự đồng thuận của cả 27 thành viên cho "dự án tham vọng" này nên vấn đề quốc phòng châu Âu nhiều khả năng chưa có đột phá.
Yếu tố Brexit (nước Anh rời khỏi EU), nếu nhìn từ một góc độ khác, lại có tác dụng tích cực cho việc thúc đẩy EU hướng đến cùng chia sẻ một nền quốc phòng chung bởi London vốn luôn phản đối ý tưởng thành lập lực lượng quốc phòng chung của EU.
Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU diễn ra ở Bratislava (Slovakia) ngày 16/9. (Nguồn: Cyprus-mail) |
Theo ghi nhận của chuyên gia Vivien Pertusot thuộc Viện nghiên cứu về quan hệ quốc tế (IFRI) tại Brussels (Bỉ), cho đến nay không nhiều thành viên EU có ý muốn đi xa hơn trong vấn đề phòng thủ chung châu Âu. Trong khi đó, Pháp và Đức đã thể hiện sẵn sàng nhận trách nhiệm nhiều hơn và đã đưa ra một số đường hướng cụ thể dù còn khiêm tốn, trong đó đề nghị đầu tiên là "tăng ngân sách cho các hoạt động chung của EU trong lĩnh vực quốc phòng". Một quan chức thân cận của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã nói rằng: "Những gì chúng tôi muốn là để kích hoạt dễ dàng hơn các hoạt động của EU. Chúng tôi đã không đi vào những ý tưởng hay đề án lớn bởi nó chưa phù hợp trong thời điểm này".
Ai cầm trịch?
Từ 13 năm nay, EU đã thực hiện các sứ mệnh ngoài liên minh như: giúp đào tạo cho quân đội châu Phi (Somalia, Mali, Cộng hòa Trung Phi...), chống hải tặc (Chiến dịch Atalanta) và gần đây chống nạn buôn bán người di cư (Chiến dịch Sophia). Nhưng một số nhiệm vụ đã gặp rắc rối ngay từ khi bắt đầu triển khai mà nguyên nhân cơ bản là thiếu lực lượng sẵn sàng từ các nước thành viên. Do đó, Pháp và Đức gợi ý tạo ra một "lực lượng dự bị" gồm các huấn luyện viên và cố vấn để có thể triển khai nhanh chóng nhiệm vụ đề ra.
Ngoài ra, cả Paris và Berlin cũng đề nghị sự chia sẻ nhiều hơn trong các loại hình hoạt động vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường không và đường biển, tạo ra một "trung tâm hậu cần của châu Âu", chia sẻ các hình ảnh vệ tinh và hình thành một "trung tâm chỉ huy về y tế của châu Âu" để đảm trách các hoạt động cứu thương cho "tiền tuyến".
Đức và Pháp cũng kêu gọi EU cần phải đầu tư hơn nữa cho công tác nghiên cứu để tạo thuận lợi hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, mới đây đã khẳng định rằng những chi phí để bù đắp cho "sự thiếu hợp tác" trong lĩnh vực quốc phòng ở châu Âu có thể lên tới từ 20 tỷ đến 100 tỷ Euro/năm.
Đối với hoạt động quân sự liên quan đến lực lượng chiến đấu, Paris và Berlin có ý định cải thiện hoạt động của các "nhóm chiến đấu" gồm khoảng 1.500 quân luôn ở trong tình trạng báo động, được huy động luân phiên tại các nước thành viên và có thể huy động trong 15 ngày. Những lực lượng phản ứng nhanh như vậy chưa bao giờ được kích hoạt trong những năm gần đây do thiếu ý chí chính trị. Trong một số trường hợp, các quốc gia trong tình trạng báo động lại không phải là những quốc gia có thể sẵn sàng can thiệp, đặc biệt là ở châu Phi.
Khó khả thi
Tuy nhiên, chủ trương của Ủy ban châu Âu về việc thiết lập một trung tâm chỉ huy thường trực của châu Âu, lại không phải là một mục tiêu trước mắt đối với Pháp và Đức. Ông Vivien Pertusot lưu ý rằng, tuy nước Anh không còn trong EU để phán đối đề nghị này của Pháp và Đức nhưng vẫn còn những quốc gia khác trong liên minh không ủng hộ việc thiết lập trung tâm chỉ huy thường trực.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Teleghraph) |
Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận của cả 27 thành viên EU, Paris và Berlin sẽ đề nghị thiết lập một "Ủy ban hẹp" theo cơ chế của Hiệp ước Lisbon. Theo các đề nghị của Pháp và Đức đưa ra đầu từ tháng 9 thì đây sẽ là "một bước thay đổi có tính giai đoạn và chiến thuật". Một khi định hướng đó được các nhà lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava lần này, các Bộ trưởng Quốc phòng EU sau đó sẽ gặp nhau vào ngày 26-27/9 và ngày 15/11 tới để đưa ra các biện pháp cụ thể.
Hiện một số nước Đông Âu, bao gồm cả Hungary và Ba Lan, rất chú ý tới đề xuất của Pháp, Đức và đề nghị "đi xa hơn" với mục tiêu khởi động xây dựng một đội quân chung của châu Âu. Trong khi chờ đợi, các quốc gia Đông Âu đang xem xét tự tăng cường hơn nữa an ninh nội bộ, đặc biệt là để đối phó với thách thức từ phía Nga, đồng thời tạo ra một lực lượng có thể huy động để sẵn sàng ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố ở miền Nam.
Tuy nhiên, chuyên gia Judy Dempsey thuộc Trung tâm phân tích Carnegie Europe lại cho rằng lời kêu gọi thành lập một lực lượng quân đội chung của EU hiện rất khó khả thi bởi các quốc gia thành viên vẫn muốn "tự kiểm soát" quân đội của mình, đặc biệt trong bối cảnh phong trào chống "nhất thể hóa châu Âu" đang lan rộng.
Ngoại giao quốc phòng của Nhật Bản đối với ASEAN Chính sách này được thể hiện bằng việc mở rộng sự hiện diện quốc phòng, tăng cường quan hệ đối tác và chia sẻ sự ... |
Mỹ: Chi gần 4 nghìn tỷ USD cho an ninh, vẫn thấy bất an! Kể từ sau các vụ tấn công ngày 11/9/2001, Chính phủ Mỹ đã chi tới 3,6 nghìn tỷ USD cho an ninh nội địa. Tuy ... |
Pháp: Bảo vệ các mục tiêu quân sự khỏi nguy cơ từ Pokemon Go Ngày 30/8, Trưởng cơ quan bảo vệ các mục tiêu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Pháp Frederic Renodo cho biết, họ sẽ thông qua ... |