Châu Âu khó tránh khỏi việc phải đương đầu với một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2011 và tình trạng trì trệ những năm sau đó, tỷ phú George Soros nhậ |
Là trung tâm sân khấu chính trị trong thế kỷ 20, chiến trường của cả hai cuộc chiến tranh thế giới lẫn Chiến tranh Lạnh, đến nay châu Âu về cơ bản đang sống trong hòa bình, thống nhất và tự do. Nhưng theo nhiều chuyên gia, điều đó không có nghĩa Châu Âu sẽ tiếp tục là tâm điểm trên sân khấu chính trị của thế kỷ 21.
Kinh tế lâm nguy
Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) cho rằng việc để mất vai trò trung tâm của châu Âu cũng đồng nghĩa với sự thất bại của châu lục này. Khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… hiện nay đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo yếu kém của châu Âu. Các nhân vật chính của EU như Đức và Pháp không những không thống nhất về cách thức vượt qua khủng hoảng mà còn phản ứng khá chậm chạp và miễn cưỡng.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist thì cho rằng việc châu Âu đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính khiến người ta hoài nghi về tương lai của đồng euro. Cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi cơ cấu quản lý kinh tế, cũng như các vấn đề chính trị và chính sách. Trong ngắn hạn, các chính phủ vẫn trong tình trạng khủng hoảng với tình hình tài chính công khó khăn và hệ thống tài chính bất ổn.
Châu Âu khó tránh khỏi việc phải đương đầu với một cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2011 và tình trạng trì trệ trong những năm sau đó, tỷ phú George Soros nhận định. Theo ông, việc thiếu hụt một cơ chế điều chỉnh hay sự áp đặt quy định đối với những quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, có thể khiến các nền kinh tế này rơi vào tình trạng suy yếu nghiêm trọng. Về dài hạn, yêu cầu củng cố tình hình tài chính sẽ tạo ra những xung đột chính trị.
Theo những dự đoán bi quan, EU sẽ giảm sút liên tục, một hoặc hai nước thành viên yếu kém hơn sẽ rút khỏi khu vực đồng euro hiện có 16 nước và tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm, thất nghiệp cao trong nhiều năm. Theo kịch bản này, EU sẽ ngày càng bị gạt ra rìa trong khi các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ coi EU chỉ là một tổ chức thương mại và khó có thể ngang hàng với Mỹ.
Chính trị suy yếu
Ngay cả trước khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, châu Âu đã bị suy yếu vì khủng hoảng chính trị. Nhiều người châu Âu quan tâm tới việc hồi sinh các thể chế châu Âu, nhưng việc Hiệp ước Lisbon liên tục bị bác bỏ cho thấy châu Âu thống nhất không còn là hình ảnh hấp dẫn đối với nhiều công dân của châu lục này nữa. Bộ máy đồ sộ của các thể chế châu Âu vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của tình trạng tuột dốc đó. Ở mức độ chiến lược hơn, EU bị tố cáo thiếu các nhà lãnh đạo có tầm nhìn và một ý tưởng lớn có thể tập hợp tất cả các quốc gia.
Trong khi đó, có học giả cho rằng, nếu tránh được những rối loại chính trị và xã hội thì tính hợp pháp của EU cũng bị thử thách và sẽ có sự thay đổi. Trong khi EU sẽ ngày càng giám sát chặt chẽ hơn tình hình tài chính công của các nước khó khăn, các nước có tình hình tốt hơn và đang cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính lại phải đối mặt với dư luận xã hội đòi hỏi EU ít gắn kết và can thiệp hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả những dự đoán đều ảm đạm. Châu Âu, hay nói hẹp hơn, là EU thường biến khủng hoảng thành cơ hội, khi buộc phải tiến hành những cải cách đầy khó khăn. Khu vực đồng euro sẽ đoàn kết lại và các cải cách sẽ buộc các nước thành viên phải có kỷ luật tài chính hơn và tuân thủ các mục tiêu đề ra trong Hiệp ước Ổn định và Phát triển của EU. Các nước sẽ tiến hành cải cách mạnh mẽ thị trường lao động, thu hẹp sự cạnh tranh giữa các nước thành viên và trở nên cạnh tranh hơn. Và người châu Âu hoàn toàn có thể hi vọng vào điều này.
Gia Hân