Các nước châu Phi, nhìn chung, dễ bị nhiễm tư tưởng bạo lực do thể chế yếu kém và tồn tại nhiều vùng lãnh thổ vô chính phủ - nơi các nhóm cực đoan có thể trỗi dậy. Thêm vào đó, việc xử lý yếu kém các vấn đề liên quan đến đa dạng sắc tộc và tôn giáo đã kích động những thanh niên thất nghiệp có tư tưởng lệch lạc.
Một chiến binh Boko Haram ở Somalia. (Nguồn: NYTimes) |
Chính phủ các nước châu Phi đã áp dụng các biện pháp an ninh “cứng”, song chiến lược này không thể ngăn chặn sự phát triển của các nhóm cực đoan. Trên thực tế, những biện pháp quân sự chỉ gây lãng phí nguồn lực hoặc thậm chí có hại nhiều hơn lợi. Điều mà châu lục đang thiếu là nghiên cứu gốc rễ của bạo lực cực đoan.
Hiện nay, các chính sách và biện pháp đối phó với chủ nghĩa cực đoan, bạo lực phần lớn được đưa ra dựa trên lý thuyết chứ không phải từ nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm thực tiễn về động cơ cá nhân và các yếu tố cấu thành hành vi khủng bố.
Mới đây, cuộc phỏng vấn những tay súng bị bắt ở thành phố Galkayo (Somalia) nhằm phục vụ nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về gốc rễ của chủ nghĩa cực đoan ở châu Phi đã cho thấy ngoài việc bị cầm tù, những thanh niên này hoàn toàn bình thường và đường đến chủ nghĩa cực đoan của họ không thực sự khởi nguồn từ tôn giáo.
Theo nghiên cứu, những thanh niên này lớn lên giữa các cuộc xung đột và không ai tìm ra lý do chính đáng để ủng hộ chính phủ. Hầu hết họ chưa từng đi học, thậm chí còn không biết đến những thứ như giáo dục miễn phí hay chăm sóc sức khỏe. Có thể nói, họ sống trong một môi trường chín muồi cho việc tuyển dụng và phát triển khủng bố. Cũng như bệnh lao lây nhiễm vào một cơ thể đã bị tổn thương bởi HIV, chủ nghĩa cực đoan phát triển mạnh trong điều kiện tương thích.
Theo nghiên cứu của UNDP, tư tưởng cực đoan bạo lực được phát triển với một “chiến lược tiếp thị” linh hoạt. Theo đó, các nhóm cực đoan tùy chỉnh cách truyền bá của mình tới các “tân binh tiềm năng”. Với những người thất nghiệp hoặc người nghèo, các tổ chức khủng bố cung cấp công ăn việc làm. Với dân tộc thiểu số và tôn giáo nhỏ, họ cung cấp niềm tin qua con đường bạo lực. Với tầng lớp trung lưu, họ tạo ra những cuộc phiêu lưu và lối thoát khỏi thế tục. Những tư tưởng đó có thể dễ dàng len lỏi vào những lỗ hổng của một cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tựu trung lại, đói nghèo và kém phát triển là những vấn đề không thể bỏ qua nếu muốn chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực một cách hiệu quả. Các chính phủ cần phải ưu tiên giải quyết những vấn đề này trước tiên, chứ không phải là tăng cường năng lực quân sự hay thi hành luật pháp.
Mohamed Yahya
(Điều phối viên các chương trình ở châu Phi, UNDP)