Theo Guardian và Reuters, xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan nổ ra từ sáng ngày 27/9 đã khiến ít nhất 39 người tử vong. Phía Azerbaijan cho biết một gia đình 5 người đã thiệt mạng trong các đợt pháo kích do Armenia tiến hành, khẳng định thương vong của Armenia đã lên tới con số 500. Azerbaijian xác nhận mất một trực thăng, song đổi lại đã tiêu diệt 12 hệ thống phòng không của Armenia và giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng, một đồi chiến lược ở vùng Nagorno-Karabakh, khu vực chiến sự hai nước.
Hai bên đã lần lượt ban bố tình trạng thiết quân luật và chưa bên nào cho thấy thái độ sẵn sàng lùi bước. Về bản chất, đây là xung đột về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đã kéo dài hơn ba thập kỷ. Do đó, trong bối cảnh xung đột biên giới Armenia-Azerbaijian leo thang như hiện nay, một giải pháp hòa bình bền vững, xuất phát từ đàm phán song phương là khó khả thi.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều nỗ lực quốc tế đã được triển khai, song chưa mang lại kết quả cụ thể. Tuy nhiên, là quốc gia có lợi ích và “công cụ” để đóng vai trò trung gian hòa giải, hạ nhiệt xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan, Nga được kỳ vọng là có thể đem đến thay đổi cần thiết.
Chiến sự ác liệt giữa Armenia và Azerbaijan khiến ít nhất 39 người thiệt mạng. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP) |
Câu chuyện về lợi ích
Thứ nhất, Nga có lợi ích trong hạ nhiệt xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan. Cả hai nước đều thuộc Liên Xô cũ: Azerbaijan có đường biên giới giáp trực tiếp với Nga, còn Armenia là láng giềng của Georgia, quốc gia có mối quan hệ phức tạp với Nga.
Khi ấy, xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan leo thang không chỉ ảnh hưởng tới ổn định chính trị, an ninh khu vực, mà còn tác động tiêu cực tới các láng giềng, trong đó có Nga.
Cách đó không xa là Ukraine và Belarus - hai quốc gia có quan hệ phức tạp không kém với Nga. Vì thế, lợi ích của Nga là hòa bình, ổn định ở Caucasus.
Thứ hai, Nga nhận thức rõ rằng nếu không được kiểm soát, xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan có thể bùng phát thành chiến tranh cục bộ và đặt Moscow trong thế đối đầu với Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực quan trọng nhất của Azerbaijan và sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ kinh tế - quân sự nhằm giúp Azerbaijan thực hiện “quyền tự vệ chính đáng”.
Theo The Economist, các máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ đã được Azerbaijan sử dụng trong chiến dịch vừa qua. Trước đó, sau khi xung đột biên giới hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay phản lực F-16 tới Baku tập trận chung.
Trong khi đó, dù từng bán vũ khí cho Azerbaijan, song Nga lại có hiệp ước quốc phòng với Armenia. Theo nhà nghiên cứu Thomas de Waal của Viện Nghiên cứu Carnegie châu Âu, nếu lãnh thổ Armenia bị tấn công, Nga sẽ buộc phải đối đầu với một Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Điều này sẽ khiến quan hệ Nga-Thổ phát triển theo chiều hướng tiêu cực, khi hai bên đã vướng vào chiến sự Libya và Syria. Bất chấp khác biệt trong một số vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác quan trọng của Nga và Moscow hẳn không muốn căng thẳng với Ankara thêm một lần nữa.
Thứ ba, đây là cơ hội lớn để Nga tiếp tục khẳng định vị thế nước lớn. Gần đây, Moscow đã thể hiện được tầm ảnh hưởng thông qua nỗ lực xây dựng hòa bình tại Syria, Libya và mới đây nhất, trở thành nước đầu tiên đăng ký và đưa vào sản xuất đại trà thuốc điều trị Covid-19, sớm hơn so với các quốc gia được đánh giá cao trong ngành dược như Mỹ, Đức, Pháp hay Trung Quốc.
Nếu Nga hạ nhiệt căng thẳng xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan và thúc đẩy tiến trình hòa bình thành công, đề cử Nobel Hòa bình cho Tổng thống Vladimir Putin không còn là “chuyện đùa” nữa.
Chìa khóa then chốt
Lợi ích đã rõ, vậy Nga, trên cương vị vai trò trung gian hòa giải, có những công cụ gì để thúc đẩy tiến trình hạ nhiệt xung đột biên giới Armenia-Azerbaijan?
Thứ nhất, đây đều là hai quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ và vẫn duy trì quan hệ kinh tế tốt với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Armenia có mối quan hệ gần gũi hơn với Nga khi là thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Nga có một căn cứ quân sự tại thành phố lớn thứ hai của Armenia, đồng thời có vai trò then chốt trong hỗ trợ và bảo đảm khí tài quân sự. Trong khi đó, Azerbaijan hiện vẫn sở hữu lượng lớn khí tài Nga. Vì thế, tiếng nói của Nga trong xung đột biên giới này có thể nhận được sự chú ý của cả hai bên.
Nếu Nga hạ nhiệt căng thẳng xung đột Armenia-Azerbaijan và thúc đẩy tiến trình hòa bình thành công, đề cử Nobel Hòa bình cho Tổng thống Vladimir Putin không còn là “chuyện đùa”. |
Thứ hai, Nga không hề xa lạ với căng thẳng Armenia-Azerbaijan, khi từng làm trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tháng 5/1994 và góp phần kết thúc Chiến tranh 4 ngày tháng 4/2016. Là hai thành viên khác của “Nhóm Minsk”, Pháp và Mỹ, Nga đã thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Yeveran và Baku tới năm 2010. Kiến thức về lịch sử quan hệ, kinh nghiệm trong thương thảo đàm phán với Armenia và Azerbaijian sẽ là tiền đề quan trọng của Nga.
Do đó, Nga có đầy đủ lợi ích cùng công cụ để thúc đẩy tiến trình hạ nhiệt xung đột biên giới Armenia – Azerbaijan và Moscow nhận thức rõ điều này. Đó là lý do tại sao ngay sau khi xung đột bùng phát, Nga đã có hành động.
Ngày 27/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Armenia và Azerbaijan chấm dứt mọi xung đột vũ trang dọc ranh giới của khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời tiến hành điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hành động quân sự thù địch quy mô lớn mới đây ở Nagorno-Karabakh và cho rằng cần thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để hạn chế căng thẳng leo thang. Trong bối cảnh đó, đây có thể chỉ là khởi đầu cho những động thái tích cực hơn của Nga thời gian tới.