📞

Chiến lược 'con sói đơn độc' nguy hiểm của các tổ chức khủng bố ở Indonesia

18:30 | 10/04/2021
Báo Antaranews.com số ra mới đây đăng bài “Indonesia: Các tổ chức khủng bố đã chuyển đổi chiến lược hành động”, cảnh báo về những cuộc tấn công bằng hình thức “con sói đơn độc” thông qua những hành động cực đoan của các tổ chức khủng bố hiện nay.

Bài báo cho rằng, các hành động của Tổ chức khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) được đặc trưng bởi nhưng “con sói đơn độc” rất đáng sợ do mô hình này không hoạt động theo hướng dẫn của các thủ lĩnh trong mạng lưới khủng bố.

Cảnh sát có vũ trang đang làm nhiệm vụ tại một đoạn đường bị phong tỏa sau vụ đánh bom liều chết ở Nhà thờ Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 28/3. (Nguồn: Reuters)

Quá trình chuyển đổi chiến lược

Vụ đánh bom liều chết ở Nhà thờ Makassar hôm 28/3 vừa qua và vụ tấn công vào Trụ sở Cảnh sát quốc gia Indonesia vài ngày sau đó cũng như hàng loạt vụ bắt giữ những kẻ tình nghi khủng bố trong thời gian gần đây đã khiến dư luận nhận thức rõ rằng khủng bố không bao giờ chết.

Hệ tư tưởng cấp tiến dựa trên tôn giáo luôn phát triển bằng cách nhắm vào những giới trẻ tuổi đang tìm kiếm bản sắc. Mặc dù Chính phủ Indonesia liên tục có những hành động mạnh mẽ, việc phổ biến tư tưởng và mô hình hành động của các nhóm khủng bố vẫn đang trải qua quá trình chuyển đổi chiến lược.

Thông qua Tổ chức khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD), mô hình tấn công và nhắm mục tiêu của các nhóm khủng bố đã thay đổi so với hồi đầu thế kỷ XXI. Hành động đơn lẻ kiểu “con sói đơn độc” và đánh bom liều chết là những lựa chọn chiến lược của JAD. Mục tiêu rất rõ ràng là tấn công vào các quan chức chính phủ, cảnh sát và những người không theo đạo Hồi.

Các hành động của JAD được đặc trưng bởi nhưng “con sói đơn độc” rất đáng sợ do mô hình này không hoạt động theo hướng dẫn của các thủ lĩnh trong mạng lưới khủng bố. Chúng thực hiện các phi vụ một cách độc lập, xâm nhập vào đám đông, nhắm vào các nạn nhân đã được xác định và cách thức hoạt động của chúng không dễ để các nhà chức trách phát hiện.

JAD với sự biến hình thành “con sói đơn độc” hiện được coi là sáng tạo và nguy hiểm nhất. Thực hiện các hành vi khủng bố một cách độc lập, nhưng có thể nhắm vào các mục tiêu cụ thể và làm bị thương nhiều người.

Hành động này đã được phát hiện trước đây, như trường hợp vụ xả súng ở New Zealand (năm 2019) hay trường hợp của Anders Breivik ở Na Uy (2011). Cả hai đều liên quan đến những kẻ khủng bố trẻ tuổi và giết hàng chục người.

Các chiến binh JAD đã tiến hành các cuộc tấn công bằng hình thức “con sói đơn độc” thông qua những hành động cực đoan, chẳng hạn như đánh bom liều chết tại một số nhà thờ hay xả súng và đâm các quan chức chính phủ, đặc biệt là cảnh sát.

Đối với JAD, đánh bom liều chết và các hành động theo kiểu “con sói đơn độc” là một đặc điểm của chiến lược tấn công liên tục vì chúng được coi là hiệu quả khi có thể tấn công trực tiếp mục tiêu.

Các hành vi khủng bố được đặc trưng bởi một cuộc tấn công đơn lẻ cũng có tác động gây tổn thương xã hội đáng sợ. Vụ nổ súng tại Trụ sở Cảnh sát Quốc gia hôm 31/3 vừa qua hay vụ đâm cựu Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp luật và An ninh Wiranto năm 2020 đều do một nhóm khủng bố như JAD thực hiện, nhằm mô tả thực tế tình hình Indonesia hiện không an toàn.

Trong khi đó, dù được coi là thất bại vì không gây thương vong cho nhiều người cũng như phá hủy các công trình nhà thờ, trụ sở cơ quan hành chính, nhưng với các tổ chức khủng bố thì vẫn được coi là thành công vì đã khiến dư luận lo ngại và lan truyền thông điệp về cái chết.

Kể từ khi thành lập năm 2015, JAD đã là chủ mưu đằng sau một số vụ đánh bom liều chết, như vụ đánh bom tại Nhà thờ Santa Maria ở Surabaya năm 2018, vụ đánh bom Trạm dừng xe buýt Melayu ở Kampung năm 2017. Ngoài ra, JAD còn được biết đến là kẻ chủ mưu đứng sau vụ đánh bom liều chết ở Jolo của Philippines hồi năm ngoái khiến 14 người thiệt mạng và 75 người bị thương.

Nhìn chung, sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 ở Mỹ, một số tổ chức khủng bố có xu hướng gia tăng cường độ tấn công thông qua các vụ đánh bom liều chết vì chúng có mục tiêu chính trị lớn. Như Al-Qaeda đã thực hiện một loạt vụ đánh bom liều chết để buộc quân đội Mỹ phải rời khỏi Bán đảo Arab năm 2003.

Tương tự với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tổ chức do Abu Mus'ab Zarqawi thành lập này đã ra lệnh cho chiến binh của hắn thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở các quốc gia tương ứng. Các chiến binh IS đã phát động hành động như những “con sói đơn độc” dưới nhiều hình thức: đánh bom liều chết, xả súng và đâm người dân, sĩ quan và đám đông.

Có vẻ như có những điểm tương đồng trong chiến lược khủng bố giữa IS và JAD về việc sử dụng “con sói đơn độc” như một hình thức khủng bố mới. Điều này là do JAD là đại diện của phong trào khủng bố IS có trụ sở tại Đông Nam Á.

JAD tuyển dụng những người trẻ tuổi đang tìm kiếm bản sắc. Thật không may, thế hệ trẻ có sự hiểu biết tôn giáo một cách sai lầm đối với những người có hệ tư tưởng khép kín. Cuối cùng, họ sẵn sàng tiến hành đánh bom liều chết vì học thuyết thánh chiến.

Có thể nhắm vào bất kỳ ai

Vì vậy, ý thức hệ khủng bố sử dụng đánh bom liều chết hay “con sói đơn độc” phải là mối quan tâm chung hiện nay. Thủ phạm có thể đến từ các nền tảng giáo dục, nghề nghiệp, giới tính và lứa tuổi khác nhau.

Có thể thấy từ các vụ xả súng vào Trụ sở Cảnh sát Quốc gia và vụ đánh bom liều chết ở Nhà thơ Makassar và một số hành vi cực đoan bạo lực nhân danh tôn giáo xảy ra trong vài năm qua, thủ phạm có thể là các cặp vợ chồng, già hay trẻ, nam hay nữ, cũng như giàu hay nghèo, qua đó cho thấy chủ nghĩa khủng bố không phân biệt tuổi tác hay giới tính.

Ý tưởng tôn giáo cực đoan này có thể nhắm vào bất kỳ ai và biến họ thành những kẻ cực đoan sẵn sàng hy sinh mạng sống của bản thân hoặc gia đình để trở thành những kẻ tử vì đạo như họ vẫn tưởng tượng.

Hệ tư tưởng của chủ nghĩa khủng bố có thể nhắm vào bất kỳ ai và thông qua bất kỳ nguồn nào. Hơn nữa, các nhóm khủng bố khác nhau cố tình sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ, tuyên truyền và phổ biến các tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Tất nhiên, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Telegram, WhatsApp, YouTube, Instagram, Twitter và các ứng dụng truyền thông xã hội khác rõ ràng là nhắm vào những người trẻ tuổi thường xuyên sử dụng internet để tham khảo về tôn giáo.

Do đó, việc cung cấp các tài liệu tham khảo về tôn giáo có nguồn từ internet nên đi kèm với kiến thức tôn giáo sâu sắc và tư duy cởi mở.

(Theo Antara news)