Tháng 10/2011, tạp chí Foreign Policy của Mỹ đăng bài “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” của bà Hillary Clinton, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó. Bài báo nổi tiếng này được coi như là “giấy khai sinh” cho chiến lược “Xoay trục” (Pivot) sang châu Á của Mỹ.
Tháng 6/2016, giữa lúc tình hình Mỹ và khu vực châu Á có những biến chuyển lớn và khó lường, có thể ảnh hưởng đến số phận của chiến lược còn được gọi là “Tái cân bằng” (Rebalancing) này, cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đông Á – Thái Bình Dương Kurt M. Campbell đã cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “Xoay trục”, phân tích sâu sắc chiến lược này của Mỹ.
Cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt M. Campbell. (Nguồn: Getty) |
Kurt M. Campbell chính là người đã chấp bút bài viết “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” cho Ngoại trưởng Clinton. Vì vậy, có thể nói cuốn sách này là chuyện kể của một người trong cuộc về chiến lược “Xoay trục” sang châu Á của Mỹ.
Lịch sử thế kỷ XXI được viết ở châu Á
Có thể thấy, châu Á đang bắt đầu dẫn đầu thế giới trên mọi phương diện, trong đó vai trò của Trung Quốc là nổi trội. Tính theo GDP/PPP năm 2008, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, năm 2011 Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, năm 2014 Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và đến năm 2020, Trung Quốc sẽ vẫn là nền kinh tế lớn nhất, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 và Indonesia trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. GDP Trung Quốc năm 1980 mới chiếm 7% GDP châu Á, hiện nay đã lớn gấp đôi tổng GDP của Nhật Bản và Ấn Độ, đến năm 2020 sẽ chiếm 50% tổng GDP khu vực.
Quyền lực quân sự cũng đang di chuyển sang châu Á. Chi quốc phòng của châu Á năm 2012 đã vượt châu Âu, đến năm 2021 sẽ vượt của Mỹ. Chi quốc phòng của Trung Quốc đã lớn gấp 3 lần của Ấn Độ và lớn hơn tổng chi quốc phòng của bốn nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Ước tính trong giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc chiếm 60% tổng chi quốc phòng của toàn châu Á. Trung Quốc chiếm ưu thế quân sự so với hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các nước đồng minh và bạn bè của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ước tính trong giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc chiếm 60% tổng chi quốc phòng của châu Á. (Ảnh minh họa: China Defense Blog) |
Sự trỗi dậy về kinh tế của châu Á là điều sống còn đối với nền kinh tế Mỹ, trong khi sự can dự của Mỹ là sống còn đối với tương lai của châu Á. Củng cố quan hệ của Mỹ với châu Á là đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm chạp kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các biến chuyển quyền lực mới và phức tạp trên thế giới, cùng các thay đổi mới và khó lường ở châu Á đòi hỏi Mỹ phải chú trọng nhiều hơn đến khu vực rất quan trọng đối với tương lai này. Sự phồn vinh và ổn định của trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo phụ thuộc vào việc Mỹ xử lý như thế nào sự canh tranh đang ngày một gia tăng ở châu Á và sự trỗi dậy lịch sử của Trung Quốc. Châu Á là trung tâm của rất nhiều vấn đề.
Ngăn chặn bá quyền
Chiến lược “Xoay trục” là một nỗ lực nhằm đề cao vị trí của châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược này chủ yếu là để tăng cường quan hệ của Mỹ với châu Á, không phải để ngăn chặn Trung Quốc. Song chiến lược này cũng là để nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ không rút lui khỏi châu Á.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn nhiều, vì họ cho rằng cán cân quyền lực đã hoặc đang thay đổi có lợi cho Trung Quốc và họ nghi ngờ cam kết của Mỹ đối với châu Á. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường tranh chấp lãnh thổ, xây dựng đảo nhân tạo, cản trở tàu Mỹ... Một trong các mục đích của chiến lược “Xoay trục” là để đối phó với chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc. Tổng thống Obama từng tuyên bố: “Một mối quan hệ mạnh và hợp tác với Trung Quốc là trung tâm của xoay trục sang châu Á”.
Chiến lược “Xoay trục” sang châu Á của Mỹ bao gồm các thành tố: tăng cường quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh và đối tác ở khu vực, duy trì quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, ngăn chặn bá quyền ở châu Á và củng cố hệ thống điều hành khu vực.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California năm 2013. (Nguồn: AFP) |
Ngăn chặn bá quyền và củng cố hệ thống điều hành châu Á cần phải trở thành hai yếu tố cốt lõi trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Muốn đạt được các lợi ích lâu dài ở châu Á, Mỹ cần ngăn chặn một nước nổi lên và củng cố hệ thống điều hành châu Á. Hệ thống điều hành châu Á là hệ thống luật pháp, an ninh và thực hành đã giúp châu Á phồn vinh và an ninh trong suốt 4 thập kỷ qua, và đã hỗ trợ cho các nỗ lực chung đối phó với các thách thức xuyên biên giới. Hệ thống này - dựa trên các nguyên tắc tự do giao thông, tự do thương mại và giải quyết hòa bình các tranh chấp - là cốt lõi cho tương lai của châu Á và các lợi ích của Mỹ.
Vị trí của Việt Nam
Để thực hiện có hiệu quả chiến lược “Xoay trục”, Mỹ cần hợp tác với các đối tác mới như Việt Nam. Việt Nam đang nâng cấp hải quân để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh cá và thăm dò năng lượng. Việt Nam có dân số lớn hơn bất kỳ một nước châu Âu nào và là một nền kinh tế đang phát triển nhanh, có triển vọng.
Quan hệ gần gũi với Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược “Xoay trục”. Mỹ và Việt Nam đã tham gia TPP; thiết lập Quan hệ Đối tác Song phương Toàn diện năm 2013; hợp tác trong các vấn đề an ninh và ngoại giao, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kế hoạch 10 điểm cho chiến lược “Xoay trục” 1. Hàng năm có báo cáo giải trình rõ các mục tiêu, phương tiện, phương pháp thực hiện của chiến lược “Xoay trục” để vận động nội bộ nước Mỹ và các nước châu Á ủng hộ. 2. Củng cố quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh bằng cách tăng cường quan hệ song phương và liên kết các nước đồng minh trong một hệ thống “trục và nan hoa”. 3. Định dạng sự trỗi dậy của Trung Quốc. 4. Xây dựng quan hệ giữa Mỹ với các đối tác cũ và mới theo phương hướng tạo thêm một vành xe cho cấu trúc “trục và nan hoa”. 5. Hội nhập thương mại châu Á – Thái Bình Dương là một động cơ của chính sách của Mỹ đối với châu Á. 6. Can dự vào các thiết chế đa phương của khu vực cũng là một thành phần quan trọng trong chiến lược “Xoay trục” của Mỹ. Trong các thiết chế đa phương khu vực, ASEAN có thể là quan trọng nhất. 7. Nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. 8. Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền là một mục tiêu cốt lõi lâu đời của Mỹ. 9. Tăng cường ngoại giao cũng là một bộ phận quan trọng trong chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Mỹ đã có một số chương trình cho công tác này, nổi bật là Chương trình Fulbright và Đội Hòa bình. 10. Phối hợp với các đồng minh châu Âu, cùng với châu Âu xoay trục sang châu Á. |