Mục đích của vụ tấn công mạng nói trên - được cho là nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - khiến chính giới và dư luận nước này hướng nghi ngờ về sự can thiệp của các cơ quan tình báo Nga. Tuy nhiên, ngày 27/7, Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov đã bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, cho rằng đây là câu chuyện hoang đường mà các chính trị gia ở xứ cờ hoa thêu dệt.
Trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, ông Eugene Rumer – chuyên gia kỳ cựu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế - nhận định có thể sẽ chẳng bao giờ biết được liệu Moscow có thực sự là “thủ phạm” gây ra vụ rò rỉ này hay không. Tuy nhiên, theo Rumer, đây cũng chính là lúc đưa ra những đánh giá mới về nước Nga, về những mối đe dọa mà Nga có thể gây ra đối với chính quyền tiếp theo của Mỹ, bất chấp Tổng thống mới là ai.
Trò cản đường bà Clinton?
Sở dĩ phía Mỹ luôn nghi ngờ vụ xâm nhập hệ thống thư điện tử của DNC có bàn tay của Nga bởi Washington biết rằng, với năng lực của mình, các cơ quan tình báo của Moscow hoàn toàn có thể làm được việc đó. Thông tin là sức mạnh, vì vậy việc nắm được những thông tin sốt dẻo từ đối thủ là một lợi thế không thể bỏ qua. Trên thực tế, xâm nhập vào hệ thống máy tính của Mỹ là việc mà giới tình báo Nga đã thực hiện nhiều lần trong quá khứ.
Tuy nhiên, nếu là những thông tin tình báo quan trọng, tại sao những tin tặc lại quyết định công bố? Liệu mục đích của chúng có phải nhằm làm giảm sự ủng hộ của các cử tri đảng Dân chủ đối với bà Hillary Clinton, qua đó góp phần tạo lợi thế cho ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump?
Không nhiều người tin rằng vụ tấn công mạng này sẽ làm ảnh hưởng sâu sắc tới việc bỏ phiếu lựa chọn Tổng thống Mỹ, bởi cuộc chiến trường kỳ giữa hai chính đảng chủ chốt bị chi phối bởi rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Dù vậy, vụ việc cũng khiến giới hoạch định chính sách cũng như các nhà phân tích Mỹ thêm lưu tâm đối với mối đe dọa từ nước Nga.
Nhà Trắng ngày 5/8 cho biết, Mỹ sẽ nâng cấp Bộ Tư lệnh tác chiến mạng (USCYBERCOM) thành một đơn vị tương đương với các phân nhánh tác chiến khác của quân đội nước này như Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) hay Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM). |
Việc Mỹ là một siêu cường cũng không có nghĩa các vấn đề nội chính của Washington nằm ngoài phạm vi quan tâm của tình báo Nga. Ngược lại, chính vai trò quan trọng hàng đầu của Mỹ trên trường quốc tế là lý do khiến cho cường quốc này luôn rơi vào tầm ngắm của Điện Kremlin.
Giống như năm 2000, khi Tổng thống George Bush (con) giành chiến thắng đầy kịch tích với sự ủng hộ mang tính quyết định của cử tri tại bang Florida, cuộc bầu cử Mỹ năm nay có thể sẽ phụ thuộc vào lựa chọn của những người ủng hộ Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bernie Sanders, khi những người này thà ngồi ở nhà chứ không đi bầu cho bà Clinton. Trong bối cảnh đó, việc tin tặc công bố những thư điện tử của DNC được xem là trò “phá bĩnh” nhằm cản đường đến Nhà Trắng của bà cựu Ngoại trưởng.
Giả thuyết trên khiến dư luận Mỹ đặt thêm câu hỏi: liệu có phải ông Trump là ứng viên Tổng thống Mỹ mà Nga mong muốn? Trên thực tế, ông Trump có quan hệ tốt đẹp với Nga khi tỷ phú này dành nhiều lời có cánh cho Tổng thống Vladimir Putin. Bên cạnh đó, ông này cũng có một số dự án kinh doanh béo bở ở Nga. Đặc biệt, ông Trump có tư tưởng hoài nghi đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời úp mở việc công nhận bán đảo Crimea thuộc về lãnh thổ Nga và ủng hộ chấm dứt chính sách trừng phạt kinh tế với Moscow nếu đắc cử Tổng thống Mỹ.
Đòn trả đũa Mỹ
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Nga luôn cảnh giác với phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Họ cho rằng Washington luôn tìm cách bao vây cấm vận, kích động bất ổn và cô lập Moscow trên trường quốc tế. Để đáp trả lại Mỹ, Nga đã triển khai cái gọi là "chiến tranh phức hợp" (hybrid warfare - chiến lược quân sự kết hợp giữa chiến tranh thông thường, chiến tranh phi thông thường với chiến tranh mạng). Giới chuyên gia Mỹ cho rằng, Nga đã thực hiện “cuộc chiến lai ghép” ở nhiều mức độ khác nhau tại các quốc gia như Ukraine, các nước Baltic hay Syria.
Đáp lại những lời cáo buộc của Mỹ, các cơ quan an ninh của Moscow cho rằng nước Nga là nạn nhân của những âm mưu gây bất ổn của Washington. Cụ thể, việc Mỹ ủng hộ cho tiến trình dân chủ hóa ngay trong lòng nước Nga và ở các quốc gia láng giềng là mối đe dọa lớn đối với Điện Kremlin. Mới đây, vụ rò rỉ thông tin “Hồ sơ Panama” phơi bày nhiều “của chìm của nổi” của giới tinh hoa cầm quyền ở Nga, cũng được Moscow đánh giá là chiêu trò tạo bất ổn của Mỹ. Cũng với tư duy này, Nga cho rằng việc toàn bộ vận động viên của nước này bị cấm tham gia Olympic 2016 tại Brazil cũng là một thủ đoạn của Washington.
Chính vì quan điểm trên, Nga cho rằng những hành động gây rối của Mỹ cần phải bị đáp trả thích đáng. Vì vậy, một số người Mỹ tin rằng, rất có khả năng tin tặc Nga xâm nhập vào máy tính của DNC để lấy cắp những thông tin về hoạt động gây quỹ để trả đũa việc truyền thông phương Tây công bố những hoạt động mờ ám của giới chức Nga. Điều này cũng góp phần củng cố cho lập luận của Nga rằng, tiền bạc luôn song hành cùng chính trị ở bất cứ đâu trên trái đất này, dù ở Nga hay Mỹ và các nước phương Tây khác - vốn có tư tưởng phê phán sự khác biệt của Nga.
Nga tận dụng lợi thế
Một số chuyên gia Mỹ cho rằng, tiềm lực quân sự - kinh tế của Nga rõ ràng vẫn chưa thể sánh bằng Mỹ. Vì vậy, Nga không chọn cách đối đầu trực diện với Mỹ, thay vào đó, Moscow khéo léo tận dụng những lợi thế của riêng mình.
Nga biết cách triển khai quân đội ở những khu vực mà tương quan lực lượng có lợi cho họ, hoặc những nơi mà các nhà hoạch định quân sự của Moscow biết rằng sự can thiệp không thể dẫn đến một kịch bản thảm họa. Ukraine là một trường hợp mà Điện Kremlin có những lợi ích rõ rệt, ưu thế quân sự vượt trội, và đặc biệt là việc Mỹ chắc chắn sẽ không đưa quân vào quốc gia Đông Âu này.
Trong khi đó, việc Nga can dự ở Syria cũng là để bảo vệ lợi ích của Moscow (giúp Tổng thống Bashar al-Assad giữ vững chính quyền thân Nga), song lại gặp nhiều rủi ro khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cân nhắc việc triển khai quân đội tham chiến tại đất nước Trung Đông này.
Tuy nhiên, ông Eugene Rumer cho rằng, ở những nơi việc sử dụng quân đội gặp nhiều bất trắc, Moscow có thể sẽ triển khai “chiến tranh phức hợp”. Rumer đặt ra tình huống: Nga sẽ không bao giờ tấn công trực diện các nước Baltic bởi quyết định này có thể châm ngòi cho sự trả đũa của NATO, thậm chí kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân. Thay vào đó, các nước Baltic có thể trở thành đối tượng của các chiến dịch tuyên truyền, những cuộc tấn công mạng và cả những động thái kích động khiến các nước này giảm niềm tin vào NATO.
Theo giới chuyên gia, việc nâng cấp USCYBERCOM là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào phát triển các vũ khí mạng để răn đe tấn công, trừng phạt những đối tượng xâm nhập vào các mạng máy tính của Mỹ, đồng thời ngăn chặn các lực lượng thù địch như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. |
Phương Tây đang lo ngại rằng, không chỉ các nước Baltic, ngay cả Đức - đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ ở châu Âu - có thể cũng trở thành nạn nhân của các chiến dịch tuyên truyền, do thám, hoặc nguy cơ rối loạn chính trị nội bộ. Ở Pháp, đảng cánh hữu Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen - người có quan hệ tốt đẹp với Điện Kremlin - cũng được cho là một lực lượng thân Nga.
Có thể thấy, những nhận định của phương Tây kể trên phần nhiều mang tính võ đoán, bởi cho đến nay, mọi thông tin thường chỉ là những cáo buộc qua lại giữa Nga - Mỹ, hai cường quốc vốn có nhiều cạnh tranh và toan tính riêng. Ngày 30/7, tại Diễn đàn An ninh Aspen, bà Lisa Monaco - Cố vấn An ninh nội địa của Tổng thống Mỹ - thừa nhận vụ xâm nhập hệ thống máy tính DNC là “một vấn đề nghiêm trọng”, tuy nhiên “bất cứ khi nào tính đến chuyện trả đũa, Mỹ cần lưu ý và phân biệt đến nguy cơ leo thang căng thẳng và sự hiểu nhầm”.
Theo New York Times, thế giới đến nay vẫn chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an ninh mạng mà chỉ tồn tại một bộ chuẩn mực mang tính chắp vá, xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia đang tích cực tăng cường an ninh thông tin, bởi khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, chiến tranh mạng cũng có xu hướng gia tăng và tạo ra những tác động không nhỏ đến chính trị thế giới.