Trụ sở phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở khi dự Hội nghị Paris ở thành phố Choisy-le-Roi. |
Điều đó buộc Tổng thống Mỹ L. Johnson phải ngừng ném bom vô điều kiện miền Bắc Việt Nam vào tháng 03/1968 theo yêu cầu của Hà Nội để bắt đầu cuộc đàm phán. Các cuộc thương lượng diễn ra tại Paris từ ngày 13/05/1968 giữa Đại sứ Mỹ Averell Harriman và Bộ trưởng Ngoại giao miền Bắc Việt Nam Xuân Thủy. Họ phải mất đến sáu tháng để quyết định ai sẽ tham gia vào cuộc đàm phán. Đó là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Hoa Kỳ, chính quyền Sài Gòn và Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) mà vài tháng sau đó đổi thành Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT).
Đến Paris ngày 10/05/1968, đoàn đàm phán ở tại một khách sạn sang trọng, nhưng các thành viên trong đoàn bị làm phiền bởi các nhà báo, những người hiếu kì, những người có thiện cảm và các cuộc biểu tình diễn ra gần đó, nhất là của những người chống đối chính phủ Hà Nội. Phái đoàn đề nghị Đảng Cộng sản Pháp (ĐCS Pháp) tìm giúp cho một nơi ở kín đáo hơn, tránh được các áp lực từ bên ngoài để làm việc trong các điều kiện thuận lợi. Đoàn đàm phán đã chuyển đến trường Maurice Thorez tại thị trấn Choisy-le-Roi, nơi ĐCS Pháp đào tạo các cán bộ lãnh đạo của mình.
Ba mươi bảy thành viên của đoàn đàm phán đã được giúp đỡ tận tình và bảo vệ của hàng trăm đảng viên ĐCS Pháp, tất cả các đảng viên đều tình nguyện và tận tụy với các đồng chí Việt Nam. Họ làm lái xe, nấu ăn, phục vụ, giặt là, canh gác, bảo vệ và nhân viên an ninh. Vào các dịp lễ, tết của gia đình, họ lại đón các thành viên đoàn đàm phán về nhà, họ tổ chức các chuyến du lịch cho đoàn. ĐCS Pháp đã bố trí cho đoàn đàm phán một tốp các bác sĩ và nhân viên y tế đa khoa. ĐCS Pháp còn tổ chức tiếp đón rất nhiều đoàn đại biểu ủng hộ Việt Nam đến thăm Đoàn đàm phán. Dự kiến ban đầu chỉ là hai tháng, Phái đoàn đã ở đó năm năm. Từ 37 người lúc ban đầu, tổng số thành viên đã nhanh chóng lên đến 70 người.
Ngày 25/01/1969, cuộc đàm phán bốn bên đã được bắt đầu tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên Đại lộ Kléber.
Richard Nixon, trúng cử Tổng thống từ sáu tháng trước, đã hứa sẽ rút quân Mỹ đồng thời củng cố chế độ Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu. Thiệu không muốn Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vì nếu một mình đối diện với miền Bắc và lực lượng kháng chiến miền Nam thì khả năng tồn tại (của chính quyền này) là rất thấp. Ông ta đã cố gắng chống lại các cuộc thương lượng nhưng vô vọng.
Khi cuộc đàm phán công khai tại Kléber lâm vào bế tắc, mà như mô tả của trưởng Đoàn đàm phán CPCMLT Nguyễn Thị Bình, là “một cuộc đối thoại giữa những người điếc”, Hà Nội và Washington đã quyết định gặp gỡ bí mật. Ông Lê Đức Thọ dẫn đầu đoàn VNDCCH và Kissinger dẫn đầu đoàn Hoa Kỳ. Giờ đây, hòa bình hay chiến tranh sẽ phụ thuộc vào những gì mà hai người này thương lượng. Ngày 21/02/1970 diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Lê Đức Thọ và Kissinger. Đoàn đàm phán Việt Nam đã tiếp đón đoàn Hoa Kỳ trong biệt thự số 11 phố Darthe, thị trấn Choisy-le-Roi. Vào cuối cuộc đàm phán, thị trấn này trở thành thủ đô của hòa bình và hữu nghị.
Ông Lê Đức Thọ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp cố vấn Tổng thống Hoa Kỳ Henry Kissinger và Phó Trợ lý Ngoại trưởng William Sullivan trong cuộc gặp tại biệt thự ở ngoại ô Gif-sur-Yvette, Pháp. |
Tháng 02/1972, Nixon đến Bắc Kinh và hai tháng sau đó đến Moscow. Ông ta gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi gặp Tổng Bí thư Liên Xô Brejnev. Nixon hy vọng hai nước này sẽ gây sức ép lên VNDCCH để kết thúc các cuộc đàm phán nhưng ông ta không được lắng nghe.
Tháng 09/1972, hòa bình đã ở trong tầm tay. Kissinger và Lê Đức Thọ ký dự thảo Hiệp định. Nhưng ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu từ chối ký. Ông ta đòi đường giới tuyến chia cắt hai miền trong Hiệp định Geneva 1954 được duy trì và quân đội miền Bắc phải rút khỏi miền Nam. Ông ta muốn công nhận có hai nhà nước.
Vì thế tới tháng 10/1972, Kissinger phải nối lại các cuộc đàm phán với Lê Đức Thọ nhằm đưa ra các sửa đổi mà ông ta biết rõ là không thể chấp nhận được. Báo chí nghe đồn là các nhà đàm phán gặp nhau bí mật tại Choisy-le-Roi. Hai đoàn lần đầu tiên gặp nhau tại Gif-sur-Yvette trong biệt thự của họa sĩ Fernand Léger.
Lần này, việc ký Hiệp định dự kiến diễn ra ngày 25-26/10/1972. Trên thực tế, ngay từ trước, Kissinger đã tìm mọi cách để tránh bị đổ lỗi vì ông ta hiểu rằng Washington đã lên kế hoạch tái khởi động cuộc chiến và việc ông ta phải làm là thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu ký Hiệp định.
Lê Đức Thọ không bị lừa, bởi vì Thiệu sẽ nói không và đó sẽ là cái cớ để Mỹ hủy bỏ dự thảo Hiệp định đã đạt được.
Hà Nội muốn giữ dự thảo ngày 08/10 vì cho rằng đã nhân nhượng quá đủ, trong khi phía Mỹ đòi thảo luận lại vấn đề rút quân đội miền Bắc ra khỏi miền Nam, khi mà vấn đề này đã được giải quyết sau ba năm đàm phán.
Kể từ ngày 20/11/1972, rất nhiều phóng viên đã đến xung quanh ngôi nhà ở Gif-sur-Yvette. Phía Mỹ đòi sửa đổi tới 67 điểm. Nếu Hà Nội không chịu thương lượng, Nixon sẽ quyết định ném bom trở lại. Vào ngày thứ ba của cuộc gặp, Lê Đức Thọ đồng ý di chuyển một số đơn vị gần giới tuyến (hai miền) và bảo đảm ngừng bắn tại Campuchia. Đối với Hoa Kỳ, điều đó là không đủ.
Cuộc đàm phán giữa ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ tại một ngôi nhà trên sân Golf of Saint Nom la Breteche gần Paris, tháng 01/1973. Ngoài cùng bên trái lần lượt là Phó Trợ lý Ngoại trưởng William H. Sullivan, H. Kissinger và Winston Lord - thành viên Hội đồng An ninh quốc gia. Đối diện bên phải là Lê Đức Thọ (tay cầm kính trên bàn), hai bên là Bộ trưởng Xuân Thủy và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. |
Nixon nói với Kissinger: “Để củng cố vị thế thương lượng của chúng ta với Bắc Việt, nếu họ cứ tiếp tục ngoan cố như hiện nay, ông phải tính tới khả năng ngừng các cuộc thảo luận để hai phía có thể tham khảo chính phủ và quay trở lại thương lượng sau đó một tuần. Tranh thủ khoảng thời gian này, chúng ta sẽ tiến hành các cuộc ném bom ồ ạt. Theo tôi, đó là một lựa chọn có nhiều rủi ro nhưng tôi đã quyết định như vậy, nếu như đó là lựa chọn duy nhất hơn là một hiệp định còn tồi hơn cả bản dự thảo ngày 08/10. Cần phải cứng rắn với Sài Gòn cũng như Hà Nội và không thể chấp nhận một thoả thuận rẻ mạt”.
Nixon nhấn mạnh với Kissinger rằng, nếu các cuộc thảo luận bị ngưng lại thì “đó là do sự ngoan cố của Bắc Việt và không phải do chúng ta, không bao giờ được nói là do Sài Gòn và cũng không nói đó là cơ hội cuối cùng”. Kissinger nói với Nixon: “Ngài và tôi đều hiểu là những sửa đổi đưa ra trong tháng 11 là một cục phân. Nó chỉ đem lại những tiến triển nhỏ nhưng cho phép làm Thiệu chấp nhận”.
Về sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô đối với VNDCCH, Kissinger phân tích: “Hai nước chưa bao giờ gửi quân đội hoặc cố vấn, điều này cho thấy Bắc Việt tự chiến đấu trong khi đó sự bao bọc của Mỹ đã biến Sài Gòn thành một người trợ tá bạc nhược”.
Giữa tháng 12/1972, các cuộc đàm phán bị gián đoạn. Lê Đức Thọ trở lại Hà Nội. Chỉ vừa về đến nơi, Bắc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội chìm trong những trận mưa bom. Các cuộc không kích với hàng trăm chiếc máy bay B52 kéo dài 12 ngày. Nixon tuyên bố: “Chúng ta trừng trị kẻ thù địch đến mức nó phải đau đớn”. Theo Nixon, “… với sức mạnh của không quân và hải quân Mỹ, những người Cộng sản không thể nào thắng lợi được”. Với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trên thực tế đó là “một Điện Biên phủ trên không”, với hàng chục máy bay ném bom B52 bị bắn rơi.
Khi mà hòa bình tưởng như đã bị chôn vùi thì Lê Đức Thọ và Kissinger đã gặp lại nhau vào ngày 08/01/1973 tại Gif-sur-Yvette, cũng tại chính nơi ba tuần trước đó khi chia tay, Kissinger đã chúc ông Lê Đức Thọ “một Giáng sinh tốt lành” dù biết rõ rằng khi ông Thọ về đến Hà Nội là không quân Mỹ sẽ ném bom.
* Daniel Roussel là nhà báo, nhà làm phim, tác giả người Pháp. Ông từng là phóng viên thường trú của báo Nhân đạo (L’Humanité) tại Việt Nam, Lào, Campuchia từ năm 1980-1986. Năm 2015, ông thực hiện phim tài liệu với nhan đề “Chiến tranh Việt Nam, giữa tâm điểm các cuộc đàm phán bí mật”. Phim đã được chiếu nhiều lần trên các đài truyền hình ARTE, LCP tại Pháp, Đức và nhiều nước. |
Phiên họp ngày 08/01 đã bị rút ngắn vì Lê Đức Thọ nổi giận. Ông nói to đến mức những nhà báo đã theo Kissinger đến cửa ngôi biệt thự cũng có thể nghe được những gì mà một Việt Nam nhỏ bé đang mắng mỏ (phê phán) một nước Mỹ siêu cường. Kissinger phải nhiều lần xen ngang xin ông Thọ nói nhỏ hơn. Lê Đức Thọ lên án các vụ ném bom của Mỹ vào thời điểm hiệp định gần như đã hoàn tất. Ông giận dữ vì thái độ của Kissinger khi biết rõ Hoa Kỳ đã có kế hoạch ném bom vào thời điểm ông về đến Hà Nội.
Sau đó, các cuộc đàm phán được nối lại và trong năm ngày, hai bên đã thống nhất văn bản Hiệp định được chính thức ký vào ngày 27/01/1973 sau hơn bốn năm đàm phán.
Bốn đoàn đàm phán ký Hiệp định ngừng bắn. Mỹ cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự và rút hết quân Mỹ trong vòng hai tháng. Tiếp theo là các cuộc đàm phán giữa chính quyền Sài Gòn và CPCMLT để thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc sau các cuộc bầu cử để thống nhất đất nước.
Đối với VNDCCH và CPCMLT, hiệp định là một thắng lợi. Hai năm sau đó, ngày 30/04/1975, Việt Nam thống nhất.
Năm 2015 tại New York, Kissinger trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Xin trích nguyên văn: “Lê Đức Thọ là đại diện của một nước nhỏ đàm phán với một siêu cường. Chiến lược của ông ta là bẻ gẫy tinh thần của chúng tôi… Thật không may khi người ta có một đối thủ như vậy. Ông ta trung thành với chủ nghĩa Mác và lại có phong trào hòa bình Mỹ luôn bên ông”.