📞

Chính trường Libya: 3 kịch bản, 1 vận mệnh

Minh Quân 15:01 | 11/04/2019
Giao tranh giữa Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự phong của Tướng Khalifa Haftar và Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) rồi sẽ có “điểm dừng” hay kết cục ngã ngũ? Bình luận của Báo Thế giới và Việt Nam.

6 ngày sau khi Tướng Khalifa Haftar tuyên bố mở màn chiến dịch tấn công Thủ đô Tripoli (Libya), thành trì then chốt của chính quyền Thủ tướng Fayez al-Sarraj ngày 4/4, LNA đã đụng độ với GNA tại nhiều trọng điểm như sân bay quốc tế Tripoli bỏ hoang và Mitiga, sân bay quốc tế hiếm hoi còn hoạt động. Trong những ngày đầu tiên, LNA chiếm ưu thế song sau đó, GNA đã phản công và hiện hai bên đang giằng co nhau trên từng tấc đất.

Thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy đến thời điểm hiện tại, đã có 47 người chết, 81 người bị thương. Con số này nhiều khả năng sẽ gia tăng trong vài ngày tới, khi chiến sự trở nên ác liệt hơn, bất chấp chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhắm vào LNA. Trong bối cảnh đó, điều được quan tâm hơn cả là Tripoli liệu có thất thủ, và Libya rồi sẽ đi về đâu?

Các chiến binh của LNA trên xe tham gia chiến dịch tấn công Tripoli ngày 7/4. (Nguồn: Reuters)

Xét tương quan lực lượng, tình hình chiến sự cùng ý định của LNA, ba kịch bản lớn có thể xảy ra.

Knock-out không là tất cả

Kịch bản đầu tiên được nhiều người nghĩ tới chính là việc LNA áp đảo, đánh bật GNA và giành quyền kiểm soát Tripoli. Thủ đô là trung tâm chính trị - kinh tế - quân sự của đất nước và LNA cần kiểm soát Tripoli nếu Tướng Haftar muốn nắm trong tay quyền lãnh đạo Libya.

Xét về tương quan lực lượng, LNA hiện có hàng chục nghìn lính thiện chiến sau 4 năm chống “khủng bố”, với nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại cùng sự hỗ trợ đến từ Pháp, Nga, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tướng Haftar là người dày dạn kinh nghiệm chiến trường khi từng "kề vai sát cánh" cùng cố Tổng thống Muammar Gaddafi chiến đấu giành độc lập cho Libya, trước khi góp phần lật đổ “chiến hữu” cũ vào năm 2011. Trong khi đó, Quân đội của GNA chủ yếu là dân quân từ các tỉnh ven biển như Misurata và Zawiyah, với ít kinh nghiệm chiến đấu. Một lực lượng chủ chốt trong GNA đến từ đảng Xây dựng và Công lý, chi nhánh của đảng Anh em Hồi giáo tại Libya.

Tuy nhiên, tương quan lực lượng có thể làm nên chiến thắng về mặt quân sự, xong không thể mang đến tính chính danh, điều mà Tướng Haftar cần nếu ông muốn thực sự nắm quyền lâu dài tại Libya. Đặc phái viên của LHQ về Libya Ghassan Salame, cùng nhiều nước lớn, trong đó có Mỹ, khẳng định sẽ không chấp nhận một giải pháp quân sự cho Libya.

Thêm vào đó, ngay cả khi chiến thắng, Tướng Haftar cùng LNA phải tính đến khả năng phương Tây can thiệp quân sự nhằm cứu vãn thất bại của GNA. Ở thời điểm hiện tại, khả năng này là không nhiều: Mỹ không muốn nhúng tay vào Libya một lần nữa, còn Pháp tiếp tục ủng hộ Tướng Haftar dù không hài lòng với việc “khai hỏa” chiến dịch Tripoli. Tuy nhiên những bước đi trong thời gian qua cho thấy Tướng Haftar rất cẩn trọng trong hành động và chẳng ai mong muốn phải đối mặt với tình huống xấu nhất.

Kịch bản thứ hai là khi GNA đẩy lùi LNA ra khỏi Tripoli, khôi phục hiện trạng trước khi Tướng Haftar tấn công Thủ đô. Ở thời điểm hiện tại, GNA đã bước đầu thành công trong việc cầm chân LNA tại sân bay quốc tế Tripoli. Song về lâu dài, xét trên tương quan lực lượng, GNA khó có thể cầm cự.

Bản đồ Libya. (Nguồn: cnbc)

Những biện pháp ngoại giao, hòa giải của LHQ hay các nước lớn chưa tỏ ra hiệu quả, trong khi các quốc gia bảo trợ cho LNA, trong đó có Mỹ, đang khẩn trương sơ tán nhân viên ngoại giao và binh lính đồn trú tại khu vực này. Ngày 7/4, Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) đã sơ tán một đơn vị lính Mỹ khỏi Libya vì lý do an toàn. Trong bối cảnh đó, khó kỳ vọng GNA sẽ làm nên chuyện trước một LNA đang trên đà chiến thắng.

Giành điểm chiến thắng

Khi đó, kịch bản cuối cùng sẽ diễn ra là việc LNA giành ưu thế tuyệt đối tại các điểm chủ chốt trước khi ngừng bắn, nối lại hòa đàm trong tư thế người chiến thắng. Không phải ngẫu nhiên Tướng Haftar chọn ngày 4/4, thời điểm Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tới Tripoli để chuẩn bị cho Hội nghị Toàn quốc về Libya (dự kiến từ 14-16/4), để triển khai chiến dịch. Do đó, nhiều nhà quan sát cho rằng chiến dịch tấn công thủ phủ Libya là nhằm giành ưu thế trước khi trở lại bàn đàm phán vãn hồi hòa bình, tổng tuyển cử và thống nhất đất nước.

Thêm vào đó, chiến dịch của LNA cũng diễn ra vào thời điểm hàng xóm của Libya là Algeria đang tập trung giải quyết khủng hoảng chính trị. Từ lâu, Alger đã theo dõi sát sao mọi động tĩnh trên chiến trường Libya, đặc biệt là khu vực biên giới hai nước. Việc Algeria đang vướng bận với chính trị nội bộ sẽ tạo khoảng trống để LNA của Tướng Haftar có thể dễ dàng triển khai chiến dịch quân sự tại Tây Bắc Libya mà không gặp trở ngại từ quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, ngày 9/4, Đặc phái viên của LHQ về vấn đề Libya Ghassan Salame tuyên bố Hội nghị Toàn quốc về Libya nhiều khả năng sẽ không thể diễn ra do giao tranh tiếp tục leo thang. Đây là một bước đi hợp lý từ LHQ, xét trong bối cảnh Tướng Haftar cần tham dự sự kiện này, nhằm khẳng định tính chính danh về chính trị, và bởi chiến thắng về mặt quân sự là chưa đủ để nắm quyền kiểm soát Libya.

Tuy nhiên, giành số phiếu áp đảo trong một cuộc bầu cử được LHQ bảo trợ, danh chính ngôn thuận đảm nhiệm vị trí lãnh đạo của một nước Libya thống nhất, lại là câu chuyện khác. Điều này sẽ đòi hỏi Tướng Haftar phải chọn một “điểm dừng” để có được sự ủng hộ của LHQ, chứ không đơn thuần chỉ là Pháp, Nga và “những người bạn”. Giành ưu thế trên chiến trường, thỏa thuận ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán ở “cửa trên”, đạt mục đích chính trị, rồi chuẩn bị cho tổng tuyển cử, thống nhất Libya có lẽ là mục tiêu mà Tướng Haftar hướng tới.

Đây cũng là kịch bản nhiều người mong muốn bởi xét cho cùng, vận mệnh của một đất nước cần được định đoạt bởi lá phiếu người dân hơn là những viên đạn trên nòng súng.