Từ những năm 1980 tới nay, Chủ nghĩa tân tự do (CNTTD) là tư tưởng chủ đạo trong chính sách kinh tế của phần lớn các nước phát triển. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, khuynh hướng ủng hộ CNTTD cũng ngày càng trở nên rõ rệt hơn.
Quan điểm khởi nguồn
Cha đẻ của chủ nghĩa này -Friedrich Hayek - đã xây dựng nó trên giả định thị trường có thể bảo vệ hiệu quả nhất cho những người dân chống lại chế độ chuyên chế. Và để đạt được mục đích đó, chính phủ cần để cho thị trường hoàn toàn tự do vận hành. Đây chính là điểm mang đến cho chủ nghĩa này cái tên Tân tự do. Theo chủ nghĩa này, các chính phủ nên áp dụng phương pháp tiếp cận kiểu thị trường tự do, sử dụng các biện pháp như tư nhân hóa hàng loạt, cắt giảm chi phí công và hạn chế điều tiết thị trường để kinh tế thực sự khởi sắc.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là hai nhà lãnh đạo ủng hộ CNTTD. (Nguồn: Pinterest) |
Không chỉ các nhà kinh tế học bảo vệ CNTTD như Friedrich Hayek hay Milton Friedman - giáo sư giảng dạy tại Đại học Chicago, cùng các “tín đồ” trong hàng nghìn trường kinh tế trên thế giới, mà còn các tổ chức kinh tế uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đều lập luận rằng khu vực tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, rằng cạnh tranh sẽ có tác động tích cực thúc đẩy sự giàu có của xã hội. Thậm chí, nhiều người theo trường phái này còn khẳng định chính phủ càng đánh thuế người giàu ít đi, bảo vệ người lao động ít đi, ít phân chia lại của cải xã hội, kinh tế càng phát triển mạnh. Cũng theo quan điểm này, mọi nỗ lực cải thiện bất bình đẳng xã hội chỉ làm giảm hiệu quả của nền kinh tế. Ngược lại, kinh tế phát triển sẽ kéo theo sự phát triển chung của xã hội.
Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến những năm 1980, các nước phát triển đều thi hành các chính sách kinh tế dựa trên những tư tưởng của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes. Theo Keynes, chính phủ cần phải can thiệp vào thị trường bằng các chính sách công để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân và bình ổn giá. Rõ ràng là tư tưởng của Keynes rất khác biệt với CNTTD. Nhờ vào các biện pháp kiểu Keynes, nền kinh tế của các nước phương Tây đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, từ những năm 1980 trở đi, các tư tưởng của CNTTD được đưa áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, lấy mất vị trí thống trị của tư tưởng kinh tế Keynes.
Ảnh hưởng lan rộng
Người tiên phong đưa các tư tưởng của CNTTD vào áp dụng trong việc hoạch định chính sách kinh tế là Augusto Pinochet. Nhà độc tài người Chile này đã thực hiện các chính sách tự do hóa kinh tế mạnh mẽ dưới sự tư vấn trực tiếp của “Chicago Boys” (“các chàng trai Chicago”) – nhóm các nhà kinh tế người Chile, học trò của Milton Friedman. Dưới tác động của Friedman, Chile đã thực hiện các chính sách tự do hóa kinh tế, tư nhân hóa doanh nghiệp Nhà nước và bình ổn lạm phát. Năm 1973, Pinochet đã hủy bỏ quy định về mức lương tối thiểu, cấm các hoạt động của công đoàn, bỏ hoàn toàn thuế đánh trên lợi nhuận kinh doanh, cắt giảm việc làm trong khu vực công, tư nhân hóa 212 ngành công nghiệp và 66 ngân hàng.
Chính sách của Pinochet quả thực đã thay đổi nền kinh tế Chile. Tuy nhiên, ngoài Friedman đánh giá sự phát triển của Chile là “thần kỳ”, nhiều nhà kinh tế khác cho rằng Chile là một ví dụ cho sự thất bại. Năm 1982-1983, GDP của nước này đã sụt giảm 19%. Các ngân hàng Nhà nước rơi vào tay hai đế chế ngân hàng dưới sự điều khiển của hai nhà đầu cơ Javier Vial và Manuel Cruzsat. Tệ hại nhất là sự chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng tăng đột biến: vào cuối thời của Pinochet (1990), hơn 40% người dân Chile thuộc diện nghèo. Điều này đã dẫn đến tình trạng bạo động và biểu tình trên khắp cả nước, buộc Pinochet phải dừng một số “thử nghiệm” kiểu TTD và khôi phục mức lương tối thiểu cũng như chế độ công đoàn cho người lao động. Trên thực tế, các chuyên gia đánh giá nền kinh tế Chile có sự hồi phục như ngày nay là nhờ khai thác các mỏ đồng - ngành công nghiệp duy nhất mà Chính phủ nước này không tư nhân hóa.
Nói đến việc áp dụng các tư tưởng của CNTTD vào chính sách kinh tế, không thể không nhắc tới “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Sau khi trở thành người đứng đầu đảng Bảo thủ (Anh), bà Thatcher đã thể hiện sự quan tâm rõ rệt đến các tư tưởng TTD. Bà đặc biệt ủng hộ các cải cách của Pinochet ở Chile và cho rằng các cải cách này đã rất thành công. Năm 1975, trong một cuộc họp, “bà đầm thép” đặt lên bàn quyển Hiến pháp tự do của Hayek và tuyên bố: “Đây mới là cái chúng ta đặt niềm tin”. Hiến pháp tự do được xuất bản năm 1960, nhấn mạnh cạnh tranh như yếu tố định nghĩa các mối quan hệ giữa con người và vì thế chính phủ cần tạo ra hệ thống cạnh tranh hiệu quả hơn bằng cách để thị trường hoàn toàn tự do. Việc bà Thatcher công khai ủng hộ CNTTD được đánh giá như dấu hiệu đầu tiên của làn sóng cải cách đưa các tư tưởng của chủ nghĩa này vào áp dụng tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 1979, bà Thatcher trở thành Thủ tướng Anh và bắt tay vào áp dụng hàng loạt các biện pháp tự do hóa thị trường.
Ở Mỹ, Tổng thống Ronald Reagan cũng ủng hộ tư tưởng TTD. Giai đoạn bà Thatcher và ông Reagan nắm quyền tại hai trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới được coi là giai đoạn mà các chính sách theo chiều hướng CNTTD có vị trí chủ chốt. Giai đoạn này đặc trưng bởi các biện pháp như giảm thuế đánh vào người giàu, hạn chế công đoàn, giảm hỗ trợ nhà ở công cộng, giảm điều tiết thị trường, tư nhân hóa mạnh mẽ, thuê ngoài (outsourcing) và tăng cạnh tranh trong dịch vụ công. Mô hình mới này tại Anh và Mỹ - được coi là mô hình thay đổi cấu trúc của nền kinh tế - đã thu hút các nước phương Tây và nhiều nước phát triển khác từ châu Phi, châu Á đến Mỹ Latin. Các chính sách như phi điều tiết thị trường tài chính; tư nhân hóa các ngành công nghiệp cơ bản gồm năng lượng, nước, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…, cắt giảm các cơ chế bảo hiểm xã hội; hạn chế quyền lợi công đoàn; mở cửa thị trường hàng hóa và vốn; và bỏ mục tiêu đảm bảo công ăn việc làm được thực thi tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở các nước đang phát triển, việc cấu trúc lại nền kinh tế được thực hiện rộng rãi. “Đồng thuận Washington” (Washington Consensus) - nhóm các chính sách tập trung vào tư nhân hóa, tự do thương mại, tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu, tự do dịch chuyển vốn, phi điều tiết thị trường lao động, cũng như các biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với chi tiêu của chính phủ - được tổ chức tiền tệ quốc tế IMF, WB khuyến nghị cho các nước này, dưới sự tác động thêm của Anh và Mỹ.
Tại các nước phương Tây, cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 - khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1931, tiếp theo đó là những năm dài kinh tế hồi phục chậm chạp cùng tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến nhiều chuyên gia dự đoán về ngày tàn của CNTTD. |
Kết quả không như mong đợi
Thật đáng tiếc, sau hơn 30 năm áp dụng các chính sách kiểu TTD, kết quả không như người ta mong muốn. Ở Mỹ, theo thống kê, từ năm 1947-1972, mọi nhóm khác nhau của dân số đều có sự cải thiện tương đồng về chất lượng sống. Tuy nhiên, từ năm 1972-2012, nhóm 10% nằm dưới đáy của dân số Mỹ phải chịu sự sụt giảm về thu nhập thực tế, còn nhóm 10% nằm ở đỉnh lại có sự tăng vọt trong thu nhập, cao hơn hẳn mọi nhóm khác. Một bức tranh khá tương tự có thể quan sát ở Anh và nhiều nước đang phát triển sau thời gian áp dụng các chính sách TTD.
Có thể thấy, mô hình này gây ra những tác động nghiêm trọng như tình trạng bất bình đẳng xã hội và tỉ lệ người nghèo tăng, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục giảm… Ngoài ra, các chuyên gia còn chỉ trích là mô hình TTD không giúp đạt được mức độ tăng trưởng như dự kiến, các thị trường tài chính quốc tế trở nên bất ổn hơn, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu một mặt không đủ để thúc đẩy phát triển đất nước, mặt khác lại dễ dẫn đến tình trạng giảm phát toàn cầu.
Hiện nay, làn sóng phản đối CNTTD ngày càng trở nên mạnh mẽ, đặc biệt là tại các nước Mỹ Latin - nơi các nhà lãnh đạo của những năm 1970-1980 đã áp dụng sâu rộng nhất các cải cách kinh tế kiểu TTD. Sự thất bại của các chính sách kinh tế này trên toàn thế giới đã chứng tỏ sai lầm lớn nhất của CNTTD khi cho rằng đặc trưng cơ bản của con người là sự ích kỉ và chỉ có cạnh tranh tự do mới thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
(Xem lại kỳ I: https://baoquocte.vn/chu-nghia-tan-tu-do-tao-bao-hay-sai-lam-ky-i-55539.html)