Nhỏ Bình thường Lớn

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời: Cả nước tiếc thương, thế giới bàng hoàng

Theo tin từ hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il, người vẫn được nhân dân nước này gọi là “Nhà lãnh đạo tôn kính”, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 69 vào hồi 8h30 ngày 17/12 (theo giờ địa phương). Ông mất vì một cơn nhồi máu cơ tim trong chuyến thị sát bên ngoài Thủ đô Bình Nhưỡng bằng tàu hỏa.
Chủ tịch Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un trong buổi lễ duyệt binh nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, ngày 10/10/2010.

Ngày 19/12, nữ phát thanh viên truyền hình CHDCND Triều Tiên trong bộ y phục truyền thống màu đen nghẹn ngào thông báo trong nước mắt: “Chủ tịch Kim Jong-il ra đi là một tổn thất lớn nhất của Đảng và của nhân dân ta, là đau thương lớn nhất của đất nước ta”. Người người, nhà nhà ở đất nước Triều Tiên chìm trong nỗi đau và niềm tiếc thương vô hạn. Họ đổ ra các tụ điểm công cộng để chia sẻ những mất mát bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người cao tuổi quỳ gối trên mặt đường bày tỏ niềm tiếc thương, trong khi những bé gái nhạt nhòa trong nước mắt...

Vĩnh biệt “nhà lãnh đạo tôn kính”

Thông tin Chủ tịch Kim Jong-il từ trần thực sự là cú sốc đặc biệt tại Triều Tiên. Quả thật, với người dân nước này, Chủ tịch Kim đã trở thành lãnh đạo tối cao từ năm 1994 sau khi cha ông, lãnh tụ Kim Nhật Thành qua đời. Trong thời gian ông nắm quyền, Triều Tiên đã đạt được những bước tiến đáng kể dù ông cũng thừa nhận chưa nuôi được dân khi không thể cung cấp đủ “cơm và canh thịt” cho dân. Trong một cuộc thị sát hồi đầu năm nay, vị Chủ tịch đã nói: “Triều Tiên giờ đây đã trở thành một quốc gia hùng mạnh về chính trị, tư tưởng và quân sự, nhưng chúng ta nhận thấy rằng người dân của chúng ta vẫn còn cần nhiều thứ”.

Từng theo học tại ĐH Kim Nhật Thành, năm 1975, ông Kim Jong-il đã được người dân yêu mến gọi là “nhà lãnh đạo tôn kính” và 5 năm sau được bầu vào Ủy ban TƯ của Đảng Lao động Triều Tiên, phụ trách văn hoá-nghệ thuật của đất nước. Một số nguồn tin tiết lộ ông Kim có niềm đam mê điện ảnh. Ông có hẳn bộ sưu tập tới 20.000 bộ phim Mỹ, thậm chí còn viết cả cuốn sách về điện ảnh. Ngoài ra, ông cũng là nhà soạn nhạc và kiến trúc sư lớn của nước này. Ông từng viết 6 vở opera và tự tay thiết kế một trong những công trình kiến trúc nổi bật của đất nước.

Năm 1991, ông Kim Jong-il được bầu làm Tư lệnh tối cao QĐND Triều Tiên, trước khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất năm 1994. Tuy nhiên, ông tiếp quản đất nước đúng vào giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế, khi đối tác thương mại chính là Liên Xô tan rã. Thảm hoạ thiên nhiên cũng liên tiếp tàn phá mùa màng, khiến hàng trăm nghìn dân thiếu đói. Chính ông đã nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp giải quyết khủng hoảng lương thực. Ông cũng là người có bước đi lịch sử để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Chính cuộc tiếp xúc cấp cao Liên Triều đầu tiên (6/2000) kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, đã gia tăng kênh liên lạc giữa hai miền như cho phép đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh sau nhiều thập kỷ.

Mặc dù tháng 4/2009, Hiến pháp Triều Tiên được sửa đổi, theo đó chính thức coi ông Kim Jong-il là “Lãnh tụ tối cao”, song người dân vẫn tôn vinh ông là “nhà lãnh đạo tôn kính” như trước, bên cạnh các chức danh Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, Tư lệnh tối cao QĐND Triều Tiên.

Khi đài truyền hình thông báo Chủ tịch Kim đã qua đời vì một cơn đột quỵ trong khi đi thị sát đất nước bằng tàu hỏa, tất cả đều bất ngờ. Theo KCNA, Chủ tịch Kim Jong-il đã mất là “do làm việc quá sức về cả tinh thần lẫn thể chất”. Có thể trông ông vẫn khỏe mạnh trong các chuyến thăm Nga và Trung Quốc gần đây, nên ai cũng bất ngờ. Thực ra, năm 2008, ông Kim từng bị đột quỵ và phải vắng mặt tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Triều Tiên.

Ủng hộ “người kế nhiệm vĩ đại”

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, KCNA ngày 19/12 cũng chính thức xác nhận con trai nhà lãnh đạo Kim Jong-il - Đại tướng Kim Jong-un, 27 tuổi - sẽ kế nhiệm cha làm lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên. KCNA đã gọi vị tướng trẻ này là “người kế nhiệm vĩ đại” và khẳng định “Đồng chí Kim Jong-un sẽ lãnh đạo nhân dân Triều Tiên hoàn tất sự nghiệp cách mạng đã nối dài nhiều thế hệ, bắt đầu từ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và được tiếp nối bởi Chủ tịch Kim Jong-il”.

KCNA còn kêu gọi người dân Triều Tiên hãy ủng hộ Kim Jong-un, vị tướng trẻ đã được giới thiệu với chính trường Triều Tiên từ tháng 8/2008 sau khi Chủ tịch Kim Jong-il bị đột quỵ. Dù là con trai út của nhà lãnh đạo Kim Jong-il, song ngay từ năm ngoái, báo chí thế giới đã rộ lên những đồn đoán về tương lai chính trị của ông Jong-un khi Triều Tiên bắt đầu tiến hành Đại hội đảng Lao Động. Chàng thanh niên này được phong tướng bốn sao vào tháng 9/2010, ngay trước khi sự kiện chính trị lớn nhất trong hàng chục năm qua ở Triều Tiên khai mạc. Và kể từ đó, ông gần như luôn xuất hiện cạnh cha mình và được cho là tham gia tích cực vào các vấn đề quốc gia. Ông cũng có vai trò lớn trong việc hoạch định chính sách. Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhận xét vị tướng trẻ tốt nghiệp Học viện quân sự Kim Nhật Thành năm 2007 có nhiều nét tương đồng với cha. Chuyên gia Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul Seong-Chang nhận định: “Jong-un có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ và không khoan nhượng. Ông ta có tính cách của người cầm lái”.

Và cả thế giới dõi theo

Việc Chủ tịch Kim Jong-il qua đời sẽ có những tác động lớn không chỉ với 24 triệu dân Triều Tiên. Hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin quân đội Hàn Quốc đã được đặt trong tình trạng báo động ngay sau khi có tin Chủ tịch Kim từ trần. Người phát ngôn cho Thủ tướng Nhật Y.Noda cũng cho biết đã thành lập một đội ngũ xử lý khủng hoảng về vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó tại Mỹ, Tổng thống Obama cũng đang nghiên cứu các báo cáo về sự qua đời bất ngờ của ông Kim, đồng thời cam kết tiếp tục duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và đảm bảo an ninh cho các nước đồng minh. Còn Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ “hy vọng về việc cải thiện mối quan hệ với nhân dân Triều Tiên”. Thị trường chứng khoán châu Á thì giảm điểm ngay do lo ngại nguy cơ bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Theo Guardian, giới quan sát chính trị cho rằng việc ông Kim Jong-il qua đời đã đặt ra bối cảnh hoàn toàn mới. Từ lâu, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ và các đồng minh, song hiện tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển. Thêm vào đó là việc CHDCND Triều Tiên bất ngờ bắn thử một loại tên lửa tầm ngắn ở ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này, cùng ngày có tin Chủ tịch Kim Jong-il từ trần. Tuy nhiên, hãng Yonhap đã trích lời một quan chức không nêu tên của Triều Tiên cho hay việc bắn tên lửa nằm trong kế hoạch cải thiện các loại vũ khí của Triều Tiên.

Lý giải về việc nước Mỹ và các đồng minh quan tâm tới tình hình hiện tại của Triều Tiên, chuyên gia Rod Lyon của Viện chính sách chiến lược Australia đã nhận định: “Lý do mọi người đang theo dõi chặt chẽ không phải bởi dự đoán Triều Tiên sẽ tấn công, mà bởi các sự kiện bên trong Triều Tiên có thể để lại những hậu quả đáng lo ngại”. Họ quan tâm xem liệu Triều Tiên có thể vượt qua đau buồn mà hoàn thành cuộc chuyển giao quyền lực cho Đại tướng Kim Jong-un, người con trai út của cố Chủ tịch hay không? Họ cho rằng cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể làm tắt hy vọng vừa mới lóe lên về việc nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ và các đồng minh châu Á quan trọng của nước này, trong khi người kế nhiệm trẻ vẫn còn là một “ẩn số” với họ.

Hoàng Minh