Theo điện Élysée (Phủ Tổng thống Pháp), Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước đến Pháp từ ngày 24 - 26/3, đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Pháp và Trung Quốc.
Hai bên sẽ trao đổi các vấn đề song phương, đa phương và quan hệ EU - Trung Quốc. Tổng thống Pháp và Phu nhân sẽ mời Chủ tịch Trung Quốc và Phu nhân ăn tối hẹp vào ngày 24/3 tại Beaulieu-sur-Mer.
Ngày 25/3, hai bên sẽ hội đàm tại điện Elysée, sau đó có tuyên bố báo chí và Quốc yến.
Còn tại Italy, Rome và Bắc Kinh sẽ ký một Bản ghi nhớ nhằm triển khai Dự án "Con đường tơ lụa mới", đưa Italy trở thành quốc gia đầu tiên trong G7 tham gia dự án này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước 3 nước châu Âu, theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này, nhưng không cho biết hành trình cụ thể. (Nguồn: SCMP) |
Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh một số nước lớn ở châu Âu đã hành động để có được một sự cân bằng giữa các lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc và mong muốn có thêm đầu tư.
Trung Quốc tuần trước đã hứa hẹn hợp tác rộng lớn hơn về liên doanh “Sáng kiến Vành đai và Con đường” với các công ty Mỹ và châu Âu, một cố gắng chống lại các chỉ trích đang tăng lên cho rằng sáng kiến này nhằm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước chủ yếu ở châu Âu.
Tuần trước, một quan chức Italy cho biết Rome sẽ ký một bản ghi nhớ không ràng buộc với Bắc Kinh để chính thức ủng hộ sáng kiến 1.000 tỷ USD, còn gọi là Con đường tơ lụa mới.
Bắc Kinh đã cung cấp tài chính cho các công trình cơ sở hạ tầng, hàng hải, đường sắt và đường bộ dọc Châu Á, Châu Phi và châu Âu nhưng các chỉ trích cho rằng sáng kiến này chỉ chủ yếu có lợi cho các công ty Trung Quốc trong khi thiết lập một “bẫy nợ” đối với những nước dễ bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính.
Việc Italy sẵn lòng cân nhắc làm ăn với Trung Quốc đang làm tăng lo ngại ở Mỹ và Liên minh châu Âu EU và đang cho phép Trung Quốc len lỏi vào các khu vực như viễn thông và cảng.
Sau tuyên bố của Italy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước nói rằng các nước EU cần phải có “cách tiếp cận thống nhất” đối với Trung Quốc và “việc Trung Quốc tham gia vào việc phát triển một số nước là điều tốt nhưng tôi tin là dựa trên tinh thần bình đẳng, tương hỗ".
Theo Tổng thống Pháp, tinh thần bình đẳng có nghĩa là tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Pháp từng cho biết nước này sẽ áp đặt thêm kiểm tra đối với các nhà sản xuất thiết bị, trong đó có công ty viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
châu Âu đang đứng trước việc phải lựa chọn chính sách "mở cửa" hay "bảo hộ" trước Trung Quốc. Gần đây, Tổng thống Pháp Macron đã phát biểu cho rằng các nước châu Âu cần có cách tiếp cận "đồng bộ" hơn đối với Trung Quốc.
Trong một báo cáo gần đây, Trung tâm Chiến lược Chính sách châu Âu (EPSC) cảnh báo các nước nên tránh cách tiếp cận "ngây thơ" trước Trung Quốc do nước này luôn sẵn sàng "lợi dụng chính sách mở cửa của châu Âu chống lại chính các lợi ích chiến lược của châu lục".