📞

Chuyển giao quyền lực Obama - Trump: Hợp tác và đấu tranh chính sách

10:55 | 06/01/2017
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm tranh thủ một số di sản của Chính quyền Obama, đồng thời chuẩn bị cho những điều chỉnh về đối nội và đối ngoại.

Theo New York Times ngày 1/1/2017, chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã gặp ông Donald Trump tại Nhà Trắng và tuyên bố ưu tiên số 1 của ông trong những ngày còn tại vị là đảm bảo chuyển giao quyền lực êm thấm cho Tổng thống đắc cử D. Trump. Điều đương kim Tổng thống Mỹ không nói ra là ông cũng muốn thiết lập những rào cản về hệ tư tưởng và chính sách càng nhiều càng tốt trước khi ông D. Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2017.

Ông Obama gặp ông Trump tại Nhà Trắng, ngày 11/11/2016. (Nguồn: ABC News)

Tiếp nhận di sản tích cực

Ông D. Trump sẽ là một trong những Tổng thống Mỹ có lợi thế nhất trong nhiều năm qua khi tiếp nhận di sản kinh tế tích cực từ người tiền nhiệm. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khá với mức tăng GDP quý III năm 2016 đạt 3,2% (lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia). Kể từ những năm 1980 đến nay, duy nhất ông George H.W. Bush là vị Tổng thống Mỹ nhậm chức khi kinh tế nước này có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn hiện tại.

Lợi thế của Tổng thống đắc cử D. Trump là sự tương phản rõ rệt với những gì mà ông Obama đã gặp phải ở thời điểm nhậm chức năm 2009: kinh tế Mỹ “đổ đèo” khá tự do với khoảng 800.000 việc làm ở Mỹ biến mất chỉ trong 1 tháng. Các phân tích về kinh tế lượng (nhấn mạnh vào tỷ lệ thất nghiệp thấp, các chỉ số kinh tế chủ yếu được cải thiện rõ rệt và các thị trường hàng hoá cơ bản đạt mức cao tại Mỹ trong thời gian qua) đã chỉ ra kinh tế Mỹ đang phát triển và tăng trưởng dựa trên những cơ sở bền vững (bao gồm những cải cách về luật pháp, chính sách tài khoá và tiền tệ, đầu tư cho khoa học công nghệ. Mỹ vẫn đóng vai trò chủ chốt trong các tổ chức và sáng kiến hợp tác quốc tế lớn…) kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Bên cạnh đó, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về sức mạnh quân sự, sức mạnh mềm, mạng lưới đồng minh lớn nhất trên toàn cầu. Việc kinh tế Mỹ cải thiện mạnh mẽ (đồng thời chiếm trên 1/5 GDP toàn thế giới) và Mỹ tiếp tục chi trên 1/3 chi phí quân sự toàn cầu là những nền tảng để Chính quyền ông D. Trump có thêm điều kiện tiến hành những điều chỉnh quan trọng trong cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Tuy nhiên, Chính quyền D. Trump dự kiến cũng phải tiến hành nhiều bước đi để cải thiện những điểm yếu của Mỹ, bao gồm việc chia rẽ nội bộ cả về chính trị lẫn kinh tế. Tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ hiện ở mức cao nhất trong gần 100 năm qua, trong khi mức thu nhập trung bình của 50% dân lao động Mỹ không tăng kể từ những năm 1970. Mỹ tiếp tục phải xử lý vấn đề nợ công, vốn đã đạt mức kỷ lục, cuối năm tài khoá 2016 là 19,5 nghìn tỷ USD và dự kiến cuối năm tài khoá 2017 là 20,1 nghìn tỷ USD. Đồng USD tăng giá ở mức cao nhất trong vòng 15 năm qua và gây khó khăn cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn của kinh tế thế giới, trong đó có vấn đề thị trường cho hàng công nghiệp bị chững lại…

Cần bộ máy chính quyền mạnh

Với việc đề cử các nhân sự cho chính quyền mới, ông D. Trump muốn thiết lập một bộ máy mạnh để thúc đẩy việc đạt mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” như cam kết trong thời gian tranh cử. Tư duy cơ bản ông D. Trump thể hiện trong thời gian qua gồm hai điểm quan trọng. Theo ông, Mỹ đang đứng trước một cục diện quan hệ quốc tế rất hỗn loạn và có vai trò khá yếu, không tương xứng với tiềm năng thực sự. Cùng với đó, các bước đi của Mỹ cần phải xuất phát từ những lợi ích thiết thực của đất nước. Cụ thể, Mỹ cần xây dựng một nền tảng sức mạnh vững chắc cả về kinh tế, chính trị và quân sự để đảm bảo việc triển khai hiệu quả các chính sách đối nội và đối ngoại, chú trọng đàm phán và chia sẻ các nguồn lực cũng như chi phí với các nước, nhất là trong việc gìn giữ an ninh tại các khu vực, các điểm nóng trên thế giới.

Mặc dù thể hiện quyết tâm cao và đang đứng trước một số thuận lợi cơ bản để triển khai chính sách trong thời gian tới (bao gồm việc cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều do Đảng Cộng hoà kiểm soát), Tổng thống D. Trump rất cần một bộ máy chính quyền mạnh để khắc phục những điểm yếu sau:

Trước tiên, dù ông Trump rất muốn thay đổi hiện trạng và thách thức những khuôn khổ quyền lực Mỹ đã duy trì trong một thời gian dài, những cuộc phỏng vấn thời gian qua cho thấy bản thân ông chưa có được những hoạch định rõ ràng về việc sẽ thay đổi như thế nào.

Hai là, bộ máy nhân sự mạnh sẽ giúp Trump vượt qua những thách thức phức tạp trong chính trị nội bộ Mỹ, kể cả sức ép dư luận với những hoài nghi về khả năng của ông trong việc điều hành chính quyền một cách hiệu quả.

Ba là, ông Trump cần một bộ máy mạnh giúp bù đắp cho việc thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, quân sự, ngoại giao và chính trị - vốn đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp khó có thể giải quyết một cách thấu đáo. Các nhân sự chủ chốt được ông đề cử thời gian qua cho thấy nội các Chính quyền Trump (nếu được Thượng viện Mỹ thông qua) về cơ bản, sẽ bao gồm các nhân vật có quan điểm khá thống nhất với quan điểm của đảng Cộng hoà trong việc coi trọng sức mạnh quốc gia, bảo vệ lợi ích Mỹ, đề cao vai trò của an ninh - quân sự - chống khủng bố, ủng hộ tự do thương mại, coi trọng quan hệ với các nước lớn…

Cách tiếp cận khác

Hợp tác và đấu tranh liên quan đến chính sách là nơi thể hiện rõ nét nhất sự chuyển giao quyền lực giữa hai ông Obama và Trump. Ngày 1/1/2017, đương kim Tổng thống Obama đã cho đăng tải trên Twitter những thành tựu chính trong 8 năm cầm quyền, bao gồm việc ứng phó với khủng hoảng tài chính và tạo ra được thời gian tăng trưởng việc làm lâu nhất trong lịch sử Mỹ, tăng mạnh số người dân Mỹ có bảo hiểm y tế. Cũng trong thời gian này, Tổng thống Obama đã đưa nước Mỹ giảm 50% phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ và thúc đẩy cung ứng năng lượng sạch và hiệu quả, rút nhiều lính Mỹ về nước, củng cố sự lãnh đạo của Mỹ trên phạm vi thế giới, công nhận hôn nhân đồng tính và tăng bình đẳng cho mọi người.

Trong khi đó, một số thông tin cho biết ông D. Trump có thể sẽ bãi bỏ nhiều chính sách và quy định của Chính quyền đương nhiệm do “làm giảm tăng trưởng kinh tế và việc làm”. Bản thân ông D. Trump đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Chính quyền Obama trong các vấn đề nhập cư, năng lượng, đối ngoại… Đáng chú ý, ông D. Trump tuyên bố một trong những điều đầu tiên ông sẽ làm ngay trong ngày đầu nhậm chức Tổng thống là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Ông D. Trump cũng có thể có cách tiếp cận khác với ông Obama trong việc xử lý quan hệ với Nga, Trung Quốc, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân và các tranh chấp kinh tế - thương mại… Ông Trump đã hành xử khác nhiều Tổng thống Mỹ tiền nhiệm khi tuyên bố sẽ không duy trì đường lối chính sách của người đi trước, tiến hành các cuộc tiếp xúc và trao đổi cấp cao với các lãnh đạo nước ngoài, bao gồm cả những việc chưa có tiền lệ. Những điều này lý giải cho việc Chính quyền Obama được cho là đang sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại để củng cố những di sản của mình và xác lập những ưu tiên để phần nào điều chỉnh những hành vi của Chính quyền Trump.

Gần đây, ông Obama đã ra lệnh cấm khai thác vĩnh viễn dầu ngoài khơi trong thềm lục địa của Mỹ tại Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, thiết lập những tiêu chí mới về môi trường, chuyển tù nhân ra khỏi căn cứ Guantanamo, chỉ trích việc xây các khu định cư của Israel và trừng phạt Nga với cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng…

Ngược lại với dư luận trái chiều trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống 2016, ông D. Trump đang thể hiện những bước đi mạnh mẽ và tự tin trong việc tranh thủ một số di sản tích cực của giai đoạn trước và chuẩn bị cho các điều chỉnh tiếp theo cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Điều này tương đối phù hợp với những tuyên bố về chiều hướng chính sách của Trump trong giai đoạn tranh cử cũng như tính cách cá nhân của ông. Chúng có thể sẽ khiến các nước cần tiếp tục theo sát các tác động tới việc hoạch định và triển khai chính sách nói chung cũng như với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng của Chính quyền Mỹ mới. 

Phó Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Houston