Lãnh tụ Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Nguồn: TTXVN) |
Lịch sử càng lùi xa, ý nghĩa to lớn của chuyến thăm lịch sử tới Vùng giải phóng miền Nam tại Quảng Trị tháng 9/1973 của Lãnh tụ Fidel Castro (1926-2016), người bạn lớn của dân tộc Việt Nam càng chói sáng, hiện lên rõ nét.
Chuyến thăm đã đem đến cho nhân dân Việt Nam nguồn động viên vô giá tại một thời khắc lịch sử, nhắc nhở các thế hệ tương lai của Việt Nam và Cuba hãy giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết anh em giữa hai dân tộc trong giai đoạn mới.
Kế hoạch được nung nấu
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, phiên dịch cho Đoàn Cuba trong chuyến thăm, sau cuộc gặp thân tình với Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tại Hội nghị Phong trào không liên kết lần thứ IV tại Algers đầu tháng 9/1973, kế hoạch thăm Việt Nam, đặc biệt là vùng mới giải phóng miền Nam của Fidel Castro đã được quyết định.
Ngày 9/9/1973, Hà Nội ra thông báo là một đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và chính phủ Cuba sẽ thăm chính thức Việt Nam sau khi Hội nghị Không liên kết ở Algers kết thúc.
Điện hỏa tốc từ trong nước chỉ thị ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và ông Võ Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Cuba phải về nước trước ngày 12/9 để chuẩn bị đón Đoàn. Do thời gian gấp, Thứ trưởng Hoàng Bích Sơn và Đại sứ Võ Anh Tuấn đề nghị được đi nhờ chuyên cơ của Đoàn và phía Cuba vui vẻ đồng ý.
Sáng 11/9/1973, máy bay cất cánh rời Algers chở đoàn cấp cao Cuba thăm Ấn Độ trước khi sang Việt Nam. Thứ trưởng Hoàng Bích Sơn và Đại sứ Võ Anh Tuấn ngồi cùng khoang với bà Melba Hernández, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam. Tiến sĩ Chomy - tức Jose Miguel Miyar Baruecos, thư ký riêng của Fidel - cho biết ông đang nghỉ ở khoang bên cạnh.
Khi máy bay lên đến độ cao ổn định, Fidel yêu cầu một số tài liệu về Việt Nam để đọc. Khoảng 8 giờ sáng ngày 12/9, chuyên cơ của Đoàn cấp cao Cuba hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Fidel Castro cùng các thành viên của đoàn xuống máy bay trong sự đón tiếp nồng nhiệt của các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và hàng vạn người dân Thủ đô Hà Nội.
Từ đầu năm 1970, Fidel đã từng yêu cầu Đại sứ ta tại Cuba sắp xếp cho ông thăm miền Nam. Fidel từng nói với Đại sứ Tuấn: “Này, trong tất cả các Đại sứ quán Cuba ở nước ngoài, tôi thích nhất là Đại sứ quán của anh ở miền Nam đấy. Thế mà anh chưa mời tôi sang thăm, dù đó chỉ là một túp lều nhỏ ở trong rừng cũng được”.
Sau này Đại sứ Tuấn có đem chuyện “Fidel sốt ruột muốn thăm Việt Nam” nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng trả lời: “Đại sứ nói sao? Hà Nội là nhà của Fidel mà. Đồng chí ấy đến lúc nào chẳng được, thậm chí không cần báo trước!”. Đại sứ Tuấn nói: “Nhưng đối với Fidel, Việt Nam bây giờ là miền Nam, Fidel không thể đến Hà Nội mà không vào trong đó!” Thủ tướng Phạm Văn Đồng lặng im một lúc, rồi nói: “Chúng ta sẽ suy nghĩ về chuyện này”.
Thực tế là, kế hoạch ban đầu được chuẩn bị cho chuyến thăm, ngoài Hà Nội còn bao gồm cả Hải Phòng, Hạ Long, Điện Biên Phủ, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị. Nhưng sau khi xảy ra vụ đảo chính ở Chile và theo yêu cầu của Fidel, Lãnh đạo chỉ thị: ngoài hội đàm và các hoạt động chính thức ở Hà Nội, chỉ để lại chuyến thăm Quảng Bình và vùng giải phóng Quảng Trị...
Quyết tâm sắt đá
Sáng 14/9, khi ra sân bay, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cập nhật cho Fidel tình hình ở miền Nam và những diễn biến mới của cơn bão trên Biển Đông đang đến gần. Nghe xong, Fidel thân tình vỗ vai Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nói dứt khoát: “Đồng chí Thủ tướng thân mến, chúng tôi đến đây là để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu. Bất kể trong hoàn cảnh nào, đoàn Cuba chúng tôi cũng phải đến được vùng giải phóng miền Nam. Gì thì gì, chúng ta vẫn đi thôi!”.
Rồi hai nhà lãnh đạo lên xe. Đoàn xe vượt qua cầu Long Biên, như đi về phía Hải Phòng, nhưng rồi đột ngột rẽ vào sân bay Gia Lâm. Ở đây, có hai máy bay AN24 chờ sẵn. Một chiếc chở đoàn cán bộ tùy tùng và các nhà báo vừa xuất phát trước. Chiếc còn lại là “Chuyên cơ số 1” đưa Fidel, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các thành viên cao cấp của đoàn Cuba theo sau, bay vào Đồng Hới.
Vị khách đặc biệt
Tại Quảng Trị, Fidel được đón chính thức trên Cao điểm 241, nơi ghi dấu chiến công hiển hách của đồng bào và quân giải phóng Quảng Trị tấn công và chiếm lĩnh căn cứ quân sự - hậu cần quan trọng của Mỹ mùa Hè năm 1972. Một địa điểm đã được chuẩn bị cho cuôc mít tinh quần chúng.
Đó là một khu đất bằng phẳng nằm ở sườn phía Tây Bắc của cao điểm 241, nhằm tránh tầm mắt của địch nhìn từ phía Nam, bên kia sông Thạch Hãn, cách chừng mười cây số đường chim bay. Đằng sau có một khe cạn, khá sâu, có thể sử dụng làm nơi trú ẩn khi cần.
Sáng 15/9, Thứ trưởng Hoàng Bích Sơn cùng một số cán bộ lễ tân lên xe ra Bến Hải. Trên đường 9, có mấy chiếc xe cắm cờ Mặt trận đi ngược lại. Đó là những chuyến xe chở bà con từ Gio Linh, Triệu Phong về Cam Lộ để đón “vị khách đặc biệt”.
Gần 5 giờ sáng, chúng tôi đến trạm đón tiếp ở bờ Nam sông Bến Hải. Các ông Hồ Sỹ Thản - Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị, Lê San - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh, Lê Xích - Chủ tịch Mặt trận tỉnh, Nguyễn Đồng - đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đã có mặt ở đó, sẵn sàng đón khách.
Khi Mặt trời lên rực rỡ báo hiệu một ngày tốt lành thì từ phía Bắc, một đoàn xe gồm hai xe com-măng-ca, một xe bus và nhiều phương tiện hộ tống đến bờ sông Hiền Lương rồi dừng lại. Khách xuống xe, đi bộ qua cầu phao tiến về trạm đón tiếp ở bờ Nam, đi đầu là Lãnh tụ Fidel Castro vai kề vai cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Các đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kính trọng chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng, rồi nồng nhiệt siết chặt tay Lãnh tụ Fidel Castro và các vị khách Cuba. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ân cần thăm hỏi các đại diện lãnh đạo tỉnh, rồi chỉ đạo lên xe đi ngay. Phải khẩn trương, để đối phương không có thời gian nhận ra sự có mặt của đoàn khách đặc biệt!
Đoàn dừng lại ở Dốc Miếu. Fidel nhìn về phía Bắc, xót xa thấy cả cánh đồng trải rộng từ Dốc Miếu đến sông Bến Hải bị bỏ hoang vì bom đạn chiến tranh. Rồi nhìn xuống nền đất đỏ dưới chân mình, ông bày tỏ hy vọng về tương lai phát triển trồng trọt chăn nuôi ở vùng này sau khi chiến tranh hoàn toàn kết thúc.
Đoàn tiếp tục đi, vượt qua cầu phao sông Hiếu rồi tiến vào Đông Hà. Thành phố đang còn nhiều vết tích tàn phá nặng nề. Đến trụ sở các cơ quan lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh giới thiệu với Fidel về tòa nhà của chính quyền vừa mới được xây dựng sau giải phóng. Fidel xuống xe, cả đoàn xuống theo và đi bộ về phía “Lô cốt Đông Hà”.
Đây là vết tích một pháo đài của thực dân Pháp còn sót lại từ trước 1954. Dưới chân nó là xác một chiếc xe tăng Mỹ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng Đông Hà Trần Phương Thạc kể lại chiến công giải phóng thị xã này năm 1972, đoàn lên xe đi tiếp về Cam Lộ.
Tại cao điểm 241, Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Trần Nam Trung đang chờ đón khách. Cùng với ông là mấy chục cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng bồng súng xếp hàng thẳng tắp. Họ mang theo một lá quân kỳ trĩu nặng huân chương.
Khi thấy Lãnh tụ Fidel Castro trong bộ quân phục màu ô liu với dáng vóc cao lớn và bộ râu quai nón đặc trưng xuất hiện cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các chiến sĩ theo lệnh nhất loạt chuyển về tư thế nghiêm và đồng thanh hô vang chào mừng Đoàn.
Fidel lướt qua trước mặt hàng quân, siết chặt tay từng chiến sĩ. Chính ủy sư đoàn 304 Đồng Ngọc Vân bước lên trao cho Fidel lá cờ truyền thống của “Sư đoàn vinh quang”. Fidel đón nhận và giương cao ngọn cờ giữa các chiến sĩ đang vây quanh, dõng dạc nói: “Cảm ơn các bạn. Các bạn hãy mang lá cờ bách chiến bách thắng này tiếp tục tiến lên cho đến thắng lợi cuối cùng!”.
Lễ đón chính thức lãnh tụ Cuba Fidel diễn ra như vậy. Đơn giản mà hào hùng, thắm đậm tình đoàn kết chiến đấu giữa hai đất nước, hai dân tộc...
[còn tiếp]