Poster của đảng SVP trước thêm cuộc bỏ phiếu ngày 27/9. (Nguồn: AP) |
Thụy Sỹ vừa tổ chức trưng cầu ý dân về một số thay đổi chính sách, trong đó có đề xuất về hạn chế tự do đi lại với công dân của EU. Bởi lẽ dù không phải là thành viên EU, song Thụy Sỹ đã ký thỏa thuận về đảm bảo quyền tự do đi lại song phương, đồng thời có quan hệ chính trị - kinh tế - quân sự mật thiết. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới thay đổi đã đặt Thụy Sỹ trước thách thức mới.
Đầu tiên, kể từ trưng cầu ý dân về Brexit, các đảng dân túy, cực hữu tại châu Âu nổi lên mạnh mẽ. Họ cho rằng đã đến lúc quốc gia phải lấy lại các quyền đã trao cho EU nhằm triển khai chính sách độc lập, hạn chế vấn đề người nhập cư, tội phạm, bảo vệ việc làm và duy trì hệ thống an ninh xã hội. Tại Thụy Sỹ, đó là đảng Nhân dân Thụy Sỹ (SVP), đảng lớn nhất trong Nghị viện Liên bang và mở rộng tầm ảnh hưởng nhờ các luận điểm nêu trên.
Thứ hai, Thụy Sỹ có một phần tư dân số, tức 2 triệu người, là người nước ngoài, chủ yếu là cư dân từ EU, cùng 300.000 lao động biên giới, những người sống ở các quốc gia láng giềng nhưng lại sang Thụy Sỹ làm việc. Hưởng mức lương cao từ Thụy Sỹ nhưng sống ở láng giềng có vật giá rẻ hơn, họ từng bị coi là cạnh tranh không lành mạnh với người Thụy Sỹ và điều này được SVP khai thác triệt để.
Thứ ba, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến một bộ phận người dân cho rằng cần hạn chế luồng người tại biên giới để kiểm soát dịch hiệu quả, dù điều này sau đó không thành hiện thực.
Tuy nhiên, Chính phủ, Nghị viện, các công đoàn lao động và doanh nghiệp đều nhận thức rằng nếu được thông qua, đề xuất này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ Thụy Sỹ - EU. Hiện hai bên có tới 120 hiệp định song phương trên mọi lĩnh vực và kịch bản như vậy sẽ “tồi tệ hơn cả Brexit”. Về phần mình, EU cũng “rào trước đón sau” khi khẳng định thỏa thuận quan trọng nhất giữa hai bên sẽ bị tổn hại đáng kể trong một ngày xấu trời.
Thêm vào đó, Thụy Sỹ là một quốc gia cởi mở và phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, dịch vụ… do đó, đề xuất của SVP về EU gặp sự phản đối mạnh.
May mắn thay, mọi chuyện đã “xuôi chèo mát mái”. Có 61,7% người dân Thụy Sỹ từ chối dự thảo về tạm dừng quyền đi lại tự do với EU do SVP đề xuất.
Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chúc mừng và gọi hành động của người Thụy Sỹ là “gìn giữ những trụ cột trong mối quan hệ của chúng ta”.
Tuy nhiên, điều bất ngờ nằm ở dự thảo ngân sách 6,6 tỷ USD để mua sắm máy bay chiến đấu, khi nó chỉ “lách khe cửa hẹp” với 50,1% số phiếu, kết thúc cuộc tranh cãi dài một thập kỷ về thay thế đội ngũ máy bay chiến đấu đã “luống tuổi”. Trước đó, năm 2014, Chính phủ Thụy Sỹ từng mong muốn mua 22 máy bay chiến đấu Saab Gripen E, song không nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Kết quả này là bất ngờ bởi Thụy Sỹ có nền quốc phòng hiện đại, quân đội dày dạn và lực lượng dân quân sẵn sàng chiến đấu, điều mà nhiều nước lớn trong châu Âu chưa thể sánh bằng. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ phiếu sát sao có thể là chỉ dấu cho thấy người dân không lạc quan về nền kinh tế và e ngại rằng một khoản chi quốc phòng lớn sẽ tác động đáng kể tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thụy Sỹ, sau thoáng do dự, sẽ vẫn là Thụy Sỹ: Một mặt, nước này duy trì hợp tác với EU và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặt khác, Bern kiên quyết với lập trường trung lập và sẵn sàng hành động khi cần thiết để bảo vệ quan điểm, chủ quyền của mình.