Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. |
Do đó, không mấy ngạc nhiên khi Hội nghị APEC năm nay được xem là cơ hội tốt nhất cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ song phương từ khi vấn đề tranh chấp chủ quyền các hòn đảo tại Biển Hoa Đông giữa hai nước bùng lên vào năm 2012.
Diễn biến quan hệ Trung-Nhật năm 2013 rơi vào cục diện bế tắc, các kênh trao đổi giao lưu giữa hai nước ở vào “trạng thái ít suôn sẻ nhất” kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho đến nay, xoay quanh hai vấn đề chủ yếu vẫn chưa được hóa giải: ngoài tranh chấp về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và việc Thủ tướng Shinzo Abe đã đi thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni. Chưa kể, Nhật Bản vẫn luôn xem Trung Quốc là mối đe dọa về quân sự, tìm cách sửa đổi Hiến pháp hòa bình, dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, khiến Trung Quốc tăng thêm sự hoài nghi chiến lược với Nhật Bản.
Giáo sư Wang Zhanyang trong bài viết trên tờ Global Times nhận định, nền chính trị, ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản được quyết định bởi yếu tố kinh tế mà phải có hòa bình mới đảm bảo được các yếu tố này, nên Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với nguy cơ xâm lược.
Đặc biệt là gần đây, hai nước đã có dấu hiệu tạo đà cho quá trình hàn gắn “vết nứt” trong quan hệ. Trước hết, tần suất và cấp độ trao đổi giữa hai nước có phần phục hồi. Các kênh trao đổi giữa quan chức địa phương, thậm chí là quan chức cấp cao chính phủ hai nước cũng dần thông suốt. Dịp Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC vào tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành và Bộ trưởng Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã có cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng đầu tiên kể từ khi quan hệ hai nước xấu đi.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống, chính quyền của ông Tập Cận Bình cũng không muốn căng thẳng trong quan hệ với Nhật Bản ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong thời kỳ “nhạy cảm”. Tuần trước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao) đã gặp Thống đốc Phủ Kyoto Keiji Yamada và Chủ tịch Hiệp hội Thống đốc Quốc gia của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cho biết hai bên sẽ nối lại hợp tác về các vấn đề hàng hải ở Biển Hoa Đông.
Dù chưa khẳng định lãnh đạo cao nhất của hai nước có gặp gỡ chính thức bên lề Hội nghị APEC hay không, nhưng phía Trung Quốc khẳng định rằng sẽ đón tiếp nhà lãnh đạo Nhật Bản “đúng nghi thức và trên tinh thần hiếu khách”. Một số nhà ngoại giao cho rằng với tư cách là Chủ tịch của Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014, ông Tập Cận Bình “sẽ không có cách nào từ chối đối thoại với Thủ tướng Abe”. Như vậy, rất có thể sẽ có một cái bắt tay giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản để phần nào làm tan băng và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ hai cường quốc châu Á.
Hằng Phạm