📞

Cơn bão trong lòng nước Đức - Kỳ I: Mây đã quang, nhưng mưa chưa tạnh

17:50 | 07/07/2018
Sóng gió chính trị tại Berlin đã dần lắng xuống, song những khó khăn mà Thủ tướng Angela Merkel phải đối mặt trong nước thì vẫn còn đó.

Ít nhất 3 tuần qua, mâu thuẫn nội bộ giữa hai đảng “chị em” Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) cầm quyền đã khiến bầu không khí chính trị ở Berlin khá ngột ngạt. Đó không chỉ còn là “lời qua tiếng lại” giữa Chủ tịch CDU, Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch CSU, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer. Ngay cả lúc mọi chuyện tưởng như đã an bài khi hai người đạt được thỏa thuận để ông Seehofer không từ chức, mâu thuẫn cơ bản về mặt quan điểm giữa CDU và CSU sẽ tiếp tục là bài toán khó cần được giải quyết của chính quyền bà Merkel.

Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang phải đối mặt với rất nhiều sóng gió. (Nguồn: CNN)

Khủng hoảng chính phủ bắt đầu

Theo như báo chí cho biết, ông Seehofer ít nhất cũng hai lần “xúc phạm” đến cá nhân bà Merkel. Lần đầu tiên là khi ông tuyên bố: "Tôi không còn có thể làm việc với người phụ nữ này được nữa". Lần mới nhất diễn ra chỉ vài ngày trước, ông khẳng định: "Tôi không để cho bà Thủ tướng này – người vì có tôi mới được làm Thủ tướng, bãi nhiệm".

Còn trong quan hệ “cấp trên, cấp dưới”, ông Seehofer cũng có ít nhất ba lần làm bà Merkel “bẽ bàng”. Đầu tiên, khi bà Merkel dự một hoạt động của CSU ở bang Bayern, Chủ tịch CSU đã để Chủ tịch CDU đứng một mình trên sân khấu để nghe ông “lên lớp”. Lần thứ hai, ông Bộ trưởng đã “cãi nhau” công khai với bà Thủ tướng về “giới hạn trần” nhận người tị nạn, dọa đưa bà Merkel ra Tòa án Hiến pháp về quyết định mà ông gọi là “mở cửa biên giới rước người tị nạn“ tháng 9/2015.

Lần cuối cùng diễn ra khi ông Seehofer đưa ra đề án tổng thể xử lý vấn đề người tị nạn gồm 63 điểm, song chỉ nhận được sự đồng ý của Thủ tướng trong 62 điểm. Ông Seehofer “dọa” rằng vẫn sẽ công bố và chỉ thị các cơ quan cảnh sát triển khai ngay bất chấp quyết định của bà Merkel, đặc biệt là tại bang Bayern, nơi đảng CSU của ông đang cầm quyền, do đây là đề án thuộc thẩm quyền của Bộ do ông quản lý. Điều này buộc bà Merkel phải tuyên bố sẽ sử dùng thẩm quyền Hiến định của Thủ tướng “quyết định đường lối chính sách quốc gia”, đồng nghĩa với sa thải Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Điều mà dư luận Đức lo ngại đã dần trở thành hiện thực: “Khủng hoảng Chính phủ” sau 100 ngày cầm quyền của Chính phủ “Đại liên minh” CDU/CSU và Đảng dân chủ xã hội Đức (SPD) đã bắt đầu và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã khiến Thủ tướng Angela Merkel vất vả trong việc đảm bảo ổn định cho Chính phủ Đại liên minh. (Nguồn: Imago)

Nỗ lực hạ nhiệt

Nhà nước Đức được tổ chức theo mô hình Liên bang, có nghĩa là cả Liên bang và các bang đều có nhiều thẩm quyền theo Hiến pháp. Có một số lĩnh vực như quốc phòng, đối ngoại chỉ thuộc thẩm quyền của Liên bang, nhưng đa số các lĩnh vực liên quan đến cuộc sống xã hội lại nằm ở các bang.

Mười sáu bang của Đức đều có Bộ Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Giáo dục - đào tạo…riêng. Thậm chí, cảnh sát của các bang cũng được tổ chức khác nhau, với tòa án bang và hệ thống tư pháp riêng. Những cơ quan tổ chức này hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của bang, do Nghị viện bang thông qua và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ bang. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Liên bang cũng khó tác động đến hoạt động chuyên trách của các bang. Để điều tiết hoạt động chung, Đức có hình thức “hội nghị Bộ trưởng”, “hội nghị Quốc vụ khanh” chuyên ngành với sự tham dự của Bộ trưởng/Quốc vụ khanh Liên bang và 16 Bộ trưởng/Quốc vụ khanh các bang.

Tuy nhiên, ông Seehofer đang là thành viên nội các của Thủ tướng Merkel, sao có thể ngang nhiên chống lại cấp trên như vậy? Theo Hiến pháp Đức, các Bộ trưởng thành viên Chính phủ có quyền hành rất lớn để triển khai các hoạt động chuyên môn của mình, họ cũng không cần xin ý kiến Thủ tướng hay tập thể nội các, nếu như những vấn đề đó được ghi trong Hiến pháp và phù hợp với “Thỏa thuận liên minh Chính phủ”. Chỉ khi nào vượt quá thẩm quyền này, các Bộ trưởng mới phải lấy kiến của tập thể hay cá nhân Thủ tướng. Ngược lại, Thủ tướng được Hiến pháp dành cho “quyền duy nhất” là quyết định chủ trương, đường lối của Chính phủ (“Richtlinienkompetenz”) và khi áp dụng thẩm quyền, Thủ tướng có thể bãi chức Bộ trưởng nếu thấy vi phạm.

Trong vụ việc vừa rồi, điểm duy nhất bà Merkel không đồng ý nằm ở việc bà cho rằng nó không phù hợp thỏa thuận trong Liên minh Châu Âu (EU) mà Đức là thành viên. Về lý thuyết bà hoàn toàn có thể dễ dàng cách chức ông Seehofer, song bà đã không làm vậy vì nhiều lý do. Ông Seehofer đang giữ chức Chủ tịch đảng liên minh với đảng của bà Merkel trong 70 năm qua; trong việc này ông lại được sự hậu thuẫn của ban lãnh đạo đảng và cả bang Bayern. Trường hợp bà Merkel cách chức ông Seehofer, rất có thể các Bộ trưởng CSU khác cũng sẽ từ chức để bày tỏ ủng hộ, đẩy liên minh CDU/CSU tới bờ vực đổ vỡ, đe dọa sự tồn tại của Chính phủ “đại liên minh” và gây mất ổn định xã hội.

Thủ tướng Angela Merkel muốn đảm bảo rằng liên minh CDU/CSU sẽ được giữ vững, tránh nguy cơ đổ vỡ cho Chính phủ Đại liên minh. (Nguồn: CDUCSU.de)

Do đó, một mặt bà Merkel không đơn phương thực hiện thẩm quyền của mình, mặt khác CSU, vì không muốn rút lui hoàn toàn khỏi liên minh, nên đã đe dọa rằng ông Seehofer sẽ từ chức. Khi đó, các Bộ trưởng khác của CSU vẫn tiếp tục tại chức và đảng này có thể cử người thay thế ông Seehofer. Ổn định Chính phủ về cơ bản vẫn được duy trì. Nổi tiếng về khả năng vượt qua khủng hoảng nội bộ, cũng như ở EU và trên thế giới, đến phút chót bà Merkel đã khiến cho bầu không khí hừng hực ở Munich và Berlin ít nhiều hạ nhiệt.

Thỏa hiệp có khả thi?

Hai đảng chị em CDU/CSU gắn bó với nhau suốt từ khi lập nước thông qua chữ “C” ở đầu tên đảng (“Christlich” - Thiên Chúa giáo), liên tục cùng nhau liên minh tranh cử và cầm quyền. Trong lịch sử hai đảng từ 1949 cho đến nay, chỉ duy nhất năm 1976 là xảy ra nguy cơ đổ vỡ do mâu thuẫn đường lối giữa Chủ tịch hai đảng là Franz-Josef Strauss (CSU) và Helmut Kohl (CDU).

Tuy nhiên, lần này mâu thuẫn giữa bà Merkel và ông Seehofer phức tạp hơn khi có yếu tố cá nhân trong đó. Bà Merkel vốn là người Bắc Đức thuộc CHDC Đức (cũ) và chỉ tham gia làm chính trị ở tầm Liên bang trong CDU sau khi nước Đức thống nhất năm 1990. Trong khi đó, ông Seehofer vốn là người Nam Đức ở bang Bayern (Ingolstadt) và từ những năm 1980 thời CHLB Đức (cũ), ông đã là Nghị sĩ Quốc hội Đức và liên tục ngồi trong Nghị viện thống nhất, giữ chức Bộ trưởng y tế dưới thời Thủ tướng Kohl (1992-98) và Bộ trưởng Nông nghiệp dưới thời Thủ tướng Merkel (2005-08). Năm 2008, ông từ chức Bộ trưởng về làm Thủ hiến bang Bayern (đến mới đây) và Chủ tịch CSU. Có thể nói, khác biệt về xuất thân và tính cách đã khiến hai chính trị gia lão luyện của Liên minh CDU/CSU chưa bao giờ thực sự “cơm lành canh ngọt”.

Nhưng đó không phải là điều cốt yếu dẫn đến cao điểm của khủng hoảng vừa qua. Bà Merkel, cũng như CDU suốt từ thời Helmut Kohl, luôn ủng hộ nhiệt thành và đấu tranh cho sự thống nhất của EU. CDU tin rằng sự lớn mạnh của Đức gắn liền với EU – Berlin có vai trò không thể chối bỏ trong sự phát triển của khối nói riêng và thế giới nói chung. Niềm tin này không chỉ đến từ sức mạnh kinh tế, chính trị của Đức, mà còn xuất phát từ trách nhiệm của quốc gia này sau khi đã gây ra hai cuộc Chiến tranh Thế giới.

Về phần mình, CSU vẫn chỉ là đảng của bang Bayern, dù đó là một trong những bang mạnh nhất về kinh tế ở phía Tây Nam Đức. Không phải vô lý khi nhiều người cho rằng người Bayern quan tâm đến “cái tôi” của mình trước khi nghĩ đến “cái ta” chung, do trước khi giàu có và thịnh vượng, bang này chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp, với đồi núi và thảo nguyên mênh mông.

Khác biệt về quan điểm giữa ông Seehofer và bà Merkel có một phần không nhỏ đến từ xuất thân của hai nhà lãnh đạo đảng. (Nguồn: DPA)

Trong cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, Chính phủ của bà Merkel đã nhận “sứ mệnh lịch sử” là chịu phần lớn gánh nặng của hơn 1 triệu người tị nạn tràn vào Châu Âu. Lịch sử sẽ ghi nhận quyết định đầy tính nhân văn song vô cùng mạo hiểm của bà Merkel, khi bà đặt cược cả ghế Thủ tướng và sự nghiệp chính trị để cứu những người tị nạn chiến tranh “đến gõ cửa nhà”. Lần này cũng vậy, bà Merkel muốn có một giải pháp chung cho châu Âu bởi nếu mỗi thành viên EU chỉ "chăm chăm" quyết định theo lợi ích riêng, EU cùng với Không gian Tự do Đi lại Schengen sẽ đổ vỡ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Seehofer muốn có một “giải pháp quốc gia”, nghĩa là ngăn chặn người tị nạn ngay tại biên giới Đức, chủ yếu ở bang Bayern với Áo, lập tức trục xuất họ quốc gia gốc hoặc nước thành viên EU nơi mà người tị nạn đệ đơn lần đầu. Một yếu tố nữa khiến dư luận Đức cho rằng Chủ tịch CSU cùng toàn thể ban lãnh đạo đảng và cả Thủ hiến Markus Söder đẩy vấn đề này lên cao trào là cuộc bầu cử bang Bayern tháng 10 tới, trong bối cảnh số cử tri ủng hộ CSU giảm và đảng thiên hữu AfD tăng.

Rạng sáng 3/7, sau khi căng thẳng được đẩy lên mức cao nhất, với các cuộc họp diễn ra thâu đêm suốt sáng, hai “chị em” cũng đã thống nhất được giải pháp thỏa hiệp gồm 3 điểm: i) thiết lập tại biên giới Đức - Áo quy chế biên giới mới, theo đó những người tị nạn đã đăng ký ở một nước thành viên EU sẽ không được nhập cảnh Đức; ii) thiết lập tại biên giới Đức - Áo những “trung tâm quá cảnh” (“transitzentren”), giống khu vực quá cảnh ở sân bay. Người tị nạn đã đăng ký tại một nước EU khác sẽ bị trục xuất ngay về nước đó sau khi Đức ký kết với những nước này các thỏa thuận về việc nhận trở lại và iii) Trường hợp các nước liên quan từ chối nhận trở lại những người này, Berlin sẽ thỏa thuận với Vienna để trục xuất họ về Áo.

Kết thúc đầm phán, cả bà Merkel và ông Seehofer đều nhận đó là “thắng lợi” của mình khi vừa giữ được khuôn khổ hợp tác EU, vừa đạt được mục tiêu “trục xuất” số người này ngay tại biên giới Đức - Áo. Nhưng liệu giải pháp thỏa hiệp lần này có khả thi và cứu vãn được nguy cơ khủng hoảng chính trị mới ở Đức hay không lại là câu chuyện dài kỳ khác.

(từ Berlin, Đức)