📞

Con đường ASEAN nên theo đuổi sau phán quyết của PCA

15:03 | 03/07/2016
ASEAN cần đưa ra một phản ứng thống nhất sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Đó là nhận định của ông Termsak Chalermpalanupap, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore). Ông đã đưa ra những điều ASEAN nên làm và không nên làm sau phán quyết của PCA.

Ảnh minh họa: PCA dự kiến ra phán quyết trong vòng 2 tuần tới. (Nguồn: Rappler.com)

Mọi con mắt đang hướng về phán quyết. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn từ chối tham gia vào quá trình xử lý vụ việc tại Tòa và cương quyết quan điểm Tòa không có thẩm quyền xử lý vụ việc cũng như không chấp nhận mọi phán quyết mà Tòa đưa ra.

Mỹ cũng như các nước trong khu vực đang lo ngại rằng Trung Quốc sẽ phản ứng với một phán quyết bất lợi cho mình bằng việc tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông và từng bước đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo tại các vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, các nước thành viên ASEAN đang có những quan điểm khác nhau về Biển Đông, thể hiện qua việc Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc gần đây nhất đã không đưa ra được tuyên bố báo chí.

Trước hết, ASEAN cần đưa ra một tuyên bố của riêng mình dù phán quyết có lợi cho Trung Quốc hay Philippines. Một tuyên bố như vậy sẽ chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng ASEAN có thể đối mặt với những vấn đề nhạy cảm trong những thời điểm quan trọng và xua tan đi mọi nghi hoặc về tính đoàn kết của Hiệp hội tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc vừa qua.

Thứ hai, tuyên bố của ASEAN phải theo hướng tích cực, qua đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng tuyệt đối các nguyên tắc quốc tế được công nhận rộng rãi cũng như quy trình pháp lý và ngoại giao để giải quyết tranh chấp, trong đó bao gồm cả biện pháp trọng tài như PCA. Những nguyên tắc này đã tạo nền tảng cho các nước trong khu vực phát triển thịnh vượng dù là nước lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu.

Thứ ba, ASEAN cũng cần nhắc lại lời kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế trong các khu vực tranh chấp và giải quyết hòa bình các mâu thuẫn thông qua đối thoại, đàm phán và hợp tác. Quan trọng nhất, tất cả các bên không được sử dụng vũ lực. Đây là một trong những nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976, mà Trung Quốc và các nước khác đã tham gia nhằm hỗ trợ hòa bình và an ninh khu vực.

Trên đây là những nguyên tắc chung, là nền tảng cho chính sách ngoại giao hòa bình, và không có lý do gì để bất kỳ quốc gia thành viên ASEAN nào phản đối. Hơn nữa, năm 2017, Philippines sẽ làm chủ tịch ASEAN, Philippines cần khuyến khích các hoạt động hợp tác và phát triển chung trong việc khai thác cũng như bảo tồn các nguồn tài nguyên biển. Năm 2005, Trung Quốc và Philippines đã nhất trí thực hiện các cuộc khảo sát địa chất chung tại Biển Đông nhưng năm 2008 sáng kiến này phải dừng lại vì Malaysia không tham gia và phản đối.

Cuối cùng, ASEAN phải cùng tái khẳng định mong muốn làm việc chặt chẽ và mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc trong việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và hướng tới sớm hiện thực hóa Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC). Điều quan trọng mà hai bên cần phải tạo ra là niềm tin lẫn nhau và tránh làm leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, ASEAN cũng phải lưu tâm để tránh rơi vào những cạm bẫy. Cụ thể, Hiệp hội không được để những khác biệt trong vấn đề Biển Đông chia rẽ tinh thần nội khối. Nếu mất đoàn kết, ASEAN có thể mất đi vai trò trung tâm trong khu vực. Các nước thành viên cần làm việc tích cực hơn nữa trong việc xây dựng một cộng đồng chung có ý nghĩa, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Ngoài ra, tranh chấp Biển Đông là một vấn đề an ninh nghiêm trọng nhưng ASEAN cũng cần phải thận trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Bởi Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế và láng giềng quan trọng của hầu hết các nước thành viên Hiệp hội.

(theo The Today)