📞

“Con đường tơ lụa”: trọng tâm đối ngoại của Trung Quốc

08:36 | 25/10/2014
Cụm từ “Con đường tơ lụa” gợi lên một hình ảnh lãng mạn, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính huyền thoại, với những đoàn lạc đà thồ hàng băng qua những sa mạc mênh mông hay những ngọn núi cao vùng Trung Á. Song, Con đường tơ lụa không chỉ đơn thuần là di sản của quá khứ, nó còn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay.
Cảng nước sâu Gwadar ở Pakistan, do Trung Quốc đầu tư xây dựng, hiện là một điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên “Con đường tơ lụa trên biển”.

Con đường lịch sử

Xưa kia, Con đường tơ lụa bao gồm đường trên đất liền và đường trên biển, có mục đích thúc đẩy giao thương giữa châu Á và châu Âu với nhiều mặt hàng đặc trưng như trà, giấy, thuốc súng, la bàn, thậm chí là các sản phẩm văn hóa như tượng Phật Ấn Độ.

Con đường tơ lụa còn là tuyến đường giúp cho gia vị, cây trồng, dược liệu Ấn Độ tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn. Tư tưởng Phật giáo và Hồi giáo cũng du nhập vào Trung Quốc thông qua con đường này.

Bên cạnh đó, nhờ Đô đốc Trịnh Hòa, người đã 7 lần chỉ huy hạm đội Trung Quốc tung hoành khắp Ấn Độ Dương vào thế kỉ 15 (thời nhà Minh), chiếc chảo Trung Quốc đã trở thành một vật dụng nhà bếp ưa thích của phụ nữ ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Lưới đánh cá Trung Quốc cũng được ngư dân ở đảo Kochi (phía Tây Ấn Độ) sử dụng phổ biến.

Tham vọng của Trung Quốc

Năm 1411, Trịnh Hòa đã cho tạc một tấm bia đá – được viết bằng tiếng Hoa, tiếng Ba Tư, tiếng Tamil - ở thị trấn Galle (Sri Lanka), trên đó khắc lời cầu nguyện những vị thần Hindu bảo trợ cho một thế giới an bình, con người buôn bán phát đạt, giao thương thuận buồm xuôi gió.

600 năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra một mục tiêu tương tự, bằng cách kết nối hàng loạt chính phủ từ châu Á sang châu Âu.

Tháng 9/2013, tại Đại học Nazarbayev ở Kazakhtan, ông Tập Cận Bình đã đưa ra kế hoạch mang tên “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”, một sáng kiến đối ngoại mới với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế trên lục địa Âu – Á (Eurasia). Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ năm mục tiêu của sáng kiến này là: tăng cường hợp tác kinh tế, nâng cao sự kết nối đường sá giao thông, thúc đẩy thương mại và đầu tư, trao đổi tiền tệ, giao lưu giữa nhân dân các nước.

Một tháng sau đó, phát biểu tại Quốc hội Indonesia, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi tái thiết lập một hải lộ đã có trong lịch sử, để hình thành nên “Con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỉ 21, với tham vọng đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc tế cũng như các vấn đề khác như nghiên cứu khoa học, môi trường và đánh bắt cá.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nhiều lần khẳng định lại sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” nói trên tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Á – Âu (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) trong năm 2013.

Kể từ đó, việc thành lập Con đường tơ lụa hiện đại, ở trên đất liền và trên biển, đã chính thức trở thành một chính sách đối ngoại quan trọng của Trung Quốc, sau khi được thông qua bởi Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc hội.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, mục tiêu của sáng kiến kinh tế Con đường tơ lụa là nhằm tái sinh mối quan hệ hữu nghị vốn đã có từ thời cổ đại. Tuy nhiên, sáng kiến này còn bắt nguồn từ những động cơ trong nước: chênh lệch phát triển giữa miền Đông và miền Tây Trung Quốc.

Việc tập trung các hoạt động kinh tế - sản xuất tại các thành phố và các đặc khu duyên hải phía Đông đã dẫn tới sự khan hiếm năng lượng cũng như gây ra những tác động xấu đến môi trường, cản trở sự phát triển bền vững của Trung Quốc. Vì vậy, chính quyền Bắc Kinh mong đợi rằng, Con đường tơ lụa sẽ biến miền Tây Trung Quốc trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước trong tương lai.

Những lo ngại về chính trị

Trong những năm qua, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt cơ chế và nền tảng nhằm tối đa hóa ảnh hưởng của Con đường tơ lụa, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hành lang Bangladesh – Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar, Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan,...

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thiết lập Ngân hàng Phát triển mới, với sự tham gia của các thành viên khối BRICS và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á – một định chế chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ thặng dư thương mại của Trung Quốc. Với vai trò chủ chốt ở cả hai định chế tài chính nói trên, Trung Quốc có thể dễ dàng cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho Con đường tơ lụa.

Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc không phải chật vật xoay xở về tài chính cho sáng kiến Con đường tơ lụa, Bắc Kinh vẫn có thể vấp phải những trở ngại về mặt chính trị, đặc biệt là đối với tuyến đường biển. Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động cương quyết trên Biển Đông và biển Hoa Đông, gây lo ngại cho các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, sáng kiến Con đường tơ lụa đã dấy lên sự quan ngại chính trị đối với nhiều nước.

Trên thực tế, mối lo ngại này đã có từ trong lịch sử. Xưa kia, các chuyến tàu viễn dương của Trịnh Hòa đã dùng sức mạnh quân sự để thiết lập nên các nhà cầm quyền thân Trung Quốc ở các nước Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Ấn Độ,...qua đó chiếm quyền kiểm soát những vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương. Vì vậy, các quốc gia nằm trên con đường biển của Trịnh Hòa đã mô tả các chuyến đi của vị Đô đốc Trung Quốc này không chỉ nhằm mục đích phát triển thương mại, mà còn là sự can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của họ.

Song, công bằng mà nói, Con đường tơ lụa hiện đại không hẳn chỉ đem lại lợi ích cho riêng Trung Quốc. Sáng kiến này thực sự cũng mang lại nguồn lợi đầu tư cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Với sức ảnh hưởng to lớn của mình, việc thiết lập Con đường tơ lụa trong thế kỉ 21 sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường hồi sinh vai trò cường quốc hàng đầu của Trung Quốc như trong quá khứ.

Shashi Tharoor*

Tác giả nguyên là Phó Tổng thư kí Liên hợp quốc và hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ấn Độ. Bài viết trên được đăng tải trên mạng Project Syndicate ngày 14/10 phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

Quang Chinh (giới thiệu)