Dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi chúng ta, trong đó có quan niệm về giáo dục con. |
Covid-19 đang thay đổi chúng ta
Từ khi Covid-19 ập đến, dường như cuộc sống của con người khắp toàn cầu phải thay đổi. Con số tử vong lên đến hàng triệu, số ca nhiễm bệnh lên đến hàng trăm triệu và chưa có dấu hiệu dừng lại…
Không thể phủ nhận Covid-19 đem đến cho chúng ta rất nhiều đau khổ, nhưng cũng khiến chúng ta thay đổi để cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn. Đó là gì?
Chúng ta phải có thói quen tích lũy để phòng khi cần dùng đến. Rõ ràng, khi đại dịch tới, chúng ta sẽ vô cùng khốn khó nếu như “kiếm được đồng nào, xào luôn đồng đó”. Bài học này tuy đắt giá, nhưng chắc chắn sẽ khiến chúng ta sống tốt hơn trong tương lai.
Nếu trước nay, cuộc sống tiện nghi và dịch vụ đã làm chúng ta lơ là các kỹ năng sống quen thuộc như nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp. Một thời gian dài không có giúp việc tới dọn dẹp, các quán xá đóng cửa, các tiệm giặt là, cửa hàng thời trang nghỉ dịch… Hiện nay, chúng ta buộc lòng sẽ phải làm quen dần, tích lũy cho mình các kỹ năng này.
Trước nay, phần lớn các bậc cha mẹ vẫn quen phó mặc việc giáo dục con cho thầy cô giáo, cho nhà trường, về nhà chiều chuộng và cho con sử dụng thiết bị điện tử nhiều. Ngày dịch, việc học online, việc nghiện điện tử và các vấn nạn khác của con trẻ đã khiến chúng ta phải bừng tỉnh. Từ đó, chúng ta buộc phải thay đổi nhận thức cũng như thói quen dạy con của mình.
Không ít người làm cha, làm mẹ nhanh chóng nhận ra, trách nhiệm nuôi dạy con là của chính chúng ta, những người sinh ra chúng, để buộc phải học cách dạy con đúng đắnh hơn.
Nghĩa là, chúng ta nhận ra có phải guồng quay của công việc, của mưu sinh đã khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình xa cách hơn? Ta nghĩ về thời gian dành cho con có phải còn khiêm tốn? Những câu chuyện chúng ta nói với nhau đã nhiều hay đang bị công nghệ xâm lấn, chen chân? Rất nhiều cha mẹ đang thay đổi và trẻ hạnh phúc vì điều này.
Chúng ta cũng đã nhận được bài học về sự lãng phí. Nếu trước đây, gọi món rồi nhúng đũa và để thừa thức ăn, giờ chúng ta biết xót ruột trước một đĩa thức ăn bị bỏ thừa. Cảm giác tiếc nuối đó sẽ khiến chúng ta có thêm kỹ năng tiết kiệm và cẩn trọng trước đồ dùng và thực phẩm hàng ngày.
Chúng ta cũng nhận được bài học về sự ích kỉ của bản thân. Khi lo lắng quá mức, một số cá nhân gom khẩu trang, thuốc chữa triệu chứng Covid-19, thậm chí cả bình oxy, máy thở…. Điều này đã khiến hàng hóa trở nên khan hiếm và rất nhiều nạn nhân đã ra đi khi thiếu các trang thiết bị cứu trợ dành cho họ.
Rõ ràng, khi chúng ta ích kỉ, rất nhiều người đã phải chịu hậu quả. Nghĩ đến người khác là nghĩ đến chính mình bởi vì nếu dịch bệnh càng lan rộng, các biến chủng nguy hiểm càng có cơ hội xuất hiện. Điều này sẽ khiến chính chúng ta gặp chuyện trong tương lai. Nghĩ cho chính mình, chúng ta cũng nên bình tĩnh và tuyệt đối tránh đầu cơ, tích trữ.
Chúng ta cũng nhận được bài học về sự đoàn kết. Ai cũng hiểu nếu vì sự thoải mái của bản thân, vì sự ích kỷ của cá nhân, chúng ta sẽ là tác nhân lan truyền dịch bệnh. Chỉ cần chúng ta bước chân ra ngoài, tiếp xúc thì rất có thể kéo theo nhiều người phải cách ly cùng.
Dù đã tiêm vaccine đầy đủ, ta vẫn có thể mắc Covid-19 bởi không một vaccine nào có khả năng ngăn ngừa 100%. Do vậy, dù chưa tiêm hay đã tiêm, chúng ta cũng cần ở trong nhà để dịch bệnh không có đường phát tán.
Đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh. 1/3 số bác sĩ và cán bộ y tế tại Hà Nội đã và đang lên đường vào Nam, chi viện cho các chiến trường chống dịch khốc liệt. Số lượng ca lây nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu chững, đi ngang và đang có xu hướng đi xuống.
Tín hiệu vui mừng này phần nhiều đến từ sự đoàn kết. Cán bộ y tế, trang thiết bị và cả vaccine đều được dồn cho tuyến chiến đấu chống Covid-19 phía Nam. Niềm tin và sự đoàn kết sẽ là sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.
"Vẻ đẹp" mùa Covid-19
Bên cạnh những bài học quý giá đó, chúng ta còn thấy các tấm gương khác. Tuần trước, một nữ bác sĩ gọi cho tôi và chia sẻ: “Chị ơi, em muốn vào Nam chống dịch. Cơ quan em mọi người đi nhiều lắm. Thế nhưng, em đang nuôi con một mình, con em còn nhỏ, nó rất yếu đuối. Nghe em nói vào Nam, nó đã òa khóc. Em phải làm sao?”.
Tôi nghẹn lời. Một người phụ nữ yếu đuối, mảnh mai, một thân nuôi con nhỏ mà vẫn muốn lên đường vào Nam góp công chống dịch.
“Em không sợ nhiễm bệnh chị ạ. Em thật sự mong được lên đường. Em chỉ lo con em”, người mẹ trẻ ấy đã chia sẻ khi tôi hỏi về việc cô ấy đã tiêm đủ chưa, có nguy hiểm gì không?.
Khi tôi hứa sẽ giúp mẹ chăm sóc và dạy dỗ con, cô ấy rất vui, rất cảm động và lập tức đăng kí lên đường.
Tôi chợt nhớ đến đoạn “chat” của 2 vợ chồng người bác sĩ khi cùng mong muốn lên đường chống dịch dù họ đang nuôi con nhỏ. Cả hai người tranh giành suất được lên đường. Thậm chí, họ hỏi nhau xem 2 vợ chồng đi cùng đợt hoặc 2 đợt khác nhau có được không.
Đó là sự hy sinh vì đồng bào, vì tính mạng người dân rất đáng trân quý. Điều này xuất hiện ngay trong các bảng đăng kí đi Nam hỗ trợ chống dịch, chỉ vài phút được thông báo, hàng loạt các tin nhắn xung phong gửi về cho lãnh đạo bệnh viện, mong được lên đường.
Tôi lại nhớ đến những bác sĩ khi phải hàng năm trời xa nhà, có mặt ở tuyến đầu chống dịch hết vùng này đến nơi khác. Những bác sĩ ấy hầu như không có thời gian để xử lý các vấn đề riêng bởi vì “ở đâu còn dịch, anh còn lên đường”.
Tôi cũng nhớ đến hình ảnh những chuyến hàng được chuyên chở ngày đêm, những tình nguyện viên sẵn sàng vượt khó để trợ giúp mọi người trong lúc khó khăn, những kiện hàng trang thiết bị y tế vượt ngàn dặm xa đến nơi tuyến đầu.
Đó là thùng phong bì tiền đặt trên ô tô gửi tặng bà con về quê mỗi người một cái cùng lời nhắn gửi rất yêu thương; là những chai nước, ổ bánh mỳ cho nhau dọc đường… Tất cả gom lại làm dịu đi những căng thẳng, lo âu vì dịch bệnh.
“Chống dịch như chống giặc”, giữa cuộc chiến, các khó khăn, áp lực, vất vả, mệt mỏi đến nhưng cũng có vô vàn các điểm sáng lấp lánh khiến cuộc sống của chúng ta nhiều màu sắc hơn. Hơn hết, chúng ta biết tỉnh táo trước khi nghi ngờ một ai đó, biết cho đi là nhận lại, biết rằng rất cần trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân với cuộc chiến chống dịch cam go này.
| 'Nên tiêm vaccine Covid-19 dứt điểm cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành nóng' Dịch bùng phát, nên tập trung cao nhất nguồn vaccine lẫn nguồn nhân lực tiêm vaccine Covid-19 cho TP. Hồ Chí Minh và những tỉnh, ... |
| PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: 'Chúng ta cần tích lũy kiến thức về Covid-19 chứ không phải máy tạo oxy' Chia sẻ với TG&VN, Chuyên gia y tế, PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung* (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương) cho rằng, đối mặt với ... |