📞

CUES mở rộng: Sáng kiến "đúng lúc" của Singapore

14:26 | 06/04/2016
Một cơ chế giải quyết "va chạm ngoài ý muốn" trên biển là cần thiết ở Biển Đông hiện nay.
Va chạm trên biển Đông luôn là mối quan ngại của các quốc gia hữu quan. (Nguồn: Economic Times)

Theo nhà nghiên cứu Lee Ying Hui thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nguy cơ xảy ra các vụ đối đầu quân sự ngoài ý muốn trên Biển Đông đã gia tăng đáng kể với việc Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và Mỹ điều nhóm tàu sân bay đến vùng biển tranh chấp. Trong bối cảnh đó, Singapore đã đề xuất áp dụng một Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) mở rộng trên Biển Đông nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng. Liệu đề xuất này có hiệu quả?

Căn nguyên của xung đột

Thực tế cho thấy những diễn biến gần đây trên Biển Đông là nguồn gốc gây quan ngại nghiêm trọng cho các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn có lợi ích lớn trong đảm bảo an toàn và an ninh ở vùng biển này. Hoạt động quân sự hóa tiếp diễn ở vùng biển tranh chấp đang gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự ngoài ý muốn, đe dọa ổn định khu vực. Đặc biệt, hoạt động bồi đắp lấn biển và thiết lập cơ sở quân sự của Trung Quốc tại những đảo tranh chấp, cùng với hoạt động hải quân ngày càng khoa trương của Mỹ ở khu vực, đang gia tăng hơn nữa tính phức tạp và dễ biến động ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/2 cáo buộc Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 và hệ thống rada trên đảo Phú Lâm (Woody Island). Theo quan điểm của Washington, hoạt động bồi đắp lấn biển của Trung Quốc để xây đảo nhân tạo và thiết lập cơ sở quân sự được xem là mối đe dọa với hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp.

Đáp trả tuyên bố của ông Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị biện luận rằng họ xây dựng trên đảo Phú Lâm “những cơ sở phòng vệ hạn chế và cần thiết... nhất quán với quyền tự vệ (của Trung Quốc)". “Trung Quốc không thể bị đổ lỗi cho việc quân sự hóa”, ông Vương Nghị tuyên bố sau khi Mỹ triển khai một nhóm tàu sân bay đến vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh từ lâu vẫn xem sự hiện diện tăng cường của hải quân Mỹ ở Biển Đông, và việc Washington bán nhiều tàu hải quân cho các nước ASEAN có tranh chấp khác (như Philippines) là mối đe dọa với cái mà Bắc Kinh tự tuyên bố là "chủ quyền và lợi ích" của mình trên Biển Đông.

Việc cáo buộc lẫn nhau giữa Washington (và các bên tranh chấp khác) với Bắc Kinh cho thấy nhận thức về quân sự hóa đang mang tính chủ quan cao. Một hành động được một bên nhìn nhận là hành động quân sự hóa thường được bên kia xem là mang tính tự vệ. Tình thế "lưỡng nan an ninh" này đã giải thích cho sự gia tăng căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Với giả định rằng hai bên đều có ý định phòng thủ, những hành động của Bắc Kinh nhằm mục đích củng cố an ninh của mình sẽ gây mất an ninh cho Washington và các bên khác khiến họ đưa ra hành động tương tự, và ngược lại. Chính vì thế, những hành động này đang tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn dẫn đến gia tăng căng thẳng hơn nữa trên Biển Đông.

Trước tình hình đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong chuyến thăm mới đây tới Trung Quốc cho biết Singapore đã đề xuất “mở rộng CUES đến cả tàu hải quân và cảnh sát biển” với Bắc Kinh. Trước đó, CUES đã được 21 quốc gia thành viên Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và toàn bộ các nước ASEAN có tranh chấp, thông qua vào tháng 4/2014. Đề xuất của Singapore được đưa ra đúng thời điểm, giúp hạ nhiệt căng thẳng khi đề cập đến quy tắc can dự cho những va chạm ngoài ý muốn trên biển và tránh tính toán sai của các bên liên quan. Dù không mang tính bắt buộc, CUES vẫn có thể là một công cụ quản lí tạm thời căng thẳng gia tăng do sự đình trệ trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hội kiến Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh tháng 3/2016. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Bước tiến quan trọng

Dù vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, có nhiều lí do để lạc quan rằng đề xuất trên của Singgapore sẽ được chấp nhận. Trung Quốc, Mỹ và ASEAN đều thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận CUES trên Biển Đông. Đáng nói, Trung Quốc đã đưa ra đề xuất một “cuộc tập huấn chung về CUES (với ASEAN)... trong năm 2016 trên Biển Đông” hồi tháng 10/2015. Tuy nhiên, các bên liên quan cần giải quyết nhiều thách thức trước khi thông qua CUES.

Thực tế cho thấy, CUES chỉ áp dụng với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và biển xa, không phải với vùng biển chủ quyền nên sẽ rất khó để các nước có tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, chính thức đồng ý mở rộng CUES cho toàn bộ khu vực Biển Đông. Nhiều khả năng Mỹ, cùng với một nước ASEAN có tranh chấp như Philippines và Việt Nam, sẽ coi đề xuất này là không hữu ích và hiện cũng chưa rõ phản ứng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những khó khăn về kĩ thuật trong việc áp dụng quy định phức tạp này với tàu dân sự chắc chắn sẽ khiến quá trình đàm phán kéo dài và làm chậm việc áp dụng một CUES mở rộng.

Dù việc "không bao gồm tàu dân sự" có thể hạn chế hiệu quả thực tế, song đề xuất về CUES mở rộng của Singapore, nếu được áp dụng, vẫn sẽ là một cơ chế xây dựng lòng tin quan trọng để giúp quản lý tình trạng căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Bước đi nhỏ này sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa Mỹ, Trung Quốc, và các nước ASEAN đồng thời là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy mở rộng CUES và nhiều cơ chế hợp tác khác trên Biển Đông.

(theo RSIS)