📞

Cuộc chạm trán của Đại sứ da màu ở Nam Phi

16:00 | 02/04/2016
Chuyến trở về quê hương châu Phi với tư cách đại diện cho Washington của Đại sứ Mỹ Edward Perkins thật không mấy dễ dàng khi nạn phân biệt chủng tộc Apartheid vẫn còn hiện hữu.
Ông Edward Perkins - Đại sứ da màu đầu tiên của Mỹ ở Nam Phi và Liên hợp quốc. (Nguồn: FPA)

Ở Cộng hòa Nam Phi những năm 1980 dưới thời Đảng Quốc gia Nam Phi (NP), Apartheid đã trở thành một chính sách chính trị công khai. Theo đó, quyền của các hiệp hội và các phong trào của đa số người dân da màu và các nhóm dân tộc thiểu số khác bị cắt giảm mạnh. Nghịch lý hơn, trong khi chỉ chiếm một phần nhỏ dân số nhưng người da trắng lại sở hữu khoảng 90% đất đai. Trong khi đó, Chính phủ của Tổng thống P.W. Botha đang trên bờ vực nội chiến đẫm máu với lực lượng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Nelson Mandela.

Khi đó, Tổng giám mục Desmond Tutu và những người da màu Nam Phi khác đã yêu cầu các công ty và chính phủ quốc tế gây áp lực với nhà nước Nam Phi - với người da trắng chiếm chủ đạo, để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc này. Tại Washington, Tổng thống Ronald Reagan từ chối sử dụng biện pháp trừng phạt kinh tế của Quốc hội mà lựa chọn chính sách “can thiệp có tính xây dựng”. Bản thân Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan đang mâu thuẫn với các nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ bởi các chính sách đối nội, trong khi đó, cuộc đấu tranh tự do của Nam Phi lại gây được tiếng vang mạnh mẽ với công chúng Mỹ.

Năm 1986, chính quyền Reagan đã tiến hành một nước đi táo bạo. Ngoại trưởng Mỹ George Schultz tuyên bố: “Có nhiều người thân cận Tổng thống tin rằng đây là thời điểm để phái cử một đại sứ da màu mà không cần phải có lý do xác đáng”. Edward Perkins - nhà ngoại giao Mỹ gốc Phi khi ấy 58 tuổi, vừa kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Liberia, được Ngoại trưởng Schultz cất nhắc vào vị trí này. Tuy nhiên, ông Perkins được quyền lựa chọn nhậm chức hoặc không bởi việc bổ nhiệm một đại sứ da màu như ông đang gây nhiều tranh cãi trong giới chức bấy giờ. Và ông Perkins trả lời quả quyết: “Tôi đã tuyên thệ là sẽ đi đến bất cứ đâu nếu quốc gia cần. Vì thế, đương nhiên tôi sẽ nhận nhiệm vụ này!”. Như thế, ông Perkins trở thành vị đại sứ da màu đầu tiên của Mỹ ở Nam Phi và sau này là ở Liên hợp quốc.

Do biết nạn Apartheid đang hoành hành ở Nam Phi, bằng bản lĩnh của một nhà ngoại giao kỳ cựu và cũng là một cựu quân nhân từng tham chiến tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Perkins đã có cuộc chạm trán đầu tiên với Tổng thống Botha ngay tại lễ trình quốc thư. Trước đó, Tổng thống Botha đã nhiều lần trì hoãn thủ tục này.

Khi sự kiện diễn ra, một đám đông người da màu tập trung ngoài văn phòng Tổng thống để xem vị đại sứ da màu đầu tiên của Mỹ ở Nam Phi sẽ ứng xử ra sao với người đã thi hành và ban bố chủ nghĩa Apartheid ở khắp đất nước này.

Tại lễ trình quốc thư, khi Đại sứ Perkins vừa mở lời: “Thưa Ngài Tổng thống, tôi rất vui mừng được đứng đây lúc này. Hai nước chúng ta có rất nhiều điểm chung…” thì Tổng thống Botha liền cắt lời: “Ý ông là gì, rất nhiều điểm chung? Làm sao ông có thể nói như thế khi Quốc hội Mỹ vừa tuyên bố chiến tranh kinh tế với đất nước tôi?”. Rồi khi ông Perkins khẳng định Quốc hội đại diện cho người dân Mỹ, Tổng thống Botha lớn tiếng: “Không người nào có thể đại diện cho một nhóm người ngu dốt như vậy”.

Cuộc hội thoại cứ thế đi vào bế tắc ngay khi tư tưởng khác biệt giữa vị khách mới tới và vị chủ nhà dần bộc lộ nhưng nhà ngoại giao Perkins lại có cơ hội để thắng một cuộc chiến khác.

“Phụ tá Tổng thống không biết tôi cao như thế nào và thực tế là tôi cao lớn hơn ông Tổng thống cho dù ông ta đã cố gắng kiễng lên. Tôi nhìn thẳng vào ông Botha. Chúng tôi không có ý định lảng tránh ánh mắt. Nhưng khi tôi trình ủy nhiệm thư, ông ta đã phải nhìn xuống để lấy nó. Vậy là ông ta đã thua trong trận chiến ngày hôm đó”, ông Perkins chia sẻ trong bài phỏng vấn với hãng tin NPR (Mỹ).

Lúc này, Tổng thống Botha đã bày tỏ sự không hài lòng. Đến lúc nghe được ý định muốn du lịch khắp Nam Phi để tiếp xúc nhiều người dân của Đại sứ , Tổng thống Botha đã không kiềm chế được. Ông lập tức cắt lời Đại sứ Mỹ và chỉ thẳng vào mặt vị khách của mình rồi nói: “Nghe này, tôi đã nghe nói về ông. Tôi không muốn ông can thiệp vào công việc của chúng tôi. Ông hiểu không?”.

Hai phụ tá của Tổng thống run rẩy vì việc chỉ vào mặt Đại sứ Perkins cũng giống như Tổng thống Botha đang chỉ tay vào mặt Tổng thống Reagan. Trước sự “run lên vì tức giận” của ông Botha, Đại sứ Perkins dõng dạc: “Tôi ở đây như một đại diện của người dân Mỹ để đến với người dân Nam Phi”.

Và kể từ sau đó, hai vị quan chức này không còn có một cuộc nói chuyện nào nữa trong suốt thời gian ba năm nhiệm kỳ của ông Perkins ở Nam Phi. Cuối cùng ông Perkins vẫn có cơ hội đi du lịch Nam Phi với nhiều “nỗ lực gây khó khăn của Chính phủ”. Xung quanh dinh thự Đại sứ Mỹ ở Nam Phi thì không có người hàng xóm da trắng nào còn những người da màu thì được cảnh báo là không được phép tiếp cận ông. Đại sứ Perkins gần như bị cô lập ngay tại chính quê hương mình.

(theo NPR)