Cuộc chiến dầu mỏ đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Russia Insider) |
Đó là nhận định về cuộc chiến dầu mỏ được đưa ra trong bài viết trên "Báo Độc lập" (Nga) số ra ngày 6/4.
Phát biểu ngày 5/4, đại diện Kuwait trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Nawal al-Fuzaya dự báo rằng, ngày 17/4 tới, các nước xuất khẩu dầu có thể sẽ đạt được một thỏa thuận tại Doha (Qatar), trong đó các quốc gia nhất trí duy trì chứ không tăng sản lượng khai thác, mà không cần sự ủng hộ của Iran.
Trong khi đó, Saudi Arabia lại muốn thấy đầy đủ các gương mặt ở bàn đàm phán, tất nhiên bao gồm cả Iran, cho dù thỏa thuận "đóng băng" sản lượng khai thác có thể mất đi ý nghĩa, thậm chí là có thể không đạt được.
Trên thực tế, Iran không có ý định hạn chế khai thác, mà thay vào đó còn tiếp tục tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời tìm cách cản trở Riyadh trong lĩnh vực khai thác này. Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều lý do để có thể chắc chắn về một đợt sụt giảm giá dầu mới trong tương lai.
Saudi Arabia và Iran lại tiếp tục "đối đầu" bên những thùng dầu. (Nguồn: Next War Notes) |
Cuộc đua sản lượng
Hiện chưa đến ngày 17/4, song giá dầu mỏ trên thị trường đã bắt đầu có nhiều bất ổn từ vài ngày qua. Ngày 5/4, có những thời điểm giá dầu Brent trên thị trường giao dịch giảm xuống dưới 37,5 USD/thùng. Tuy ở thời điểm hiện tại, đây chỉ là biến động tạm thời sau khoảng thời gian khá dài giá dầu Brent đứng ở mức 40 USD/thùng, song điều đó cũng khiến các nước xuất khẩu không khỏi lo lắng.
Đại diện Kuwait cho biết, một số thành viên OPEC hy vọng có thể đạt được sự đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng trong cuộc họp sắp tới của các nhà xuất khẩu dầu mỏ. Đây là lối thoát duy nhất để giữ giá dầu mỏ và Kuwait cũng hy vọng giá dầu có thể được đẩy lên mức 45-60 USD/thùng vào nửa cuối năm 2016. Trong khi đó, giới chức Riyadh khẳng định, những kỳ vọng này chỉ có thể đạt được nếu tất cả các nước xuất khẩu dầu, trong đó có Iran và Nga, cùng thực hiện.
Hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời Hoàng tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định: "Nếu ai đó quyết định tăng sản lượng, thì chúng tôi cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội" (tìm kiếm đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng).
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết trong hai tháng qua, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ trung bình của nước này đạt 2 triệu thùng/ngày và Iran cũng không vội vã hạn chế sản lượng bởi họ cần bù đắp lại quãng thời gian chịu lệnh cấm vận vừa qua. Giữa Tehran và Riyadh đang xuất hiện "cuộc chiến dầu mỏ", đe dọa làm mất cân bằng hơn nữa thị trường này.
Thậm chí theo tờ Financial Times, Saudi Arabia còn cấm các tàu chở dầu của Iran đi qua lãnh hải của mình, và điều này không nhằm mục đích nào khác ngoài việc kìm hãm sự tăng trưởng ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Hơn thế, Riyadh còn công bố một đợt giảm giá mới, bất chấp điều này không có lợi cho sự phục hồi của giá dầu.
Nước nào sẽ chấp nhận "đóng băng" van dầu của mình? (Nguồn: EV World) |
Không ai muốn "đóng băng"
Theo giới chuyên môn, tình hình ở các thị trường dầu mỏ hiện nay cho thấy, việc cắt giảm sản lượng khó trở thành hiện thực bởi một số lý do. Saudi Arabia tuyên bố không giảm sản lượng. Iran vừa được dỡ bỏ lệnh trừng phạt nên cũng tranh thủ gia tăng sản lượng và xuất khẩu dầu thô sang châu Âu, bất chấp đề nghị "đóng băng" sản lượng.
Libya không sẵn sàng ủng hộ ý tưởng "đóng băng" sản lượng này của một số nước, trong khi các nước ngoài OPEC cũng không có ý định rút ngắn khoảng cách khai thác trong cuộc đua này. Cụ thể, Nga đã tăng sản lượng khai thác dầu thô hơn 3% trong quý I vừa qua. Có thể thấy rõ hiện có rất nhiều áp lực lên giá dầu trên thị trường giao dịch, cho dù đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để các bên duy trì, thay vì tăng, sản lượng khai thác.
Sau cùng, các chuyên gia đều có chung nhận định, chỉ riêng lý do Iran không chịu cắt giảm sản lượng cũng đã là rào cản vô cùng lớn để các nước xuất khẩu dầu có thể đạt được giải pháp duy nhất nhằm cứu vãn giá dầu lao dốc trên thị trường. Thậm chí, trong trường hợp tất cả các quốc gia đều cắt giảm sản lượng thì một mình Iran cũng có thể bơm dầu giá rẻ ra tràn ngập thị trường, bởi nước này mong muốn tăng gấp đôi sản lượng khai thác trong ngắn hạn, tức là lên tới 4 triệu thùng/ngày.