Các cường quốc quân sự thế giới đều đang nỗ lực phát triển tên lửa siêu thanh. (Nguồn: Creative Commons) |
Thời gian qua, hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, thậm chí là Triều Tiên đều công bố rằng, họ đang trong quá trình nghiên cứu các loại vũ khí siêu thanh. Chúng có tốc độ nhanh hơn, đường bay khó đoán định và sẽ khiến quá trình phát hiện, đánh chặn trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
Các chuyên gia quân sự nhận định, tên lửa siêu thanh sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, cũng như sẽ đưa thế giới rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang, tạo ra một kỷ nguyên mới của những quả tên lửa nhanh hơn, thông minh hơn và linh hoạt hơn. Vậy, vũ khí siêu thanh có điểm gì đặc biệt mà hầu hết các quốc gia có nền quân sự phát triển đều nhắm tới?
Vũ khí siêu thanh là gì?
Vũ khí siêu thanh thường được định nghĩa là những loại tên lửa có tốc độ nhanh, bay thấp và có tính cơ động cao. Chúng được thiết kế để dễ dàng “vượt mặt” các loại hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống. Không giống như tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh không đi theo quỹ đạo hình cung và không cần phải lập trình trước đích đến.
Thuật ngữ “siêu thanh” mô tả việc di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh hơn năm lần, hoặc khoảng 1,6 km/s, khoảng 6200 km/h.
Ở tốc độ siêu âm, các phân tử không khí xung quanh phương tiện bay bắt đầu thay đổi, tách rời hoặc tích điện trong một quá trình gọi là ion hóa.
Theo một bài báo của Quân đội Mỹ năm 2018, điều này khiến phương tiện siêu thanh phải chịu lực căng “khủng khiếp” khi nó đẩy xuyên qua bầu khí quyển.
Vũ khí siêu thanh được chia làm hai loại. Loại tên lửa hành trình siêu thanh được cung cấp động lực bởi tên lửa hoặc máy bay phản lực trong suốt hành trình bay. Chúng đơn giản là phiên bản nhanh hơn của các tên lửa hành trình hiện có, ví dụ như tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Còn tên lửa siêu thanh dạng boost-glide lại khác. Chúng được phóng lên bầu khí quyển phía trên như bình thường bởi các tên lửa đạn đạo hiện có, nhưng sau đó, các phương tiện lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle – HGV) được tách ra, bay thấp hơn, hướng tới mục tiêu nhanh và khó đoán hơn nhiều so với các phương tiện tái nhập cũ.
Mặc dù một số loại vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân, nhưng cũng có những loại khác có thể sử dụng tốc độ và độ chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu chỉ bằng động năng mà chúng tác động. Với tốc độ gấp mười lần tốc độ âm thanh, một kilogram của bất cứ thứ gì cũng có thể tạo ra lực tác động lớn hơn nhiều so với việc kích nổ một kilogram thuốc nổ TNT.
Một điểm đặc biệt nữa, đường đi của tên lửa siêu thanh, đặc biệt là tên lửa có HGV sẽ tạo ra đường đi ở độ cao thấp, kết hợp với độ cong của bề mặt Trái Đất giúp chúng khó bị radar phát hiện.
Tốc độ nhanh của chúng cũng khiến các hệ thống đánh chặn truyền thống khó có thể làm việc hiệu quả. Quỹ đạo không thể đoán trước của HGV trong phần lớn hành trình cho phép chúng đe dọa một khu vực rộng lớn, thậm chí chuyển đổi mục tiêu giữa chừng.
Lịch sử không mấy hào hùng
Mặc dù thường được coi là một công nghệ mới, nhưng quá trình phát triển vũ khí siêu thanh đã có từ gần một thế kỷ trước. Theo tổ chức Union of Concerned Scientists, trong Thế chiến II, các kỹ sư người Đức nghiên cứu vũ khí siêu thanh để có thể tấn công Mỹ và Thái Bình Dương từ châu Âu. Tuy nhiên, Đức khi đó từ chối theo đuổi công nghệ này, bởi họ đánh giá tên lửa đạn đạo là phương tiện rẻ hơn, hiệu quả hơn để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa.
Những thập niên tiếp theo, Mỹ dần quan tâm hơn đến loại công nghệ này và thực hiện một số thử nghiệm trong suốt những năm 1960. Trong đó, nước này đã đầu tư 410 triệu USD (tương đương hơn 3,5 tỷ USD thời giá năm 2021) cho chương trình phát triển nguyên mẫu máy bay siêu thanh X-20 Dyna-Soar.
Tuy nhiên, chương trình này đã chết yểu. Sau đó, trong suốt thế kỷ XX, không nước nào động đến loại vũ khí này, dù công nghệ siêu thanh vẫn được áp dụng cho phát triển các loại tàu con thoi vũ trụ.
Tuy nhiên, sang thế kỷ XXI, khi các cường quốc quân sự nhận ra rằng, họ cần có một loại vũ khí mới, hiện đại hơn, có tầm bắn xa và có quỹ đạo khó đoán định hơn, các loại vũ khí siêu thanh một lần nữa được phát triển trở lại.
Mỹ từng có niềm tin mãnh liệt vào việc sẽ là nước đầu tiên phát triển thành công vũ khí siêu thanh đến mức loại chúng khỏi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga. |
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Theo Bloomberg, các cường quốc quân sự như Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện có năng lực vũ khí siêu thanh tiên tiến nhất thế giới. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu công nghệ này và đã đạt được một số thử nghiệm thành công nhất định, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Đức và Triều Tiên. Báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho hay, Iran, Israel và Hàn Quốc đã tiến hành những nghiên cứu cơ bản về công nghệ này.
Theo đánh giá của giới phân tích, trong những năm gần đây, Nga đã phát triển nhanh chóng vũ khí siêu thanh với nhiều loại tên lửa không chỉ có khả năng bay với tốc độ hơn Mach 5. Đó là những tên lửa Avangard, Kinzhal và Zircon.
Trong đó, Zircon là thành tựu mới nhất của quân đội Nga khi tên lửa này có thể đạt tầm bắn lên tới 1.000km và bay nhanh đến mức áp suất không khí phía trước nó hình thành một đám mây plasma khi tên lửa di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến nó vô hình trước hệ thống radar đang hoạt động.
Trung Quốc cũng đang tập trung phát triển công nghệ này và coi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đối phó với Mỹ trên lĩnh vực siêu thanh cũng như các công nghệ khác.
Theo truyền thông phương Tây, mùa Hè vừa qua, quân đội Trung Quốc có thể đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh, bao gồm việc phóng vũ khí siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân vào không gian. Tên lửa này bay quanh Trái Đất ở quỹ đạo tầm thấp trước khi lao xuống nhưng còn cách mục tiêu đến 32 km.
Trong khi đó, Bắc Kinh phản bác các báo cáo này và khẳng định, họ chỉ đơn giản phóng một phương tiện vũ trụ có thể tái sử dụng, giống như chương trình tàu con thoi của SpaceX.
Tháng Mười vừa qua, quân đội Mỹ cho biết đã thực hiện thành công ba vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa siêu thanh. Sắp tới, Hải quân và Lục quân Mỹ sẽ cùng tiến hành cuộc thử nghiệm phóng tên lửa siêu thanh trong năm tài chính 2022 của Mỹ.
Theo Bloomberg, Bộ Quốc phòng Mỹ đang có một chương trình phát triển công nghệ siêu thanh mạnh mẽ với kế hoạch tiến hành 40 cuộc thử nghiệm trong năm năm tới. Dự kiến, tổng ngân sách từ năm 2015-2024 để phát triển vũ khí siêu thanh là 15 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí sản xuất.
Cuối tháng Chín, Triều Tiên khẳng định thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh mới, mà nước này gọi là “vũ khí chiến lược”. Tuy nhiên, theo báo cáo của quân đội Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng mới chỉ tập trung vào “khả năng cơ động” cũng như “các đặc điểm bay” và còn rất lâu mới có thể thực sự nắm bắt được công nghệ này.
Cuối năm 2018, sau khi thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Avangard, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là một món quà năm mới hoàn hảo dành cho đất nước. Avangard được phát triển từ giữa những năm 1980, được thử nghiệm vào năm 2004 và chính thức bổ sung vào kho vũ khí của Nga năm 2019. |
Trong khi đó, tạp chí The Diplomat nhận định: “Không có khả năng việc phát triển các công nghệ siêu thanh chỉ dừng lại với ba quốc gia là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Các quốc gia khác, hoặc tự mình hoặc thông qua hợp tác, cũng đang theo đuổi những công nghệ này. Một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh rõ ràng đang diễn ra”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, tên lửa siêu vượt âm không nhất thiết làm ảnh hưởng đến cân bằng hạt nhân toàn cầu, cũng như sẽ không đem lại quá nhiều lo lắng cho phần còn lại của thế giới.
Thay vào đó, nó bổ sung một phương thức phân phối mới mạnh mẽ cho bộ ba răn đe hạt nhân truyền thống gồm máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Ông Cameron Tracy, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Đại học Stanford (Mỹ), đã gọi siêu vượt âm là công nghệ mang tính tiến hóa của nhân loại. Nhưng, để tránh cho cuộc đua này khiến thế giới rơi vào trạng thái bất ổn, cần phải có những động thái can thiệp càng nhanh càng tốt, như đưa vũ khí siêu thanh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân, mặc dù hiện tại Triều Tiên và Trung Quốc không tham gia bất kỳ hiệp ước nào.