TIN LIÊN QUAN | |
Thái Lan dự định nâng cấp hang Tham Luang thành bảo tàng | |
Hình ảnh 4 lính SEAL Thái Lan cuối cùng rời hang gây xúc động mạnh |
Những ngày qua, tin tức về đội bóng mất tích trong hang động Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai lan truyền không chỉ ở Thái Lan mà còn khắp nơi trên thế giới.
12 cậu bé độ tuổi từ 11 đến 16 cùng huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng đá “Lợn rừng” đã mất tích từ chiều 23/6 khi tham quan hang động Tham Luang ở miền Bắc tỉnh Chiang Rai. Tham Luang là một quần thể hang động nổi tiếng ở Thái Lan trải dài gần chục kilomet, gồm nhiều hang động với chiều cao và độ sâu khác nhau. Hang động này là một địa điểm du lịch mạo hiểm ở Thái Lan, vốn là nơi thường ngập vào mùa mưa, nên phải đóng cửa từ tháng 7 - 11 hàng năm. Theo quy định, du khách vào hang chỉ được phép đi sâu tối đa 700m. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm, lực lượng chức năng Thái Lan xác định đội bóng nhí đã đi sâu hơn quy định dựa vào dấu chân và đồ đạc được tìm thấy.
Lực lượng cứu hộ chuẩn bị hành trang cho cuộc giải cứu phi thường. (Ảnh: The Nation) |
Nỗ lực quốc tế tìm kiếm, cứu hộ
Theo The Nation, các tình nguyện viên thế giới - từ các chính phủ, các tổ chức quốc tế cho đến những công dân bình thường - tất cả đều nhiệt thành, không quản khó khăn, nguy hiểm tham gia vào chiến dịch cứu hộ được xem là lớn nhất lịch sử nước này, có cả quân đội và các cơ quan chính phủ tham gia.
Nước láng giềng Myanmar sẵn sàng tạm ngưng xả lũ tại đập sông Sai để giảm lượng nước đổ vào dòng sông ngầm chảy qua hang Tham Luang, theo đề nghị của Chính phủ Thái Lan. Việc này sẽ giúp đội cứu hộ bơm nước khỏi hang động nhanh hơn, tạo điều kiện cho lực lượng cứu hộ tìm kiếm sâu hơn.
Ngày 27/6, 30 lính đặc nhiệm Mỹ với trang thiết bị chuyên dụng thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và nhóm chuyên gia hang động người Anh đã bắt đầu tham gia hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, các chuyên gia của
Đan Mạch, Australia, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đến Thái Lan để tham gia hỗ trợ cứu hộ.
Ông Uzi Hanuni, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Maxtech (Israel), nhận định rằng, đội cứu hộ tại mọi quốc gia đều cần có một hệ thống liên lạc hiệu quả bởi đây là vấn đề sinh mạng con người. Thực tế cũng cho thấy duy trì liên lạc trong lòng hang ngập nước là một thách thức lớn đối với lực lượng cứu hộ Thái Lan bởi các thiết bị điện tử phải luôn khô ráo. Bên cạnh đó, hang động còn có nhiều khối đá ngăn trở tín hiệu của các thiết bị thông thường. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia Israel hỗ trợ chiến dịch giải cứu đã nảy ra sáng kiến đơn giản mà hiệu quả, sử dụng các bộ điện đàm.
Các thành viên đội bóng thiếu niên mắc kẹt bên trong hang Tham Luang. |
Các bộ điện đàm có thể hoạt động suốt 10 tiếng không cần sạc. Đây là một thuật toán được Maxtech nghiên cứu phát triển trong 12 năm qua. Dù phạm vi của những thiết bị này còn hạn chế, hệ thống vẫn hoạt động hiệu quả ở độ sâu vài km dưới lòng đất. Chính sáng kiến này đã giúp đội ngũ cứu hộ Thái Lan duy trì liên lạc. Đội cứu hộ Israel là một trong những người đầu tiên tham gia chiến dịch giải cứu tại Thái Lan.
Không thuộc thành viên biệt phái của bất cứ chính phủ hay tổ chức quốc tế nào, song ông Jordan Kennedy, một nhân viên y tế Mỹ, nhiệt tình nói với tờ The Nation: “Tôi có kinh nghiệm về cấp cứu. Tôi từng làm tình nguyện viên ở các trại tị nạn dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, nên tôi đến đây vì tôi nghĩ mình có thể đóng góp chuyên môn cho nhóm cứu hộ”.
“Thừa nhận không có kỹ năng nào có thể giúp ích cho lực lượng cứu hộ”, Jean Christian Manga Mbolo, cầu thủ bóng đá Cameroon chơi ở giải vô địch Thái Lan, lại chia sẻ chân thành: “Tôi vẫn đến. Tôi sẵn sàng làm bất cứ gì, kể cả việc tay chân”.
Theo lời Tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osottanakorn, tham gia chiến dịch giải cứu tổng cộng có 50 thợ lặn nước ngoài và 40 thợ lặn Thái Lan. Sau chục ngày tìm kiếm, người đầu tiên tìm thấy nhóm trẻ vào tối 2/7 là thợ lặn người Anh John Volanthen, một tư vấn viên công nghệ thông tin tại Bristol và là thành viên của Đội Cứu hộ Hang động Mid Wales. Theo Chủ tịch Đội Cứu hộ Hang động Mid Wales, Volanthen đã tham gia nhiều chiến dịch giải cứu trong nhiều năm qua và có nhiều kinh nghiệm khi tới Thái Lan. Những người bạn của Volanthen từng nói rằng nếu cần đến chuyên gia lão luyện với đầy đủ kinh nghiệm để thám hiểm trong hang sâu thì Volanthen là người đáp ứng đủ mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Lực lượng cứu hộ đã mất 10 ngày để tìm thấy đội bóng. Tuy nhiên, công tác giải cứu đội bóng ra khỏi hang nếu không kịp thời có thể mất đến 4 tháng do trời mưa xuống.
Các thợ lặn tham gia cứu hộ đội bóng thiếu niên. (Nguồn: Thai NavySEAL/Facebook) |
Tiếp tục hiến kế
Sau nhiều sự hỗ trợ, hôm 6/7, người Thái Lan lại chứng kiến cộng đồng quốc tế tiếp tục hiến kế, hỗ trợ và cả khích lệ.
Ngay sau tin về cuộc giải cứu đội bóng nhí, Tổng thống Mỹ D. Trump đã đăng trên Twitter: “Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ Thái Lan để giúp tất cả cậu bé ra khỏi hang an toàn. Những người tài giỏi, dũng cảm”.
Trước đó, tỷ phú Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX, đã cử một nhóm kỹ sư sang Thái Lan hỗ trợ giải cứu. Theo nội dung trên Twitter, ông Musk muốn sử dụng công nghệ dò tìm không gian để xác định chính xác vị trí của các em, và các công nghệ hỗ trợ năng lượng để thúc đẩy công suất của máy bơm nước. Hôm 7/7, tỷ phú này tiếp tục đưa ra ý tưởng xây dựng “tàu ngầm nhỏ, kích thước vừa với trẻ em, có thân tàu làm từ ống chuyển oxy lỏng của tên lửa Falcon” để giải cứu đội bóng. Tỷ phú Mỹ yêu cầu các kỹ sư SpaceX xây dựng tàu ngầm và sẵn sàng đưa vào hoạt động cuối ngày 7/7. Tuy nhiên, vào thời điểm tàu ngầm mini này hoàn tất, Thái Lan đã bắt đầu hoạt động cứu hộ, vì vậy thiết bị của tỷ phú Mỹ không cần thiết. Nhưng ông Elon Musk vẫn quyết định thúc đẩy việc đưa tàu ngầm mini đến Thái Lan với mong muốn “nó sẽ được sử dụng trong các vụ việc tương lai”.
Tờ The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Australia Julie Bishop phát biểu trên truyền hình: Australia đã gửi 19 thợ lặn sang Thái Lan tham gia đội cứu hộ. Các thợ lặn Australia cũng có mặt trong đợt giải cứu đầu tiên thành công, đưa được 4 cầu thủ ra ngoài an toàn.
Theo Hội đồng Cứu hộ hang động Anh (BCRC), Anh cũng tăng cường thêm 3 chuyên gia lặn trong hang động đến Thái Lan, nâng số thành viên Anh tham gia giải cứu lên 7 thợ lặn và 3 người phụ trách liên lạc trong hang và phụ trách hậu cần chung. BCRC cho biết: “Điều quan trọng là hiểu rõ giá trị của việc các thợ lặn hang động Anh đang tiếp tục phối hợp với các thợ lặn của đặc nhiệm SEAL và kết hợp cùng với các thợ lặn hang động và thợ lặn trong vùng nước lộ thiên từ nhiều quốc gia khác”. Thợ lặn người Anh là người đầu tiên tìm thấy đội bóng. BCRC cho biết đã nhận được yêu cầu “chi viện” thêm chuyên gia lặn hang động từ Chính phủ Thái Lan.
Lực lượng cứu hộ “đẳng cấp quốc tế”
Lo ngại sợ mưa lớn sắp tới, nhà chức trách Thái Lan quyết định dốc toàn lực để giải cứu đội bóng mắc kẹt, trước khi đợt mưa lớn ập xuống. Bất kể việc không biết bơi, biết lặn, sức khỏe rất yếu, 12 cậu bé và huấn luyện viên của các em ngày 4/7 đã bắt đầu học cách sử dụng mặt nạ dưỡng khí trên thiết bị lặn để chuẩn bị ra khỏi hang. Mặc dù nhiều chuyên gia cảnh báo việc lặn trong hang rất nguy hiểm, ngay cả với thợ lặn nhiều kinh nghiệm (một người trong đội thợ lặn đã chết vì thiếu oxy trong quá trình giải cứu hôm 6/7), song CNN dẫn lời ông Ruengrit Changkwanyuen, điều phối viên nhóm cứu hộ quốc tế, cho hay nếu đợt mưa lớn ập tới, việc đưa đội bóng ra khỏi hang sẽ là điều “gần như không thể”.
Tỉnh trưởng Chiang Rai cho biết, có 13 thợ lặn “đẳng cấp quốc tế” phối hợp cùng 5 thợ lặn giỏi nhất của SEAL tham gia chiến dịch đưa 13 thầy trò đội bóng ra khỏi hang. Ngoài 13 chuyên gia trên, đội ngũ chuyên gia và nhân viên hỗ trợ của Thái Lan, Mỹ, Australia, Trung Quốc và châu Âu túc trực tại hang lớn số 3 để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Đúng kế hoạch, trang thiết bị được dùng cho thợ lặn gồm có bình dưỡng khí, mặt nạ dưỡng khí. Mỗi cầu thủ sẽ được hai thợ lặn kèm cặp ở giữa. Các thợ lặn có nhiệm vụ hướng dẫn các em đi theo dây thừng dọc hang. Khi đến đoạn hang hẹp (chỉ một người có thể chui qua), thợ lặn sẽ tháo bình dưỡng khí sau lưng ra, từ từ kéo qua khe hẹp và hướng dẫn cầu thủ lách qua. Sau khi bơi lặn đến hốc thứ 3 - nơi đặt trạm tiếp tế trung gian cách cửa hang khoảng 2km - các cầu thủ sẽ được chuyển ra ngoài bằng cáng vì từ đây nước đã rút đáng kể.
Theo The Guardian, chiến dịch giải cứu đội bóng bắt đầu từ 10h sáng 8/7 với sự tham gia của 18 thợ lặn. Giới chức Thái Lan cho biết, hoạt động giải cứu không cần quá nhiều nhân lực nhưng phải là các thợ lặn có kỹ năng và ngoài ra các cầu thủ cũng cần một chút kỹ năng bơi lặn và quan trọng là một tinh thần vững vàng. Kết quả sau 3 ngày nỗ lực hết mình, đến chiều tối 10/7, toàn bộ 13 người mắc kẹt trong hang đã được giải cứu thành công.
Nói với báo The Guardian, Tỉnh trưởng Chiang Rai thừa nhận ông không dám đưa ra một khung thời gian cụ thể trước cuộc giải cứu dù mọi kịch bản đã được lường tới. Ông cũng đánh giá cao lực lượng cứu hộ vì họ đã vận dụng những kiến thức chuyên sâu về hang động để tìm kiếm đội bóng bị mắc kẹt tại một trong những hang động dài nhất của Thái Lan. Theo ông, chiến dịch giải cứu này có thể được xem là nhiệm vụ bất khả thi vì không có bản đồ chi tiết của hang và các lối đi đều ngập nặng.
Manchester United mời đội "Lợn Rừng" thăm sân Old Trafford "Quỷ đỏ" thành Manchester của Anh đã mời đội bóng đá thiếu niên "Lợn Rừng" của Thái Lan tới thăm sân vận động Old Trafford ... |
Chính phủ Việt Nam chúc mừng Thái Lan giải cứu thành công đội bóng thiếu niên Chiều tối ngày 10/7, được tin tất cả thành viên đội bóng đã được giải cứu an toàn ra khỏi hang động Tham Luang, Phó ... |
Các cầu thủ nhí Thái Lan có nguy cơ mắc bệnh hiếm sau khi rời hang Các cầu thủ đội bóng thiếu niên Thái Lan đang lần lượt được đưa ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế ... |