📞

Cứu người tị nạn là cứu châu Âu

16:11 | 14/09/2016
Cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nghiêm trọng hơn là đe dọa làm tan rã liên minh hùng mạnh này.

George Soros là tỷ phú người Mỹ, Chủ tịch Quỹ Tài chính Soros. Ngày 12/9 vừa qua, ông đã đưa ra những ý kiến đang suy ngẫm về vấn đề người tị nạn trong một bài viết đăng trên mạng Project Syndicate. TG&VN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc (*).

Phản ứng đơn lẻ

Làn sóng người tị nạn tràn vào châu Âu đã làm dấy lên tâm lý bài ngoại, đồng thời tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các đảng phái dân tộc chủ nghĩa - vốn được giới phân tích dự đoán sẽ giành chiến thắng trong đợt bầu cử sắp tới tại Pháp, Hà Lan, Đức…

Thay vì đoàn kết để chống lại những nguy cơ chung, các nước thành viên EU ngày càng không muốn hợp tác với các đối tác trong liên minh. Họ theo đuổi chính sách phục vụ lợi ích quốc gia của riêng mình, đặc biệt là áp dụng biện pháp hạn chế người nhập cư mà không quan tâm đến các nước láng giềng, chẳng hạn thiết lập hàng rào tại biên giới. Hành động đó đang làm chia cắt châu Âu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tự do đi lại giữa các nước thành viên cũng như phá vỡ những tiêu chuẩn nhân quyền của thế giới.

Hungary đã thiết lập hàng rào ở biên giới để ngăn người tị nạn. (Nguồn: IBTimes)

Một số phản ứng đơn lẻ của EU đối với tình trạng nhập cư, chẳng hạn như thỏa thuận hạn chế người tị nạn đi qua ngả Đông Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang bộc lộ nhiều kẽ hở. Trước tiên, đây không phải là một thỏa thuận giữa Ankara và toàn thể EU, mà được đề xuất và thúc đẩy bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bên cạnh đó, châu Âu cũng không đủ ngân sách để triển khai hiệu quả thỏa thuận này, đồng thời có thể khiến Hy Lạp - vốn đang gặp nhiều khó khăn kinh tế và cơ sở hạ tầng - thành điểm trung chuyển người tị nạn.

George Soros là tác giả của nhiều cuốn sách về tài chính như “Mô hình mới của các thị trường tài chính: Cuộc khủng hoảng năm 2008 và ý nghĩa của nó”, “Bi kịch của Liên minh châu Âu”…

Điều quan trọng nhất là phản ứng của các nước EU không mang tính tự nguyện hay chủ động. Liên minh đang cố gắng áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cho từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, nhiều chính phủ đã kịch liệt phản đối chính sách này, công khai từ chối nhận người tị nạn, thậm chí trả những người này về lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, châu Âu cần một chính sách nhập cư và tị nạn toàn diện, thống nhất. Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ diễn ra một lần, mà sẽ còn tiếp diễn trong tương lai bởi nhiều lý do, chẳng hạn như suy giảm nhân khẩu ở châu Âu trong khi dân số lại đang tăng quá nhanh ở châu Phi, hay những xung đột vũ trang và chính trị không hồi kết ở Trung Đông - Bắc Phi.

Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp rắc rối ngay từ khi mới bắt đầu. Một quy định then chốt trong thỏa thuận - người nhập cư vào châu Âu có thể bị trả ngược về Thổ Nhĩ Kỳ - đã cho thấy kẽ hở pháp lý nghiêm trọng. Bởi lẽ, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “quốc gia an toàn” cho người tị nạn Syria, đặc biệt là từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua.

Vấn đề bức thiết

Vậy chiến lược giải quyết toàn diện cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu cần những yếu tố gì? Đầu tiên, EU cần trực tiếp đón nhận người tị nạn từ các nước thành viên “tuyến đầu” (như Hungary, Hy Lạp…) theo cách an toàn và trật tự. Điều này sẽ khiến dư luận đồng tình hơn là việc tiếp nhận ồ ạt, vô trật tự như hiện tại. EU cũng cần kiểm soát tốt các tuyến biên giới của mình. Hình ảnh những dòng người tị nạn “rồng rắn” nối đuôi nhau tràn vào các nước Đông – Nam Âu, hay những người dân Bắc Phi lênh đênh trên các con thuyền ọp ẹp, đã khiến dư luận bức xúc, thậm chí phẫn nộ.

Những người châu Âu vượt biển đến châu Âu trên những con tàu tồi tàn, cũ nát. (Nguồn: AFP)

Bên cạnh đó, EU nên nhanh chóng xây dựng cơ chế phù hợp để giúp người tị nạn tái định cư. Tuy nhiên, liên minh không nên ép buộc các quốc gia phải tiếp nhận quá nhiều người tị nạn, bởi điều này có thể khiến các nước thành viên liên minh bất mãn với chính sách chung của khối. Thay vào đó, EU có thể tham khảo mô hình của Canada trong việc dung hòa lợi ích giữa người nhập cư và những nước tiếp nhận họ.

Trên thực tế, việc tiếp nhận người tị nạn có thể mang đến những tác động tích cực đối với nền kinh tế EU. Trong bối cảnh dân số châu Âu đang có xu hướng già đi, lực lượng lao động nhập cư có thể đóng góp vào sáng tạo khoa học – công nghệ cũng như phát triển kinh tế quốc dân.

Bên cạnh việc xử lý những thách thức nội khối, châu Âu cần chú trọng hơn chính sách đối với Trung Đông và châu Phi – nơi khởi nguồn của cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay. Thay vì sử dụng các quỹ phát triển để phục vụ lợi ích của mình, EU có thể đưa ra những sáng kiến thực chất hơn nhằm giúp đỡ các nước kém phát triển ở Trung Đông, châu Phi. Các biện pháp mà EU nên tính tới là tạo công ăn việc làm cho người dân ở các khu vực này, qua đó góp phần hạn chế tình trạng nhập cư ồ ạt vào châu Âu.

Cuối cùng, EU cần tìm kiếm thêm những nguồn lực tài chính cho chính sách nhập cư của mình. Ước tính, châu Âu cần khoảng 30 tỷ USD/năm để giải quyết khủng hoảng tị nạn, đặc biệt là ứng phó với những thách thức nguy cấp trước mắt.

Có thể nói, trong tình hình hiện nay, những đề xuất nói trên là cần thiết để EU xoa dịu dư luận, hạn chế sự hỗn loạn nhập cư, xây dựng quan hệ cùng có lợi với các nước Trung Đông - Bắc Phi cũng như tuân thủ nghiêm túc các cam kết nhân đạo quốc tế.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn là một trong nhiều khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt, song nó thực sự là vấn đề rất bức thiết. Việc giải quyết tốt khủng hoảng tị nạn sẽ giúp tạo điều kiện xử lý các vấn đề khó khăn khác như khủng hoảng nợ công Hy Lạp, Brexit, hay những đe dọa từ Nga... Có thể nói, cơ hội của EU là khá mong manh, nhưng liên minh vẫn có thể đạt thành công nếu có một chiến lược đúng đắn.

(*)  Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

(dịch)