Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều thứ 18 trên toàn cầu. Trong ảnh: Nhân viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ Indonesia phun thuốc khử trùng ngăn chặn Covid-19 tại Làng vận động viên Kemayoran, Jakarta, ngày 21/3/2020. (Nguồn:Reuters) |
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Kể từ khi trở thành chủ đề lan tràn trên các trang báo ở Vũ Hán (Trung Quốc), virus SARS-CoV-2 đã lây lan tới hơn 118 triệu người, lấy đi sinh mạng của 2,6 triệu người trên toàn thế giới.
Ngoài ra, các đợt phong tỏa vì đại dịch đã tàn phá các nền kinh tế và làm lung lay trật tự chính trị lâu đời - hoặc củng cố trật tự này ở các quốc gia có tình hình tương đối tốt. Nhiều nhà phân tích cho rằng đại dịch này là bước ngoặt trong lịch sử thế giới, tác động tới mọi lĩnh vực từ biến đổi khí hậu đến cán cân quyền lực toàn cầu.
Kết quả tích cực
So với nhiều nơi khác trên thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đã vượt qua năm đại dịch một cách khá thành công và có phần bất ngờ. Chỉ có 4 trong số 11 quốc gia trong khu vực - Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar - ghi nhận trên 100.000 trường hợp mắc Covid-19 tính đến ngày 11/3, ngày đánh dấu một năm diễn ra đại dịch, và chỉ có 5 quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm 100 nước có nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới.
Ngay cả Philippines và Indonesia, vốn chứng kiến những đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong khu vực, cũng không nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.
Indonesia ghi nhận số ca mắc nhiều thứ 18 trên toàn cầu và Philippines hiện đứng ở vị trí thứ 30, nhưng cả hai đều không nằm trong nhóm 100 nước có số ca nhiễm bình quân đầu người cao nhất.
Tin liên quan |
Hành trình hơn 1 năm Việt Nam thần tốc thắng 'giặc Covid-19' và 3 lần vượt bão thành công |
Đồng thời, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Campuchia, Lào, Brunei và Timor Leste chỉ lên tới hàng trăm, còn thành công của Việt Nam trong việc nhanh chóng kiểm soát Covid-19 đã giúp nước này nhận được những lời khen ngợi của quốc tế và có được nguồn dự trữ sức mạnh mềm vô giá.
Lý do dẫn tới kết quả tương đối tích cực của các quốc gia Đông Nam Á, dù cơ sở hạ tầng y tế ở nhiều nơi trong khu vực còn rất yếu kém, vẫn là một điều bí ẩn. Một số giả thuyết được đưa ra, chẳng hạn như khí hậu nhiệt đới của khu vực và các quy tắc xã hội phổ biến (đeo khẩu trang, không bắt tay…) đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Một nhân tố khoa học chưa được biết đến cũng có thể đã hỗ trợ một số quốc gia Đông Nam Á. Sự chuẩn bị sẵn sàng và phong tỏa kịp thời chắc chắn cũng đóng một vai trò nào đó, và may mắn cũng vậy.
Suy thoái kinh tế
Tuy nhiên, Covid-19 đã tác động mạnh đến Đông Nam Á theo nhiều cách trong năm qua. Đại dịch đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Tất cả các nền kinh tế trong khu vực, trừ Việt Nam, đều suy giảm trong năm đại dịch, dẫn đầu là Philippines với mức sụt giảm khổng lồ 9,5%, cùng với đó là Thái Lan, vốn phụ thuộc vào du lịch, với mức giảm 6,1%. Ở nhiều quốc gia, suy thoái kinh tế do đại dịch quả thực có thể còn lớn hơn những tổn thất về sức khỏe cộng đồng.
Các số liệu thống kê không thể hiện được đầy đủ những khó khăn của người dân do Covid-19 gây ra. Tháng 9/2020, Ngân hàng thế giới dự đoán rằng số người nghèo ở châu Á sẽ tăng lần đầu tiên sau 20 năm, và sự kết hợp giữa bệnh tật, mất an ninh lương thực, mất việc làm và đóng cửa trường học có thể làm xói mòn nguồn nhân lực và gây ra tổn thất lâu dài về thu nhập.
Ở hầu hết các quốc gia, tác động nặng nề nhất rơi vào các nhóm người yếu thế như phụ nữ, lao động nhập cư và những người thuộc khu vực kinh tế phi chính thức.
Mặc dù các nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng dương trở lại trong năm nay, nhưng quy mô và tốc độ phục hồi phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng của chính phủ các nước. 11 quốc gia hiện đều đã bắt đầu phân phối vaccine. Hầu hết các nước đều ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi.
Ngoài ra, những người đứng đầu chính phủ cũng được tiêm chủng sớm, thường phát sóng truyền hình trực tiếp, để khuyến khích công chúng tiếp nhận các loại vaccine mới. Tuy nhiên, việc triển khai vaccine đang gặp phải nhiều trở ngại, từ thách thức trong việc mua đủ liều lượng đến những khó khăn về hậu cần và chi phí phân phối vaccine tới những nơi xa xôi nhất trong khu vực.
Thành quả mong manh
Các kế hoạch được công bố gần đây về khả năng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cấp giấy chứng nhận vaccine sẽ là một bước đi quan trọng trong quá trình phục hồi của khu vực, nhưng trước khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, những thành tích hiện tại sẽ vẫn mong manh và có thể bất ngờ bị đảo ngược.
Myanmar đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của dịch bệnh vào cuối năm 2020 sau nhiều tháng số ca nhiễm duy trì ở mức thấp, và tình hình tại đây đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị của quốc gia này đang trở nên tồi tệ. Trong khi đó, Campuchia cũng đang phải chống chọi với đợt bùng phát nghiêm trọng đầu tiên.
Ngay cả khi công tác tiêm chủng đã hoàn tất, thì rất có thể đại dịch đã tạo ra các động lực chính trị và kinh tế có khả năng sẽ tiếp diễn trong suốt thập kỷ tới.
Một trong số những kết quả đó là sự trỗi dậy của Việt Nam đã được đẩy nhanh, sự vượt trội về chiến lược của nước này trong khu vực cũng được nâng cao. Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN, và trong năm đại dịch, Việt Nam đã vượt qua Philippines về GDP bình quân đầu người, và vị trí của Indonesia hiện nằm trong tầm ngắm của Việt Nam.
Điều này đã thúc đẩy ban lãnh đạo Việt Nam đảm nhận vai trò tích cực hơn trên trường khu vực và toàn cầu.
Covid-19 cũng nhấn mạnh thực tế tàn khốc về sự gần gũi địa lý và sự ràng buộc kinh tế của Đông Nam Á với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của khu vực nhằm vượt qua đại dịch.
Tác động trong nước ở nhiều quốc gia sẽ rất sâu sắc, nhưng khó có thể dự đoán cụ thể. Về kinh tế, đại dịch đã làm gia tăng mức độ tập trung của thu nhập và sức mạnh kinh tế.