Một ví dụ nổi bật là giải Nobel Vật lý năm 1938 được trao cho nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm Italy Enrico Fermi - người đã thực hiện thành công phản ứng phân hạch hạt nhân vào năm 1934, là khởi nguồn ra đời lò phản ứng hạt nhân. “Kiến trúc sư của thời đại nguyên tử” Enrico Fermi là một trong những người tham gia vào Dự án Manhattan tạo ra những quả bom nguyên tử đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, chủ yếu do Mỹ thực hiện với sự hỗ trợ của Anh và Canada.
Đám mây hình nấm khổng lồ trên bầu trời Hiroshima sau khi quân đội Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này. (Nguồn: Youtube) |
Theo tạp chí Time, Ủy ban Nobel đã vinh danh hơn 30 nghiên cứu góp phần tạo ra và phát triển vũ khí hạt nhân kể từ năm 1903. Nhưng khi khoa học và những thứ liên quan đến vũ khí hạt nhân bắt đầu được con người hiểu rõ hơn, nỗ lực để điều chỉnh việc sử dụng chúng tăng lên, ngay cả việc xét duyệt giải Nobel. Năm 1946, một năm sau khi vũ khí hạt nhân được sử dụng lần đầu tiên, các nhà khoa học hạt nhân vắng mặt trong danh sách được tôn vinh năm đó. Cũng từ đây, Nobel Hòa bình bắt đầu được trao cho các nhà hoạt động ủng hộ giải trừ quân bị và hủy bỏ vũ khí hạt nhân.
Một trong những người sớm nhận giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực như vậy là Nghị sĩ Anh Philip Noel Baker (năm 1959). Chính Philip Baker đã truyền cảm hứng cho tiến sĩ y học người Mỹ Bernard Lown thành lập Hiệp hội Y sĩ quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân (IPPNW) vào tháng 12/1980. Tổ chức này cũng đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1985.
Trong danh sách chủ nhân của Nobel Hòa bình cũng có mặt các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà ngoại giao. Thủ tướng Nhật Bản Eisaku Sato được nhận Giải thưởng này vào năm 1974 vì đã đề xuất ba nguyên tắc phi hạt nhân mà theo đó, Tokyo không sở hữu hay sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng được trao giải thưởng danh giá này vào năm 1990, một phần vì vai trò quan trọng của ông trong việc ký kết Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 12/1987 giữa Liên Xô và Mỹ. Năm 2005, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổng giám đốc Mohamed ElBaradei đã nhận giải Nobel Hòa bình cho những đóng góp trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường an toàn sử dụng năng lượng nguyên tử.
Tổ chức ICAN nhận giải Nobel Hòa bình 2017. (Nguồn: Reuters) |
Thời đại nguyên tử ra đời
Tháng 10/1939, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ ở châu Âu, một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại - nhà vật lý Albert Einstein và đồng nghiệp người Hungary Leo Szilard đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, cảnh báo Đức Quốc xã có thể sẽ chế tạo được loại bom có sức mạnh chưa từng thấy. Nếu điều đó xảy ra, Hitler sẽ sở hữu loại vũ khí khủng khiếp giúp ông ta thống trị thế giới.
Để tránh cơn ác mộng này, Einstein và Szilard đề nghị chính quyền Mỹ xem xét chế tạo “loại bom mới có sức công phá cực mạnh” trước khi phát xít Đức nghiên cứu thành công. Hơn bốn năm sau, Chính phủ Mỹ khởi động Dự án Manhattan. Cuối cùng, ngày 16/7/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm ở sa mạc Alamogordo thuộc bang New Mexico. Theo Time, sức mạnh của quả bom làm kinh ngạc ngay cả những người đã tạo ra nó.
Vào thời điểm thử nghiệm ở Alamogordo, phát xít Đức đã đầu hàng quân đồng minh. Điều này có nghĩa là mối đe dọa tiềm ẩn của quả bom nguyên tử do Đức Quốc xã dự kiến chế tạo không còn nữa. Nhưng cuộc chiến ở Thái Bình Dương vẫn dữ dội và Tổng thống Mỹ lúc này là Harry S. Truman đã quyết định sử dụng bom nguyên tử để buộc phát xít Nhật phải đầu hàng càng nhanh càng tốt. Do đó, ngày 6/8/1945, quân đội Mỹ đã thả bom “Little Boy” có sức công phá tương đương 12,5 kiloton chất nổ TNT xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Vụ nổ ngay lập tức cướp đi sinh mạng của 70.000 người. Ba ngày sau, quân đội Mỹ thả quả bom thứ hai “Fat Man” có sức công phá lên tới 22 kiloton TNT xuống thành phố Nagasaki. 5 năm sau thảm họa Hiroshima và Nagasaki, khoảng 340.000 người, tức 54% dân số ban đầu của hai thành phố, đã bỏ mạng vì những ảnh hưởng nghiêm trọng từ hai vụ nổ.
Việt Nam đã tham gia NPT vào tháng 6/1981 và là một trong số những nước đầu tiên ký kết CTBT. Tháng 9 vừa qua, Việt Nam cũng đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Việc sớm ký Hiệp ước này thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hoà bình và ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới. |
Câu lạc bộ hạt nhân mở rộng
Sau khi phát xít Nhật đầu hàng vào ngày 15/8/1945, nhiều người kêu gọi ban hành lệnh cấm vũ khí hạt nhân để tránh một cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ thảm họa tương tự như ở Hiroshima và Nagasaki xảy ra trong tương lai. Thời điểm này, cả Mỹ và Liên Xô đều tuyên bố ủng hộ việc kiểm soát bom nguyên tử. Tuy nhiên, các cường quốc trên thực tế chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Tháng 8/1949, Liên Xô thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên của nước này, làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực hậu Thế chiến Hai và phá vỡ thế độc quyền của Mỹ về vũ khí hạt nhân.
Đầu năm 1950, Tổng thống Mỹ Truman quyết định khởi động chương trình phát triển một loại vũ khí tiên tiến, được gọi là bom nhiệt hạch, bom hydro hay bom H. Năm 1954, cả Washington và Moscow đã thử thành công thế hệ bom H đầu tiên của họ. Các thử nghiệm chứng minh bom H tạo ra vụ nổ mạnh gấp 1.000 lần so với những quả bom nguyên tử được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Vụ nổ mạnh nhất xảy ra tại Novaya Zemlya vào ngày 30/10/1961, khi Liên Xô thử nghiệm siêu bom “Tsar Bomba” có sức công phá tương đương 50 megaton TNT. Sau Mỹ và Liên Xô, từ năm 1960-1964, Pháp, Anh, Trung Quốc là những quốc gia tiếp theo gia nhập Câu lạc bộ hạt nhân. Hiện nay, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, thế giới có khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân.
Nỗ lực ngăn chặn
Đầu những năm 1960, nhiều chuyên gia quân sự và các nhà lãnh đạo chính trị lo ngại vũ khí hạt nhân sẽ trở nên phổ biến hơn và trong vòng một thập kỷ, có thể sẽ xuất hiện thêm hàng chục quốc gia vượt qua ngưỡng cửa sở hữu vũ khí này. Trong bối cảnh ấy, Mỹ và Liên Xô đã dẫn đầu các cuộc đàm phán quốc tế nhằm ngăn chặn sự lan rộng của vũ khí hạt nhân, nhưng không cấm sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Kết quả là, Hiệp ước cấm thử hạt nhân một phần (PTBT) ra đời năm 1963, cho phép ngăn chặn các vụ nổ thử hạt nhân ngoài không gian, trong khí quyển và môi trường nước. PTBT được ca ngợi là bước quan trọng đầu tiên hướng tới kiểm soát vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Tiếp đó, tháng 7/1968, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký kết. Vào thời điểm này, 21 quốc gia Mỹ Latin và Caribbean đã thành lập khu vực không có vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới với việc ký Hiệp ước Tlatelolco. Ba thập kỷ sau, vào tháng 10/1996, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Và mới đây, ngày 22/9, khoảng 50 nước thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam, đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại cuộc họp của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia Hiệp ước.
Có thể thấy, trong nhiều thập kỷ qua, các chính trị gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội ở khắp năm châu… đã miệt mài đấu tranh vì mục tiêu cao cả: theo đuổi hòa bình và một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Bởi vì "không thể cho phép những thứ vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho thế giới cũng như các thế hệ tương lai" như lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Cùng với quyết tâm ấy, người ta dự đoán chừng nào mà những rủi ro của việc phổ biến vũ khí hạt nhân còn tồn tại, những cá nhân và tổ chức hoạt động tích cực để bảo đảm hòa bình ở thời đại nguyên tử sẽ tiếp tục được Ủy ban Nobel Na Uy vinh danh.