Saudi Arabia, dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammad Bin Salman, đang ở trong một giai đoạn khó khăn. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với đài CBS News (Mỹ) ngày 29/9 nhân dịp tham dự kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, ông đã chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm tại Saudi Arabia. Lần đầu tiên, Thái tử Mohammed Bin Salman đã nhận “hoàn toàn trách nhiệm” về vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ do những cá nhân trong Chính phủ của ông tiến hành.
Thông tin này đáng chú ý bởi, kể từ khi nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại vào ngày 2/10/2018, Riyadh luôn phủ nhận trách nhiệm liên quan và giận dữ với cáo buộc nhắm vào Thái tử Mohammed Bin Salman.
Vậy điều gì đã khiến Saudi Arabia “hồi tâm chuyển ý”?
Tình thế chật vật
Bối cảnh hiện tại của Riyadh đóng vai trò quan trọng trong giải thích sự thay đổi này.
Thứ nhất, vụ sát hại ông Khashoggi đã khiến Saudi Arabia phải hứng chịu chỉ trích của thế giới. Tại các sự kiện quốc tế, từ G20 Osaka và kỳ họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thái tử Mohammad Bin Salman thường xuyên phải đối mặt với thái độ lạnh nhạt của lãnh đạo các nước cùng hàng loạt câu hỏi về vụ việc. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới danh tiếng Saudi Arabia nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và Công ty Dầu khí Nhà nước Saudi Arabia (Aramco) cần thu hút sự chú ý cho đợt IPO sắp tới.
Thứ hai, động thái của Thái tử Mohammad Bin Salman diễn ra sau hai sự kiện lớn tại vương quốc dầu mỏ. Ngày 14/9, hai nhà máy lọc dầu tại Abqaiq và Khurais của Aramco đã bị máy bay không người lái tấn công. Phiến quân Houthi tại Yemen đã nhận trách nhiệm về vụ việc, song phía Mỹ cho rằng Iran mới là kẻ chủ mưu. Quan trọng hơn, sản xuất tại hai cơ sở lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia bị gián đoạn, khiến giá dầu tăng mức kỷ lục.
Hai tuần sau đó, ngày 29/9, phiến quân Houthi khẳng định đã gây tổn thất nặng nề cho Quân đội Saudi Arabia khi cho biết tiêu diệt 500 binh sỹ, bắt giữ 2.000 người và chiếm giữ một đoàn xe quân sự chỉ trong một chiến dịch kéo dài 72 giờ. Tuy nhiên, Người phát ngôn Liên quân Saudi Arabia – UAE tại Yemen Turki al-Malki đã phủ nhận và cho đây chỉ là một chiêu trò truyền thông.
Hoài nghi và bất ổn
Những diễn biến này cho thấy thực tế phũ phàng mà Chính phủ của Thái tử Mohammed Bin Salman lãnh đạo đang phải đối mặt.
Đầu tiên, bất chấp các hợp đồng mua sắm vũ khí, trang thiết bị quốc phòng hiện đại từ Washington trị giá nhiều tỷ USD cùng hỗ trợ của các chuyên gia quân sự Lầu Năm Góc, khả năng phòng vệ và tấn công của Quân đội Saudi Arabia đang bị đặt dấu hỏi lớn. Lực lượng này cùng hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ đã bị các máy bay không người lái của phiến quân Houthi qua mặt và gây thiệt hại nặng nề tới hai cơ sở lọc dầu lớn của Aramco, xương sống của nền kinh tế Saudi Arabia. Thêm vào đó, những đoạn băng cho thấy phiến quân Houthi phá hủy khí tài thu thập được của Riyadh là bằng chứng thuyết phục hơn so với phản biện từ phía Liên quân. An ninh quốc gia của Saudi Arabia giờ đây đang bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu đã tác động tới tương quan lực lượng giữa Saudi Arabia, dù chưa nhiều. Dù hoạt động lọc dầu của hai nhà máy Aramco đã được nối lại ngày 1/10, giá dầu sẽ mất một thời gian để bình ổn và trở lại mức trước vụ tấn công. Iran có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng nguồn thu ngoại tệ, giảm áp lực từ cấm vận kinh tế của Mỹ, đẩy mạnh chương trình hạt nhân và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, từ Syria tới Yemen.
Giải tỏa áp lực
Trong bối cảnh đó, Saudi Arabia cần phá thế cô lập và tìm kiếm trợ giúp đối phó các thách thức này. Đến nay, chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ và duy trì quan hệ với Thái tử Mohammed Bin Salman. Tuy nhiên, ông đã nhiều lần bị Quốc hội cản trở, đặc biệt là với Nghị quyết chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ với Liên quân Saudi Arabia – UAE tại Yemen tháng 12/2018. Nga và Trung Quốc duy trì thái độ thân thiện với Saudi Arabia, song không có nhiều tiến triển trong hợp tác quốc phòng hay quân sự. Anh, Pháp, Đức… đã nhiều lần kêu gọi Thái tử Mohammed Bin Salman giải thích về vai trò của Saudi Arabia trong cái chết của ông Khashoggi.
Do đó, nhận trách nhiệm về sự liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi là cách Thái tử Mohammed Bin Salman giải tỏa áp lực của cộng đồng quốc tế đối với Chính phủ Saudi Arabia nói chung và các doanh nghiệp nước này nói riêng. Quan trọng hơn, động thái sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump “dễ thở” hơn trong việc thuyết phục Quốc hội tiếp tục cho phép bán vũ khí cho Saudi Arabia, nhằm bảo vệ đồng minh truyền thống và lợi ích chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, ngăn chặn Iran mở rộng tầm ảnh hưởng.
Việc Thái tử Saudi Arabia chỉ nhận trách nhiệm cho các cá nhân trong Chính phủ liên quan với vụ ám sát và phủ nhận mọi cáo buộc chỉ đạo trực tiếp là có thể hiểu được. Sự dính líu của Saudi Arabia tới cái chết của ông Jamal Khashoggi là rõ ràng, song vai trò của ông Mohammed Bin Salman thì không. Thêm vào đó, Thái tử Saudi Arabia là hiện thân của Chính phủ thay cho Quốc vương và ông chắc chắn sẽ không gây tổn hại tới hình ảnh và uy tín của hoàng tộc và đất nước.
Hành động táo bạo của ông Mohammed Bin Salman khi ấy hướng tới phá thế cô lập, cải thiện hình ảnh và vị thế quốc gia, tìm kiếm sự trợ giúp đối mặt với thách thức đến từ Iran. Tuy nhiên, hiệu quả của thay đổi chính sách này ra sao, liệu nó có thể giúp Thái tử Saudi Arabia củng cố quyền lực, thực hiện chiến lược kinh tế “Tầm nhìn 2030” hay không, vẫn là câu hỏi chưa lời giải.