📞

Đằng sau tài liệu rò rỉ của facebook

09:00 | 11/06/2017
Mạng xã hội Facebook đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc thiếu kiểm soát thông tin người sử dụng đưa lên tài khoản.

Theo tờ Business Insider, trung bình mỗi người trên thế giới dành khoảng 50 phút mỗi ngày lướt Facebook, xem tin tức, trò chuyện qua Facebook Messenger, hay “like” ảnh. Năm 2015, theo đánh giá của công ty tư vấn Needham, thời lượng này mới chỉ là hơn 20 phút mỗi ngày. Điều này thể hiện tác động khổng lồ và ngày càng tăng của Facebook đối với đời sống con người. Tất nhiên, không thể phủ nhận nhiều mặt tích cực của Facebook khi chúng ta có ít thời gian gặp gỡ bạn bè, gia đình, và chia sẻ với cộng đồng; và Facebook cũng cho phép chúng ta tận dụng từng phút rảnh rỗi để tương tác với xã hội. 

Đối với nhiều người, Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. (Nguồn: Reuters)

Tràn lan tin độc

Nhiều ý kiến cho rằng Facebook là một trong những nguồn tung ra các tin tức giả mạo (fake news) lớn nhất. Những lời đe dọa, chửi bới xúc phạm, và kinh khủng hơn là hình ảnh bạo lực cũng không thiếu trên mạng xã hội này và ở một vài mạng xã hội khác.

Mới đây, người dùng Facebook kinh hoàng chứng kiến một người đàn ông ở Thái Lan truyền trực tiếp trên Facebook cảnh giết con gái nhỏ tuổi rồi tự tử. Vài ngày sau, cảnh giết một ông già 75 tuổi ở Cleverland (Mỹ) cũng được truyền trực tiếp trên mạng bởi chính thủ phạm. Đặc biệt nghiêm trọng là sự xuất hiện các nội dung ủng hộ hay kêu gọi khủng bố trên Facebook. Theo The Guardian (Anh), mỗi tháng, Facebook phát hiện hơn 1.300 nội dung đe dọa khủng bố được đăng tải trên mạng này. Ngoài ra, nhiều người cũng ngạc nhiên khi biết rằng chỉ gần đây,  Facebook mới ra lệnh cấm người dùng đăng các hình ảnh chế giễu người bị bệnh và người tàn tật. Đặc biệt, cả những vấn đề nhạy cảm như phủ nhận Holocaust (nạn thảm sát người Do Thái) cũng xuất hiện không hiếm trên Facebook.

Khoảng cách từ mong muốn đến thực tế

Tháng Hai vừa qua, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã có bài phát biểu liên quan đến hoài bão toàn cầu của Facebook, trong đó nhấn mạnh mục đích “mang chúng ta sát lại gần nhau và cùng xây dựng cộng đồng toàn cầu”. Thoạt nhìn, tuyên bố này khá lý tưởng và hướng tới một xã hội bền vững. Tài liệu nội bộ của Facebook bị rò rỉ ra ngoài, đăng trên The Guardian gần đây, cho thấy chính sách không can thiệp quá mức của Facebook vào nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Theo đó, Facebook nhấn mạnh công ty muốn “xây dựng một môi trường nơi mọi người có thể bàn luận tự do và thể hiện quan điểm riêng, trong khi cũng cần tôn trọng quyền của người khác”. Tuy nhiên, Facebook cũng công nhận: “đôi khi, các cuộc thảo luận hay thông tin đưa lên gồm cả những vấn đề gây nhiều tranh cãi".

Bức ảnh chụp Anas Modamani (phải), người tị nạn Syria tại Đức, đang selfie với Thủ tướng Angela Merkel khi bà đến thăm nơi ở dành cho người tị nạn tại Berlin, ngày 10/9/2015, đã khiến anh khốn khổ vì loạt tin xuyên tạc trên mạng xã hội cho rằng Modamani là khủng bố.

Hơn nữa, khi ta xem chi tiết nội dung tài liệu bị rò rỉ này, khá nhiều điều dường như đi ngược lại lý tưởng xây dựng xã hội bền vững. Ví dụ, đối với nội dung có tính phủ nhận Holocaust, Facebook chỉ yêu cầu các nhà quản trị xóa nội dung này tại bốn nước (Pháp, Đức, Israel và Áo), trong khi hiện có 14 nước trên thế giới coi phủ nhận Holocaust là vi phạm pháp luật. Đối với nội dung có tính chế giễu, sỉ nhục người nhập cư, người tị nạn hay đạo Hồi, Facebook thực hiện chế độ “bảo vệ một phần”, vì không muốn cấm đề cập đến vấn đề này trên mạng xã hội, đặc biệt là vào dịp bầu cử ở các nước phương Tây. Chế độ “bảo vệ một phần” cũng được áp dụng với mọi tài khoản có hơn 100 nghìn người theo dõi (followers). Điều đó có nghĩa người nổi tiếng sẽ phải chịu nhiều bình luận, kể cả sỉ nhục, lăng mạ, hơn người bình thường, và họ không được hưởng mức bảo vệ cao hơn của Facebook.

Cũng theo tài liệu rò rỉ, những ngôn ngữ kích động bạo lực có thể được cho phép trên Facebook, nếu như nhà quản trị đánh giá chúng mang tính đe dọa chung chung, hoặc “không có cơ sở”. Riêng đối với các video cho thấy cảnh hành hạ trẻ em, Facebook cho phép đăng với lý do điều đó sẽ giúp cảnh sát điều tra quan tâm và tìm ra thủ phạm. Ngoài ra, tài liệu cũng cho thấy sự bất lực của những người quản trị mạng trong việc kiểm soát các nội dung ủng hộ, kêu gọi khủng bố. Trên thực tế, mỗi quản trị viên chỉ có 10 giây để đánh giá nội dung, trong khi cần nhiều thời gian hơn để ra quyết định xóa hay giữ lại, cũng như cần kiến thức sâu rộng liên quan đến các tổ chức, các tay trùm khủng bố...

Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được các ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội. Nếu các chính phủ không có biện pháp quản lý hiệu quả, mạng xã hội sẽ có thể là tác nhân gây bất ổn.

Lành mạnh hóa thông tin

Sau khi The Guardian tiết lộ tài liệu nội bộ của Facebook, nhiều chuyên gia và nhà hoạt động xã hội đã bày tỏ quan ngại đối với chính sách này. Không ít người kêu gọi phạt nặng Facebook vì để những nội dung cực đoan và gây thù ghét lan tràn trên mạng. Các chuyên gia cũng cho rằng không nên để những hình ảnh hay video hành hạ trẻ em lan truyền trên mạng, vì điều này ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân, và thường khi video bị tiết lộ, cảnh sát đã nắm được thông tin về vụ bạo hành.

Hiện Facebook có khoảng 4.500 quản trị viên, có nghĩa vụ xử lý các nội dung thông tin đăng tải trên mạng này. Gần đây, Facebook tiết lộ sẽ tuyển thêm 3.000 quản trị viên. Tuy nhiên, con số này vẫn là nhỏ so với khối lượng thông tin đăng lên hàng ngày. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng một mặt, “ông trùm” mạng xã hội cần thay đổi chính sách kiểm soát nội dung đăng tải bởi người dùng, mặt khác, cần tăng số lượng quản trị viên để có thể làm tốt việc giữ Facebook như một “cộng đồng toàn cầu” hướng tới phát triển vững bền.

Hiện nay, khuynh hướng chung là các quốc gia dùng luật để buộc Facebook tích cực làm sạch thông tin đăng tải trên chính mạng lưới của mình. Thật nghịch lý khi Facebook – một công ty đa quốc gia – lại có quyền tự do quyết định chính sách về thông tin mà không phải tuân thủ các quy định đặt ra bởi chính phủ các nước. Gần đây, Chính phủ Đức đã thể hiện sự không nhân nhượng khi thông qua một đạo luật cho phép phạt nặng Facebook nếu mạng xã hội này vẫn để các nội dung bất hợp pháp lan tràn. Cũng theo khuynh hướng này, Việt Nam đã phối hợp với Facebook nhằm kiểm soát thông tin xấu. Tháng Tư vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc chính sách nội dung toàn cầu của Facebook Monika Bickert cam kết ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam nhằm xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người dân Việt Nam.

Năm 2004, Facebook ra đời. Cha đẻ Mark Zuckerberg lúc đó là sinh viên ngành Tâm lý học tại đại học Harvard (Mỹ). Chỉ 24 giờ sau khi được khởi động, Facebook đã có 1.200 thành viên là sinh viên Havard. Sau một tháng, có tới nửa số sinh viên tại Mỹ đăng ký tài khoản. Năm 2005, nó trở thành Facebook.com và bắt đầu lan tỏa ra toàn cầu. Từ cuối năm 2006, Facebook đã vượt quá mục tiêu ban đầu là mạng xã hội dành cho sinh viên các trường.
Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội