Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu tại trụ sở OAS về chính sách mới của Washington với khu vực Mỹ Latinh. |
Học thuyết Monroe được Tổng thống James Monroe đưa ra vào ngày 2/12/1823 với mục đích ban đầu là ngăn ngừa các nước châu Âu tái lập thuộc địa hay can thiệp nội bộ vào các vùng còn lại của châu Mỹ, và Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ cho khu vực mang "lợi ích cốt lõi" này. Nhờ Học thuyết Monroe mà Mỹ đã thành công trong việc ngăn ngừa các cường quốc châu Âu tạo ảnh hưởng lên khu vực, đồng thời chiếm được vị trí độc tôn tại Mỹ Latinh và khiến các quốc gia này trở nên phụ thuộc vào Mỹ. Nhưng sau đó, thay vì mang tính chất "bảo vệ" như mục đích ban đầu, Học thuyết Monroe lại đóng vai trò như một phương tiện giúp Mỹ can thiệp vào nội bộ chính trị của các nước Mỹ Latinh.
Sau Chiến tranh Lạnh, tình hình thế giới có nhiều biến động. Đã có một thời gian dài Mỹ đã tỏ ra "lơ là" với Mỹ Latinh và chuyển trọng tâm sang các khu vực khác như Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương... Tuy nhiên, nền chính trị thế giới xuất hiện các yếu tố mới khiến Mỹ buộc phải nhìn nhận lại mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh:
Thứ nhất, về nội bộ khu vực, các quốc gia Mỹ Latinh giờ đây đã có sự đổi khác, ổn định và phát triển hơn, bớt phụ thuộc vào Mỹ. Một số nước như Brazil, Chile đã khẳng định vị thế của mình ra ngoài tầm nhìn khu vực. Bên cạnh đó, vụ bê bối do thám Snowden bùng lên khiến các quốc gia này càng tỏ ra giận dữ với Mỹ hơn bao giờ hết, đặc biệt là Brazil và Venezuela. Ngay đến Columbia, đồng minh quân sự thân thiết của Mỹ tại khu vực và Mexico, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ cũng liên tục gây sức ép buộc Mỹ phải làm sáng tỏ vấn đề.
Thứ hai, trong nền chính trị quốc tế hiện nay thì các cường quốc và quốc gia mới nổi có xu hướng gây tầm ảnh hưởng đa phương và tới nhiều khu vực trên thế giới. Những năm gần đây, các nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ ngày càng hướng sự quan tâm của mình tới khu vực Mỹ Latinh. Đặc biệt từ năm 2009, đối thủ nặng ký của Mỹ là Trung Quốc đã triển khai hợp tác với các nước Mỹ Latinh trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại. Điều này làm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này suy giảm, đe dọa vị thế của cường quốc ngay tại chính "sân sau" của mình.
Xét trong bối cảnh đó, tuyên bố ngày 18/11 của Mỹ có hai mục đích chính: Một là, xoa dịu dư luận khu vực còn đang sôi sục sau vụ việc Snowden, đồng thời cho các quốc gia Mỹ Latinh thấy được thiện chí của Mỹ muốn lấy lại lòng tin của khu vực này; Hai là, qua việc từ bỏ Học thuyết Monroe, Mỹ muốn làm gương để các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga không nên tìm cách xác lập khu vực ảnh hưởng của riêng mình.
Trên thực tế, sự gắn kết và vị trí độc tôn của Mỹ tại Mỹ Latinh quá lớn khiến ngay cả khi Mỹ từ bỏ Học thuyết Monroe, thì chưa chắc khu vực này đã rời bỏ được Mỹ. Sau tuyên bố trên, chính quyền Washington cũng chưa sẵn lòng hoặc có các bước đi, chẳng hạn như bỏ lệnh cấm vận chống Cuba kéo dài hơn nửa thế kỷ qua. Rõ ràng là, tuy từ bỏ Học thuyết Monroe, nhưng thực sự bản chất mối quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ Latinh cũng chưa dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều.
Hoàng Tường Vân