📞

Đằng sau việc Ai Cập "gần gũi" hơn với Syria

20:01 | 12/12/2016
France24 (Pháp) vừa có bài viết với tựa đề “Tổng thống Ai Cập Sisi ngả về Assad” lý giải chính sách đối ngoại "thực dụng" của Ai Cập gần đây.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi vừa có động thái “thách thức các đối tác Ả rập”, nhất là Saudi Arabia, khi chính thức ủng hộ Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và “đưa Ai Cập nghiêng về phía Nga”.

Sau khi đã củng cố quyền lực ở trong nước và thắt chặt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ai Cập Sisi đang tìm cách lấy lại vị trí của nước này trên bàn cờ khu vực. Để thực hiện được mục tiêu đó, ông Sisi buộc phải điều chỉnh chính sách ngoại giao và chấp nhận mất đi sự đoàn kết với các đối tác dòng Sunni về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, trên danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo.

Việc Ai Cập ngả về phía Syria và Nga khiến các quốc gia vùng Vịnh lo ngại. (Nguồn: SPA)

Nước cờ táo bạo của Cairo

Trên thực tế, Tổng thống Sisi đang thách thức các nước vùng Vịnh dòng Sunni vốn luôn bị ám ảnh bởi sự đối lập về chính trị - tôn giáo từ quốc gia dòng Shiite (như Iran) hay Chính quyền của Tổng thống Assad theo đạo Alawite (một nhánh của Shiite). Chính điều này luôn là nguồn gốc của sự bất ổn tại khu vực Trung Đông từ nhiều năm qua. Cuối tháng 11/2016, Tổng thống Ai Cập đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn đối với quân đội của Chính quyền Tổng thống Assad – vốn nhận được sự hậu thuẫn của Nga và Iran, để chống lại các nhóm phiến quân đang nhận được sự ủng hộ của Riyadh và các quốc gia đồng minh vùng Vịnh.

Phát biểu trên kênh truyền hình Bồ Đào Nha RTP, ông Sisi tuyên bố: “Ưu tiên của chúng tôi là ủng hộ quân đội các nước như tại Lybia nhằm tăng cường sự kiểm soát của quân đội trên toàn lãnh thổ của họ và xóa bỏ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Chúng tôi cũng ủng hộ như vậy đối với Syria và Iraq”. Để làm rõ hơn thông điệp của mình, Tổng thống Ai Cập đã khẳng định lập trường của Ai Cập là tôn trọng nguyện vọng của nhân dân Syria và một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria là biện pháp tốt nhất cần phải tiến hành. 

Ngoài ra, kể từ vài tuần nay, nhất là sau khi có chuyến viếng thăm Cairo của Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Syria, Tướng Ali Mamlouk thì các phương tiện thông tin đại chúng Ả rập đã tiết lộ thông tin về sự có mặt của các cố vấn quân sự Ai Cập bên cạnh các lực lượng an ninh của Chính quyền Tổng thống Assad tăng lên rất nhiều. Cụ thể, ngày 7/12, tờ Al-Akhbar (Lebanon) đã tiết lộ “có 200 chuyên gia quân sự và an ninh Ai Cập đã có mặt tại Syria để thực thi hoạt động hợp tác quân sự chống khủng bố”.

Ngày 24/11, tờ As-Safir (Lebanon) cũng cho biết một đơn vị gồm 18 phi công thuộc quân đội Ai Cập đã được triển khai tại một căn cứ quân sự ở khu vực miền Trung của Syria. Thông tin này sau đó đã bị phía Cairo chính thức bác bỏ còn Damascus không lên tiếng.

Tổng thống el-Sisi đang từng bước nâng cao vị thế của Ai Cập tại khu vực. (Nguồn: Nena News)

Những diễn tiến của tình hình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đến mức gay gắt giữa Ai Cập và Saudi Arabia kể từ khi Cairo ủng hộ một nghị quyết của Nga về vấn đề Syria tại Liên hợp quốc vào tháng 10/2016. Một giai đoạn đi xuống đầy nhạy cảm của mối quan hệ đặc biệt giữa hai cường quốc khu vực này cũng được đánh dấu bằng việc tạm ngừng cung cấp các sản phẩm dầu mỏ của Saudi Arabia cho phía Ai Cập.

Gần Nga hay gần Mỹ?

Trên thực tế, nhà cầm quyền Ai Cập được củng cố nhờ vào sự “bơm tiền” của Saudi Arabia kể từ khi quân đội tiến hành lật đổ Tổng thống Morsi vào năm 2013. Tuy nhiên, Cairo đã và đang tìm cách thoát khỏi sự chi phối về kinh tế của Saudi Arabia và xích lại gần với Nga.

Về phần mình, đúng lúc Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông bằng cách tận dụng mối quan hệ ngày càng “nguội lạnh” giữa các cường quốc khu vực với phương Tây, Moscow chính là quốc gia đầu tiên biểu thị sự ủng hộ đối với chính quyền quân sự tại Ai Cập ngay sau cuộc đảo chính năm 2013. Trong khi đó đồng minh Mỹ lại tỏ ra “xa lánh” với chính quyền quân sự này và từng bước bỏ rơi khu vực.

Trong khi chờ đợi sự trợ giúp kinh tế, quá trình xích lại gần nhau giữa Ai Cập và Nga đã được cụ thể hóa từ quan điểm quân sự thông qua các cuộc diễn tập quân sự chung giữa hai bên và cung cấp vũ khí, khí tài quân sự của Moscow cho Cairo. Nga từng bước trở thành chỗ dựa tối quan trọng cho Chính quyền Tổng thống Sisi, vốn đang phải đối mặt với mối đe dọa từ khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Bán đảo Sinai và sự bất ổn kéo dài của quốc gia láng giềng Lybia.

Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi. (Nguồn: AFP)

Bằng chính sách thực dụng, Tổng thống Sisi cũng dự định “lợi dụng cơ hội quốc tế” từ việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ vì ông trùm bất động sản này có đường lối cứng rắn đối với phong trào Hồi giáo cực đoan. Ai Cập có lý do để hy vọng hưởng lợi từ sự chuyển giao chính quyền ở Mỹ bắt đầu vào năm 2017 bởi vì ngay từ khi ông Trump chưa trở thành ứng cứ viên của Đảng Cộng hòa thì ông Sisi đã có cuộc gặp gỡ đặc biệt với ông trùm bất động sản Mỹ này vào ngày 19/9 tại New York.

Trong thông cáo báo chí được phát đi sau cuộc gặp gỡ này, Tổng thống Ai Cập Sisi đã được nhắc tới như là một tấm gương mà Mỹ cần phải coi là “một đồng minh điển hình” trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ngay thời điểm đó, Donald Trump đã đảm bảo rằng nếu ông đắc cử tổng thống Mỹ thì “nước Mỹ sẽ là người bạn trung thành đồng thời cũng là một đồng minh mà Ai Cập có thể tin tưởng được”. Ông Trump cũng đã hứa sẽ đến thăm chính thức Ai Cập và mời ông Sisi thăm Mỹ. Như vậy, rất có khả năng tương lai của Tổng thống Sisi và Ai Cập sẽ được đảm bảo trong quan hệ với Mỹ trong những năm tới.

(lược dịch)