Lần đầu tiên EU-Nhật Bản ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan. (Nguồn: AFP) |
Đây là lần đầu tiên Tuyên bố Thượng đỉnh EU-Nhật Bản đề cập Đài Loan (Trung Quốc), cho thấy mức độ quan tâm của hai bên đối với vấn đề này gia tăng. Động thái cũng phù hợp với xu hướng chú trọng hơn tới an ninh Đài Loan của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao nhóm G7 gồm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Hoa Kỳ và Nhật Bản) ngày 5/5 khẳng định nhóm G7 phản đối mạnh mẽ “các hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng tại Eo biển Đài Loan” và lần đầu ủng hộ Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Mỹ và Nhật cũng lần đầu tiên nhắc đến Đài Loan kể từ năm 1969 trong Tuyên bố Thượng đỉnh ngày 16/4 với những ngôn ngữ tương tự Tuyên bố EU-Nhật.
Ngoài ra, Tuyên bố Mỹ-Hàn Quốc ngày 21/5 cũng lần đầu nhắc đến việc gìn giữ hòa bình tại Eo biển Đài Loan.
Phái đoàn Trung Quốc tại EU đã ngay lập tức phản đối mạnh mẽ Tuyên bố EU-Nhật Bản, khẳng định đây là vấn đề nội bộ, tương tự như phản ứng của Trung Quốc với Tuyên bố G7, Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/5, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Những tuyên bố liên quan (vấn đề Đài Loan) của Nhật Bản và châu Âu đã hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương và gây phương hại cho hòa bình và ổn định quốc tế, cũng như sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, chưa kể đến lợi ích của bên thứ ba".
Trước đây, Trung Quốc từng sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Hàn Quốc và Nhật Bản khi hai nước này “động chạm” đến các vấn đề Trung Quốc coi là nhạy cảm như Senkaku/Điếu Ngư hay Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ngoài ra, vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông cũng được Tuyên bố EU-Nhật 2021 nhấn mạnh hơn so với các năm trước.
Chẳng hạn như trong năm 2018, hai bên chỉ nêu cam kết giải quyết an ninh biển, gồm Biển Đông và biển Hoa Đông. Đến năm 2019, nội dung này cụ thể hơn khi hai bên kêu gọi kiềm chế vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và các hoạt động đơn phương đi ngược lại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật quốc tế (không đề cập các hành động gia tăng căng thẳng).
Năm 2020, hai bên không ra tuyên bố chung nhưng có nhắc đến cam kết tăng cường hợp tác để đóng góp cho việc giải quyết các vấn đề khu vực gồm Biển Đông trong thông cáo báo chí.
Năm nay, hai bên không chỉ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông mà còn “phản đối mạnh mẽ” bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.
Ngoài ra, EU và Nhật cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật quốc tế và UNCLOS, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, duy trì tự do hàng hải và hàng không.
Có thể thấy, trước các động thái mạnh mẽ của Trung Quốc tại vùng tranh chấp như quân sự hóa Biển Đông, tăng cường tuần tra tại Senkaku/Điếu Ngư hay thúc đẩy “chiến lược vùng xám” (gần đây nhất là thông qua sử dụng tàu dân binh tại Đá Ba Đầu), vấn đề Biển Đông ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm.