Cập nhật Covid-19 ngày 28/5: Malaysia chạy đua tiêm chủng; COVAX cần thêm 2 tỷ USD; Canada 'về phe' Mỹ nhằm tìm nguồn gốc Covid-19 |
Quốc gia có số ca tử vong và nhiễm Covid-19 lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, cụ thể là 607.603 ca tử vong trong tổng số 33.998.396 bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 27.547.705 ca nhiễm và 318.821 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 16.342.162 ca nhiễm và 456.753 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong một tuần qua, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại dương ghi nhận số ca nhiễm mới tăng, lần lượt tăng 6%, 15% và 0,8%, trong khi các khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới giảm gồm châu Âu giảm 23%, Bắc Mỹ, châu Á đều giảm 18%..
* Tại châu Mỹ, các điểm nóng dịch bệnh như Brazil, Argentina hay Colombia đều tiếp tục chứng khiến sự lây lan của dịch Covid-19.
Ngày 27/5, Argentina ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay (41.080 ca). Làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 tại Argentina khiến nước này trở thành một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cũng là một trong những nước có số tử vong do Covid-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất so với các nước láng giềng như Uruguay, Paraguay và Brazil.
Đến nay, Argentina ghi nhận tổng cộng 3.663.215 ca nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm 76.135 ca tử vong. Hiện Argentina triển khai áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc để khống chế dịch bệnh, theo đó, thực hiện giới nghiêm ban đêm, các trường học đóng cửa và các nhà hàng chỉ phục vụ theo hình thức mua mang về.
Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định nước này ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm xác định nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Trudeau nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi của Mỹ và các quốc gia khác về việc tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc của Covid-19, không chỉ để đảm bảo trách nhiệm giải trình, mà còn nhằm mục đích xác định đầy đủ cách thức bảo vệ thế giới tốt hơn trong tương lai trước bất kỳ đại dịch nào như vậy”.
Trước đó cùng ngày, cộng đồng tình báo Mỹ đã thừa nhận có 2 giả thuyết về nguồn gốc của Covid-19, đó là: đại dịch xuất hiện một cách tự nhiên khi con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh; sự cố ở phòng thí nghiệm cũng có thể là nguồn gốc của đại dịch toàn cầu.
* Tại châu Âu
Ngày 27/5, Đan Mạch ghi nhận 1.119 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong tổng số 160.549 xét nghiệm được thực hiện. Đây là ngày Đan Mạch ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021 đến nay.
Trong khi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, quốc gia châu Âu này cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội từ ngày 6/4, cho phép các nhà hàng, viện bảo tàng mở cửa trở lại, cho phép các hoạt động thể thao ngoài trời song phải đảm bảo quy định y tế.
Cùng ngày, Quốc hội Áo và Ba Lan ngày 27/5 đã thông qua quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU). Đây là những nước thành viên cuối cùng trong EU thông qua gói cứu trợ, mở đường cho việc phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu (EP).
Trước đó, giới chức EU cho biết nếu các quốc gia thành viên nhất trí về kế hoạch trên, gói cứu trợ trị giá 672 tỷ Euro (820 tỷ USD) có thể bắt đầu được triển khai vào tháng 7 tới.
Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
* Tại châu Á
Ngày 27/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Indonesia, bà Dante Saksono Harbuwono, dự báo số ca mắc mới Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr và đạt đỉnh vào giữa tháng 6 tới.
Theo Thứ trưởng Harbuwono, số ca mắc Covid-19 đã tăng 38,08% trong tuần qua, trong khi số bệnh nhân không qua khỏi tăng 2,73%. Bộ Y tế Indonesia dự báo rằng đỉnh dịch lần này sẽ không cao như thời điểm sau các kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2021 nhờ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt của chính phủ.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6, chủ yếu do hệ thống y tế ở nhiều địa phương vẫn còn căng thẳng cho dù tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang chậm dần.
Theo Thủ tướng Yoshihide Suga, số ca nhiễm mới đang giảm ở một số khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka, nhưng “về tổng thể, tình hình rất khó dự đoán”. Chính phủ sẽ tham vấn nhóm chuyên gia cố vấn trong ngày 28/5 trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc có gia hạn tình trạng khẩn cấp hay không.
Hiện nay, Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh, thành. Trong 10 tỉnh, thành này, tình trạng khẩn cấp ở Okinawa mới bắt đầu có hiệu lực hôm 23/5 và kéo dài tới ngày 20/6, trong khi tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành còn lại, gồm Tokyo và Hokkaido, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo, Okayama, Hiroshima và Fukuoka, sẽ hết hạn vào ngày 31/5.
Cùng ngày, Thủ tướng Nepal Sharma Oli kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp gần 40 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để hỗ trợ quốc gia Nam Á này ứng phó với đợt dịch mới đang tăng sức ép đối với hệ thống y tế. Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Oli nhấn mạnh Nepal sẵn sàng mua vaccine nếu không có vaccine viện trợ.
Nepal có gần 30 triệu dân, nhưng đến nay mới chỉ nhận được hơn 3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ các nguồn khác nhau. Thủ tướng Oli nêu rõ Nepal cần tiêm chủng cho 20 triệu người dân, do đó, sẽ cần 40 triệu liều vaccine.
Nepal bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày tăng mạnh từ đầu tháng 4 vừa qua và đỉnh điểm giữa tháng 5 ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm/ngày. Hiện số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này đã giảm nhẹ, song hệ thống y tế vẫn chịu nhiều sức ép do số bệnh nhân phải nhập viện điều trị đông, trong khi nguồn cung oxy thiếu.
Cũng liên quan đến vấn đề vaccine, Trung Quốc thông báo nước này sẽ chuyển thêm hàng triệu vaccine viện trợ cho Nepal. Theo nhà dịch tễ học Lhamo Sherpa, các nước đang phát triển như Nepal rất cần nhiều nguồn cung vaccine.
Trong khi đó, Malaysia sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa Covid-19 vì chuẩn bị nhận thêm vaccine từ Pfizer, Sinovac và AstraZeneca trong những tháng tới. Theo đó, từ tháng 6 tới, tốc độ tiêm chủng tại Malaysia sẽ được nâng lên mức 150.000 liều/ngày.
Dự kiến, 25 triệu liều vaccine Pfizer sẽ được chuyển giao cho Malaysia trong quý III. Bên cạnh đó, Malaysia sẽ nhận được 12 triệu liều vaccine Sinovac vào cuối tháng 7, bao gồm 6,9 triệu liều chuyển đến từ Trung Quốc và phần còn lại được hãng Pharmaniaga đóng lọ tại Malaysia. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này còn nhận thêm 610.000 liều vaccine AstraZeneca vào tháng 6 và 410.000 liều vào tháng 7.
Tờ Vientiane Times số ra ngày 28/5 đưa tin hơn 84.000 người Lào trên cả nước đã rơi vào cảnh thất nghiệp và đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đây là kết quả khảo sát do các giới chức cấp bản/phường trên cả nước Lào thực hiện từ ngày 5-15/5 vừa qua nhằm đánh giá số người cần sự hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ. Kết quả khảo sát sẽ được Chính phủ Lào sử dụng để có các biện pháp giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn.
* Tại châu Phi
Ngày 27/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết châu Phi cần ít nhất 20 triệu liều vaccine AstraZeneca trong vòng 6 tuần tới để cung cấp liều thứ hai đúng hạn cho tất cả những người đã được tiêm mũi đầu tiên.
Theo WHO, hiện chỉ 28 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 của nhiều loại khác nhau đã được sử dụng ở châu Phi, đồng nghĩa với chưa đến 2 liều /100 người được tiêm ở lục địa này.
* Cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cần thêm 2 tỷ USD vào đầu tháng 6 tới để đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Cùng ngày, WHO và Liên minh vaccine toàn cầu Gavi, đại diện các tổ chức khởi xướng Cơ chế COVAX, ra tuyên bố nêu rõ cần huy động thêm 2 tỷ USD nhằm tăng mức độ bao phủ của các chương trình tiêm chủng lên gần 30%.
Tuyên bố cho biết COVAX cần số tiền trên trước ngày 2/6 để chốt nguồn cung nhằm đảm bảo có thể bàn giao vaccine ngừa Covid-19 trong năm nay và đầu năm 2022.
COVAX cho biết đến nay họ đã cung cấp 70 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho 126 quốc gia, song đang thiếu 190 triệu liều vào cuối tháng 6 tới do tốc độ lây lan dịch Covid-19 gia tăng ở Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của cơ chế này trong quý II năm nay.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |