📞

Đánh giá của Cộng đồng tình báo Mỹ về triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên

18:37 | 15/02/2019
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đang tới rất gần với hy vọng có thể đạt được những bước ngoặt lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Cộng đồng tình báo Mỹ, tiến trình này còn chứa đựng nhiều ẩn số. 

Lợi ích trên bàn cân

Theo báo cáo Đánh giá mối đe dọa toàn cầu của Cộng đồng tình báo Mỹ được công bố mới đây, chưa chắc Triều Tiên đã chịu từ bỏ tất cả kho vũ khí hạt nhân của mình cũng như năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân, ngay cả khi họ đang tìm kiếm các nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa một phần để đổi lấy những nhượng bộ từ phía Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Sẽ rất khó có được những tiến triển trong đàm phán nếu hai bên không tạo dựng được niềm tin cho đối phương. (Nguồn: AP)

Như vậy, để tối đa hóa triển vọng thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, chính quyền Tổng thống Trump cần một kế hoạch cụ thể và cũng cần tính đến tình huống Bình Nhưỡng không chấp thuận.

Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên có hiệu lực. Chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành 156 lệnh trừng phạt trong vòng 16 tháng đối với Bình Nhưỡng (nhiều hơn nhiều lần so với chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama với 154 lệnh trừng phạt trong 8 năm.

Đáng chú ý, mục tiêu của các lệnh trừng phạt không chỉ bao gồm các chủ thể của Triều Tiên mà cả các công ty không phải của Triều Tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Nhưỡng phá vỡ các lệnh trừng phạt. Liệu có phải chính áp lực từ những lệnh trừng phạt này đã khiến Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Tuy vậy, hiện nay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cũng đang ở thế tự tin trong đàm phán với Mỹ khi Bình Nhưỡng đã thể hiện sự tiến bộ rõ ràng trong phát triển vú khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đặc biệt, ông Kim Jong Un đã nhiều lần công khai tuyên bố Triều Tiên đã hoàn thiện năng lực hạt nhân của mình.

Như vậy, rất khó để đánh giá liệu rằng Chủ tịch Kim Jong Un có thực sự mong muốn thúc đẩy đàm phán ngoại giao bắt nguồn từ một quyết định chiến lược là tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của mình hay không.

Nhượng bộ sớm?

Thời gian qua, Tổng thống Trump đã đưa ra hai nhượng bộ lớn song dường như vẫn chưa nhận lại được tín hiệu tích cực từ Bình Nhưỡng. Trước tiên, Tổng thống Trump đã đồng ý ký một tuyên bố chung với Chủ tịch Kim Jong Un, trong đó có một cam kết về việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên. Sau đó, Tổng thống Trump đình chỉ các cuộc tập trận quân sự kết hợp với Hàn Quốc mà không hỏi ý kiến ​​các quan chức quốc phòng của mình hoặc các đối tác Hàn Quốc.

Những quyết định này được đưa ra mà không cần bất kỳ một cuộc đàm phán ở bất kỳ cấp độ nào trước đó. Việc ra quyết định “ngẫu hứng” như vậy thường có nhiều rủi ro.

Nhận biết được điều đó, chính quyền Tổng thống Trump tháng 8 vừa qua đã chỉ định một đại diện đặc biệt mới về Triều Tiên, Stephen Biegun để dẫn dắt các cuộc đàm phán ở cấp độ làm việc và chuẩn bị cho những cuộc họp thượng đỉnh. Bên cạnh đó, Mỹ đã thành lập một nhóm làm việc chung giữa Mỹ và Hàn Quốc để phối hợp trong các vấn đề liên quan tới Triều Tiên. Những bàn thảo trước ở cấp độ làm việc này cũng sẽ có những tác động nhãn tiền tới kết quả của cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và văn bản ký kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP)

Một cuộc họp thượng đỉnh khó có thể phi hạt nhân hóa ngay lập tức bán đảo Triều Tiên, tuy vậy, các cuộc đàm phán được kỳ vọng sẽ mang đến cho Washington và Bình Nhưỡng một cơ hội để thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Do đó, các cuộc thảo luận ở cấp độ làm việc nên được đẩy mạnh để đưa ra lộ trình, nguyên tắc rõ ràng và chính xác trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, một lộ trình để phá dỡ các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng rất cần thiết để tạo dựng niềm tin song phương và đẩy nhanh các tiến bộ thực tiễn.

Dù kế hoạch có tham vọng tới mức nào thì các nhà hoạch định cũng cần phải tính đến những lợi ích giao thoa của Bình Nhưỡng. Dù có những bước đi phi hạt nhân hóa song đổi lại, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, ký tuyên bố hòa bình và đưa quân đội Mỹ và khí tài quân sự ra khỏi Hàn Quốc và những khu vực rộng lớn khác. Tổng thống Trump cần lưu ý rằng, việc cắt giảm lực lượng quân đội Mỹ sẽ làm suy yếu đáng kể liên minh Mỹ - Hàn Quốc, vốn là một yếu tố quyết định đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Hơn bao giờ hết, Mỹ cần phải đưa ra tín hiệu với Triều Tiên rằng, Bình Nhưỡng chỉ có thể nhận được những nhượng bộ từ phía Washington, nếu như cam kết chấm dứt hoạt động hạt nhân của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, giới chức Mỹ sẽ tới châu Á vào cuối tuần này để tiếp tục chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. "Chúng tôi tiếp tục cử một nhóm đến châu Á vào cuối tuần này để chuẩn bị cho hội nghị. Tôi không thể nói chúng tôi kỳ vọng gì từ hội nghị, nhưng tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được kết quả tốt", ông Pompeo nói.

Ông Pompeo đề cập đến 4 "trụ cột chính" mà Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết trong hội nghị đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, trong đó bao gồm mục tiêu giải trừ hạt nhân, xây dựng mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên. "Chúng tôi mong muốn đạt được tiến triển thực sự với mỗi trụ cột này và hai nhà lãnh đạo hy vọng có thể làm được điều đó", ông Pompeo nói.

Thời gian cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai đang đến rất gần và cả hai bên đang gấp rút chuẩn bị cho những ngày căng thẳng. Mỹ muốn Triều Tiên có một tương lai tươi sáng, nhưng Triều Tiên có đón nhận nó hay không phụ thuộc vào lựa chọn quyết định của Chủ tịch Kim Jong Un.

(theo The Hill)