📞

Đảo Cyprus giữa “biển khơi”

09:00 | 23/01/2016
“Trái tim của Cyprus” - thành phố Nicosia “nắm giữ chìa khóa” những vấn đề địa chiến lược quan trọng ở khu vực Đông Địa Trung Hải, từ nội chiến Syria, cuộc khủng hoảng tị nạn đến vấn đề khí đốt.

Người dân đảo Cyprus chứng kiến  ngày càng nhiều máy bay chiến đấu của Anh từ căn cứ RAF Akrotiri bay tới chiến trường Syria cách đó hơn 160 km. Rồi khi máy bay Israel tập trận trên bầu trời, ở phía dưới, trong những bến cảng là tàu chiến Nga đang neo đậu và tiếp nhiên liệu để chuẩn bị tiến tới khu vực Trung Đông. Xa xa, một tàu nghiên cứu địa chấn ngoài vùng biển của thành phố Limassol của một công ty Mỹ lớn tiếng yêu cầu một tàu khu trục cỡ nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ thôi chắn đường.

Cảnh tượng thường nhật ấy ở Cyprus là lời nhắc nhở rõ ràng nhất rằng quốc đảo này, ở nơi tiền đồn Levantine xa xôi của Liên minh châu Âu (EU) đang là “nút thắt” của xung đột và những vấn đề hóc búa trong khu vực. Từ cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria đến phát triển dầu khí của Israel, từ việc Ankara gia nhập EU đến việc nước Nga đang gia tăng vai trò tại Trung Đông. Rồi sự hỗn loạn tại Lebanon và Ai Cập đến việc tranh giành lãnh hải giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đảo Cyprus có vị trí địa chiến lược quan trọng tại Đông Địa Trung Hải.

Thành phố Nicosia, nơi chia cắt đảo Cyprus, là nơi diễn ra cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tái hợp hai vùng Cyprus Hy Lạp và Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ - vốn chia cắt kể từ năm 1952. Việc “thành hay bại” của những vòng đàm phán kéo dài vô tận này đang ngày càng quan trọng đối với việc giải quyết những vấn đề khó khăn chồng chéo trong khu vực.

Cạnh tranh khí đốt

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã bày tỏ mong muốn hợp tác khai thác và sử dụng khí đốt. Hai bên dự định sẽ tái khởi động hệ thống dẫn khí đốt kết nối các mỏ khí thiên nhiên ngoài khơi Israel với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang có nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.

Điều này có tác động đến Cyprus khi ở phía Nam hòn đảo, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, là mỏ khí thiên nhiên Aphrodite chưa được khai thác. Ngay giáp đó là khu mỏ khí đốt Leviathan còn chưa được khai phá nhiều của Israel, xa hơn về phía Tây Nam là khu mỏ khí của Ai Cập tại rìa Bắc Phi của Địa Trung Hải.

Bất kỳ hệ thống ống dẫn nào của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đi qua vùng biển của Lebanon và Syria hoặc qua vùng EEZ của đảo Cyprus. Lựa chọn đầu tiên có vẻ khó khăn khi tình hình Syria ngày càng bất ổn; bên cạnh đó là Israel và Lebanon còn đang tranh chấp về lãnh hải. Hiệp ước phân định ranh giới biển giữa Cộng hòa Cyprus (RoC), Israel và Lebanon vẫn còn chưa được Nghị viện Lebanon phê chuẩn.

Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai cũng mang lại vấn đề lớn. Đặc biệt khi mà RoC và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn ở thế thù địch, thậm chí việc phát triển đường ống của Ankara qua khu vực này cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác vùng mỏ Aphrodite của đảo Cyprus.

Ankara hiện vẫn chưa công nhận chính phủ Cộng hòa Cyprus, kể từ khi có giao tranh nổ ra giữa các cư dân gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ trên hòn đảo này năm 1964. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa quân vào đảo Cyprus năm 1974 và hậu thuẫn cho việc hình thành nhà nước ly khai ở miền Bắc hòn đảo - Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC). Hiện Ankara vẫn duy trì 30.000 lính ở miền Bắc Cyprus. Điều đó khiến RoC cũng từ chối công nhận TRNC hay thiết lập quan hệ với Ankara.

Trong khi những tranh cãi về ranh giới biển giữa RoC và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa kết thúc, mới đây TRNC tuyên bố quyền được chia sẻ lợi ích của vùng mỏ Aphrodite hay những phát hiện mới trong tương lai. Công tác khai thác dầu khí ở khu vực miền Đông Địa Trung Hải đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mà chỉ một tàu khảo sát biển rời cảng thì ngay lập tức căng thẳng lại tăng cao. Nói cách khác, rất khó để RoC - với sự công nhận quốc tế và các thành viên EU, sẽ cho phép đường ống dẫn của Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong vùng EEZ của mình.

Cyprus là hòn đảo nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, phía Nam của bán đảo Anatolia và gần phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Diện tích của đảo là 9.251 km2, trong đó có 9.241 km2 đất liền và 10 km2 nước. Hiện TRNC kiểm soát 3.355 km2 ở miền Bắc đảo này. Dân số của Cyprus là 1.189.197 người (tháng 7/2015), trong đó 98,8% gốc Hy Lạp. Tôn giáo chính của hòn đảo này là Đạo Cơ đốc chính thống (89,1%). Ngôn ngữ chính của người dân là tiếng Hy Lạp, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Anh.

(Nguồn: CIA Fact Book)

Đảo Cyprus là một thị trường quá nhỏ, quá xa với khu mỏ tầm trung Aphrodite để xây dựng một đường ống dẫn khí đắt đỏ. Các chuyên gia cho rằng giải pháp thay thế kinh tế hơn là vận chuyển khí đốt ở mỏ Aphrodite và vùng Leviathan qua hệ thống đường ống ngắn hơn tới Ai Cập - nơi có thể hóa lỏng lượng khí đốt này với hai khu chế xuất vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, khi quan hệ Israel và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi kể từ năm 2010, RoC đã quan tâm hơn đến việc thúc đẩy quan hệ với Tel Aviv. Mặc dù có sự liên kết rõ ràng về lợi ích khai thác khí đốt, hai quốc gia vẫn chưa thể có được một thỏa thuận cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên việc Israel - Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau có lẽ sẽ khiến những người Cyprus gốc Hy Lạp phải “miễn cưỡng” ký vào bản thỏa thuận mà tiến trình đàm phán “tưởng chừng sẽ kéo dài không có kết quả” này.

Châu Âu không đoàn kết

Việc thiếu vắng mối quan hệ ngoại giao giữa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một vấn đề gây chia rẽ trong quan hệ Ankara - EU, gần đây nồng ấm trở lại sau cuộc khủng hoảng tị nạn Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU vào năm 2005, nhưng hầu như không đạt kết quả. Việc Ankara đưa quân vào đảo Cyprus chính là một trong các yếu tố khiến EU vẫn chưa thể gật đầu cho quyền thành viên của nước này.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng tị nạn xảy ra, EU đã phải đưa ra những ưu tiên về việc viện trợ tài chính, cơ chế tự do hóa thị thực và thúc đẩy quá trình gia nhập liên minh để đổi lại việc Ankara sẽ ngăn chặn dòng người tị nạn Syria tiến vào châu Âu. Điều này đương nhiên khiến RoC không bằng lòng, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy nước này có thể ngăn chặn tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ankara cũng đã tuyên bố rằng cho dù nước này chấp nhận thỏa thuận trên của Brussels, không một điều khoản nào sẽ được áp dụng vào quan hệ của nước này với RoC - cho dù đây là thành viên của EU.

Hơn nữa, Ankara vẫn còn vấn đề với một thành viên khác của EU, đó là Hy Lạp. Tranh chấp giữa hai quốc gia này về ranh giới ở vùng biển Aegran và Đông Địa Trung Hải vẫn chưa chấm dứt. Việc các đường ranh giới biển vẫn chưa được chính thức hóa từng gây ra những va chạm giữa hai nước, gần đây là sự chồng lấn quyền trên biển giữa lực lượng cảnh sát biển Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kiểm soát dòng người tị nạn. Vấn đề này sẽ còn phức tạp hơn khi nó liên quan trực tiếp đến việc xác định đường giới hạn phía Tây của vùng biển Cyprus.

Vẫn là tâm điểm

Các vấn đề phức tạp trên có thể tìm được hướng giải quyết khi cuộc đàm phán thống nhất đảo Cyprus thành công. Quyết định này sẽ phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý khắp hòn đảo, dự kiến vào mùa Xuân năm 2016. Khi Ankara và quốc tế công nhận rộng rãi chính phủ mới được hình thành từ hai miền đảo Cyprus, cánh cổng bị đóng kín sẽ mở ra. Hiện triển vọng của thỏa thuận này được xem là khả quan nhất trong mười năm trở lại đây. Lãnh đạo của Roc và TRNC - Nicos Anastasiades và Mustafa Akinci - cũng đã cam kết sẽ tìm ra một giải pháp cho quan hệ hai bên.

Tuy nhiên, vẫn cần tính đến một nhân tố khác có tác động lớn đến vấn đề này - nước Nga. Moscow đang duy trì mối quan hệ tốt với cả hai nhà nước ở Syprus: Đạo Chính thống Nga có mối quan hệ với TRNC trong khi đảng Tiến bộ của Tầng lớp Lao động (AKEL) luôn ủng hộ Nga lại đang cầm quyền ở RoC và có tầm ảnh hưởng lớn tới cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Hơn thế nữa, người dân RoC rất ủng hộ những dự án đầu tư và hoạt động kinh doanh của Moscow tại đây, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2013. Một thăm dò gần đây cho thấy, đa số người Cyprus gốc Hy Lạp ủng hộ việc Nga sử dụng một số cơ sở quân sự trên đảo, tương tự việc người Anh đang điều động máy bay chiến đấu từ đây để không kích Syria.

Trong bối cảnh Nga - Mỹ đang gia tăng ảnh hưởng ở khu vực địa chiến lược như Trung Đông và Địa Trung Hải, đảo Cyprus dần chuyển thành đối tượng tiếp theo để hai nước gây ảnh hưởng. Chuyến thăm của Ngoại trưởng hai nước này đến Cyprus trong năm 2015 đã cho thấy một phần tham vọng đó… Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Tuy nhiên đảo Cyprus, với vị trí địa chiến lược nhạy cảm, sẽ tiếp tục nằm giữa các vấn đề phức tạp và chồng chéo ở khu vực vốn luôn là tâm điểm cạnh tranh này.

(theo Foreign Policy)