📞

Dấu ấn đặc biệt của cựu 'Tổng thống Twitter' Donald Trump

Nguyễn Nhật Thanh Ngân 08:30 | 02/02/2021
TGVN. Người ta nói nhiều về di sản của ông Donald Trump sau khi rời Nhà Trắng. Cách ông sử dụng Twitter chắc chắn là một trong số đó.

Vậy tại sao lại gọi ông Donald Trump là “Tổng thống Twitter”? Ông đã có gần 24.000 lượt tweet hoặc retweet trong 4 năm làm ông chủ Nhà Trắng (trung bình 18 tweet/ngày).

Song đó không phải là ngẫu nhiên: Ông đã tận dụng Twitter để đối trọng với truyền thông Mỹ, thay đổi quy trình làm việc giữa Nhà Trắng và các cơ quan báo chí, biến mạng xã hội này thành “vũ khí” tự vệ, công cụ ngoại giao và gia tăng ảnh hưởng cá nhân.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump những ngày cuối nhiệm kỳ: Dương đông, kích tây

Từ tuyên bố chính sách mới cho đến thay đổi nhân sự

Đầu tiên, ông Donald Trump đã sử dụng Twitter để thay đổi quy trình làm việc giữa Nhà Trắng và báo chí. Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống, ông nhiều lần chọn Twitter là phương tiện đầu tiên để tuyên bố chính sách mới, thay vì thông qua văn phòng báo chí.

Ví dụ, 10h ngày 20/4/2020, ông Donald Trump đã đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ việc nhập cư vào Mỹ mà không đưa ra chi tiết về thời gian, yêu cầu hay mức độ nào khác. Sau đó, trong cuộc họp báo Nhà Trắng vào ngày 22/4, ông chính thức thông báo đã ký sắc lệnh đình chỉ một hoạt động nhập cư vào Mỹ nhằm bảo vệ việc làm cho lao động nước này trong đại dịch.

Ông cũng ưa thích thông báo thay đổi nhân sự trên Twitter. Cụ thể, 8h44 ngày 13/3/2018, ông bất ngờ thông báo sa thải Ngoại trưởng, khi đó là ông Rex Tillerson, và bổ nhiệm ông Mike Pompeo thay thế, đồng thời thông báo bà Gina Haspel trở thành nữ Giám đốc CIA đầu tiên.

Thông báo sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson xuất hiện trên Twitter 3 giờ trước khi ông Trump gọi cho ông Tillerson và ngay cả ông Tillerson cũng không biết lí do bị sa thải.

…Dưới thời ông Donald Trump, chính sách mới được thông báo qua Twitter cá nhân một cách bất ngờ, khiến giới truyền thông luôn ở thế bị động.

Cách làm này đã khiến cho giới truyền thông luôn phải chạy theo từng dòng tweet. Trong quá khứ, các chính sách mới sẽ được Thư ký báo chí Nhà Trắng phổ biến tới báo chí thông qua những cuộc họp báo hàng ngày.

Tuy nhiên, dưới thời ông Donald Trump, chính sách mới được thông báo qua Twitter cá nhân một cách bất ngờ, khiến giới truyền thông luôn ở thế bị động.

Vũ khí tự vệ

Thứ hai, Twitter cũng là vũ khí tự vệ hiệu quả giúp ông Trump “phản đòn” truyền thông chính thống.

Tháng 12/2019, ông Donald Trump đối mặt với cuộc điều tra luận tội của Hạ viện thông qua các điều khoản buộc ông lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Trong thời gian đó, số lượng tweet của ông tăng lên kỷ lục.

Trong 2 tuần cuối năm 2019, ông đã tweet và retweet 714 bài, hầu hết liên quan đến phiên tòa và quá trình luận tội. Ông Trump thể hiện sự bình tĩnh, liên tục tuyên bố vô tội, chia sẻ bình luận và video của người ủng hộ, bảo vệ mình.

Quan trọng hơn, ông Trump đã triển khai đăng tải các tweet một cách chiến lược để chuyển hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề có khả năng gây hại cho vị trí của mình.

Năm 2017, khi báo chí tập trung vào cuộc điều tra làm rõ sự can thiệp của Nga vào bầu cử năm 2016, ông Trump tweet về tạo việc làm, chính sách với Trung Quốc và vấn đề nhập cư. Trong khi Covid-19 lây lan mất kiểm soát tại ở Mỹ và không “tự biến mất” như những gì ông Trump từng tuyên bố, ông lại tweet về chiến dịch buộc tội cựu Tổng thống Barack Obama.

Với hơn 88,5 triệu người theo dõi trên Twitter, ông Trump đã tạo ra một cuộc đối thoại toàn cầu. Tuy nhiên, 69% người Mỹ lại đọc, xem hoặc nghe thấy với rất khá nhiều những dòng tweet của ông thông qua các kênh truyền thông khác.

Giới truyền thông thường xuyên bị chỉ trích vì tập trung quá ít vào những gì ông Trump làm mà quá nhiều vào các dòng tweet của ông.

Ông Trump nói hơn 1 triệu phiếu bầu ở Pennsylvania "từ trên trời rơi xuống". (Nguồn: Twitter)

Không chỉ tác động việc thiết lập chương trình nghị sự của truyền thông truyền thống, ông Trump còn sử dụng Twitter để đóng khung nhận thức những người tiếp nhận. Trong 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống, ông đã cố gắng xây dựng khung nhận thức “truyền thông tin giả” nhằm bảo vệ mình trước giới truyền thông.

Tổng cộng ông Trump đã tweet về “tin giả” 776 lần, thường nhắm vào các phương tiện truyền thông lớn như New York Times, The Washington PostCNN. Ông nhắc lại cụm từ “fake news” trung bình 2 ngày/lần trên tài khoản cá nhân trong suốt nhiệm kỳ, để chuyển hướng sự chú ý khỏi bản chất của vấn đề đang được đề cập.

Thêm vào đó, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2020 tại Mỹ, sau khi có tin chiến thắng nghiêng về ông Joe Biden, ông Donald Trump đã ngay lập tức tuyên bố kết quả trên là gian lận.

Trên Twitter, ông đã nhiều lần bác bỏ kết quả bỏ phiếu và tuyên bố phần thắng thuộc về mình dù không có dẫn chứng cụ thể. Dù các cuộc kiểm phiếu sau đó cho thấy kết quả bầu cử trước đó là đúng, ông Trump vẫn nhiều lần nhắc lại nội dung trên, gây ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin, uy tín của ông Joe Biden cũng như nền dân chủ Mỹ.

Công cụ ngoại giao

Thứ ba, Tổng thống Donald Trump còn sử dụng Twitter làm một công cụ ngoại giao. Hiếm có nhà lãnh đạo quốc gia nào lại thường xuyên bình luận về các sự kiện quốc tế trên mạng xã hội như ông Trump.

Trên cương vị Tổng thống, ông đã nhiều lần đăng tải các tuyên bố tăng mức áp thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc. Ngày 6/12/2017, ông bất ngờ tuyên bố Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển Đại sứ quán đến thành phố này trên Twitter, gây ra khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Mỹ và các nước Hồi giáo.

Theo quy trình làm việc từ trước tới nay, những tuyên bố này sẽ được thông báo thông qua các kênh ngoại giao như Bộ Ngoại giao hoặc các đại sứ, đại diện. Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, mọi chuyện đã thay đổi.

“Ngoại giao Twitter” của ông Trump thường vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì tính đột ngột và không lường trước được của các dòng tweet. Bốn năm sử dụng Twitter của ông Trump đã đánh dấu thay đổi mạnh mẽ trong phong cách giao tiếp với công chúng, cá nhân hơn và tức thời hơn.

Ngày 6/12/2017, ông bất ngờ tuyên bố Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển Đại sứ quán đến thành phố này trên Twitter, gây ra khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Mỹ và các nước Hồi giáo.

Nâng tầm ảnh hưởng

Thứ tư, với Twitter, Donald Trump đã nâng tầm ảnh hưởng cá nhân trong nước và quốc tế. Ngày 3/1/2017, với dòng tweet “General Motors đang đưa những dòng xe Chevy Cruze do Mexico sản xuất đến các đại lý miễn thuế ở Mỹ qua biên giới. Hãy sản xuất xe tại Mỹ, hoặc chịu đóng thuế nhiều hơn”, ông Donald Trump đã khiến ngành sản xuất ô tô Mỹ chao đảo nhiều tháng trời.

Cổ phiếu General Motors sụt giá 3% sau dòng tweet ngắn ngủi ấy và chỉ hồi phục sau khi công ty này giải thích rằng số lượng lớn xe sản xuất tại Mexico đều nhằm phục vụ thị trường quốc tế, không phải ở Mỹ. Hãng xe Ford đã hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Mexico trị giá 1.6 tỷ USD. Đấy chỉ là một trong cơ số những trường hợp ông Trump đã gây ảnh hưởng to lớn đối với xã hội Mỹ.

Tài khoản Twitter của ông Donald Trump thu hút rất nhiều sự theo dõi, phân tích, đánh giá không chỉ từ người Mỹ, truyền thông trong nước mà cả nhiều nước trên thế giới.

Tiêu biểu là Hàn Quốc, sau khi ông Donald Trump đắc cử năm 2016, cơ quan phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phân bổ ngay nhân sự theo dõi các phát biểu trên Twitter của ông Donald Trump, nhất là nội dung liên quan tới Hàn Quốc và Đông Bắc Á.

Về phần mình, dù đưa ra chính sách cấm sử dụng Twitter vào năm 2009, song Trung Quốc nhưng vẫn không thể lờ đi mạng xã hội này vì ông Trump.

Không chỉ Hãng thông tấn quốc gia Tân Hoa xã sử dụng Twitter để thông tin toàn cầu, một số người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc như Triệu Lập Kiên, Hoa Xuân Oánh cũng có tài khoản Twitter cá nhân để phản bác chỉ trích từ phía phương Tây và truyền thông hoạt động đối ngoại của Trung Quốc.

Những dòng tweet chưa đầy 140 chữ từ chiếc điện thoại của ông Trump từng khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ mất ăn mất ngủ. (Nguồn: VOA)

Câu hỏi bỏ ngỏ

Với ảnh hưởng rõ rệt của Twitter dưới thời ông Donald Trump, nhiều câu hỏi về tác động và vai trò của các tài khoản mạng xã hội cá nhân đối với nền chính trị thế giới được đặt ra.

Trong 4 năm nhiệm kỳ, cựu Tổng thống Mỹ đã làm thay đổi nhận thức về tầm độ ảnh hưởng của một tài khoản mạng xã hội có thể tác động lên xã hội, chính trị và điều này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn ngay cả khi ông không còn hiện diện tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông Joe Biden, cũng đã sử dụng Twitter như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng trong giai đoạn tranh cử tổng thống Mỹ 2020 và khả năng lớn ông ấy vẫn sẽ làm như vậy trong bốn năm nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, là một chính trị gia lâu năm, cách thức sử dụng và làm việc với Twitter của ông Joe Biden hẳn sẽ khác nhiều so với ông Donald Trump: ít những tuyên bố bất ngờ và chỉ trích gay gắt trực tiếp trên mạng xã hội hơn.

Trong bối cảnh đó, Twitter nói riêng hay các mạng xã hội khác nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục có vai trò và tầm ảnh hưởng ngày một quan trọng trong nền chính trị quốc tế. Giờ đây, ai cũng có thể trở thành những người có tầm ảnh hưởng nếu biết nắm bắt và có chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả. Ông Donald Trump chắc chắn là một trong số đó.