📞

Đâu mới là mối đe dọa của phương Tây tại Syria?

12:17 | 15/04/2018
Rạng sáng 14/4, Syria đã hứng chịu loạt tên lửa tấn công của liên quân Mỹ, Anh và Pháp. Lực lượng này chủ yếu nhằm vào các căn cứ được cho là chứa chất hóa học và hạ tầng quân sự của Damascus, với mục tiêu gây thiệt hại và răn đe Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, nhân tố lo ngại nhất đối với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Syria hiện nay theo Reuter, là Nga.

Thế kẹt của ông Trump

Cũng như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại vùng ngoại ô Damascus tháng 8/2013, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump mắc kẹt với chính những tuyên bố của mình. Giống những người tiền nhiệm, các quan chức trong chính quyền này hiểu rằng, càng kéo dài thời gian cân nhắc hành động, họ càng phải đối mặt với những thách thức về mặt chính trị và quân sự, và mọi nỗ lực rất có thể sẽ là vô nghĩa.

Giống như người tiền nhiệm, Tổng thống Trump cũng đang ở "thế kẹt" trong vấn đề Syria.(Nguồn: Getty Images)

Có nhiều nguồn tin cho biết, lực lượng của chính quyền Syria đã di chuyển tới các vị trí càng gần quân đội Nga càng tốt, bởi họ biết rằng Mỹ sẽ tìm mọi cách tránh gây thiệt hại cho người Nga. Thực tế là một cuộc tấn công có quy mô lớn hơn rất nhiều so với cuộc không kích mà Trump tiến hành hồi năm ngoái cũng không thể thay đổi tình hình trên thực địa. Chính quyền của ông Assad vẫn đang ở thế thượng phong trong cuộc chiến kéo dài 6 năm qua và sẽ tiếp tục củng cố địa vị của mình.

Chính quyền Trump đã tiến hành cuộc không kích chớp nhoáng vào tháng Tư năm ngoái để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà họ cũng cáo buộc là do Damascus tiến hành, dù hành động mà Nga không biết trước này chủ yếu chỉ mang tính tượng trưng. Người lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào năm 2017 là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster. Trong khi đó, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma hồi tuần trước diễn ra ngay sau khi John Bolton thay thế McMaster. Vì thế không ít người cho rằng, Washington có thể sẽ có những phản ứng chậm chạp hơn, nhất là khi xét trong bối cảnh Chính quyền Mỹ đang nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn nội bộ.

Không kích hay không, Moscow vẫn đắc lợi

Cuộc tấn công rạng sáng 14/4 khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định dù Mỹ khoanh tay hay hành động, những nguy cơ sau đó cũng đều có lợi cho Nga. Các hoạt động triển khai quân của Mỹ tại vùng Địa Trung Hải, với tàu sân bay USS Harry S Truman di chuyển từ vùng Norfolk, Virginia hồi tuần trước là minh chứng cho thấy phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ vẫn vượt trội hơn hẳn so với Nga. Tuy nhiên, việc Mỹ phải có bước điều động này lại là dấu hiệu phản ánh rõ nét những lo ngại và yếu kém của Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP)

Cho đến nay, Nga vẫn chỉ có các tuyên bố mang tính lên án cuộc không kích mà Mỹ, Anh và Pháp vừa tiến hành. Theo Reuters, nếu muốn trả đũa, Tổng thống Putin sẽ không dùng cách đối đầu trực diện, mà thay vào đó là đáp trả trên các mặt trận khác, chẳng hạn như đẩy mạnh cuộc chiến tại Ukraine.

Điều mỉa mai là thỏa thuận Mỹ - Nga hiện nay lại được xem là tia hy vọng lớn nhất để ngăn chặn nguy cơ đối đầu giữa Iran và Israel leo thang căng thẳng tại Syria. Israel đã đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu mà họ cho là của Iran ở Syria, trong khi Tehran không ngừng củng cố các lực lượng ủy nhiệm địa phương, cụ thể là Hamas và Hezbollah, để tấn công nhà nước Do Thái. Để có thể đối thoại, Moscow và Washington cần phải giải quyết những bế tắc hiện nay, song mọi dấu hiệu lại cho thấy tương lai không mấy tươi sáng.

Vai trò của chiến tranh thông tin

Cuộc can thiệp quân sự mà Nga tiến hành tại Syria vào năm 2015, cũng như các diễn biến tại Ukraine năm 2014 và tại Gruzia năm 2008 là những kế hoạch cho thấy khả năng tài tình của Nga trong việc đạt được các hiệu quả chiến lược quan trọng mà không phải tiêu tốn quá nhiều sức lực. Moscow luôn dựa vào những đe dọa về ảnh hưởng và sức mạnh quân sự, nhất là năng lực hạt nhân. Trên mặt trận Syria, giới chức Nga không ngần ngại tuyên bố về nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân, một nỗ lực không che giấu nhằm răn đe phương Tây.

Cuộc tấn công của phương Tây ngày 14/4 nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 8/4, tại Syria.

Nga hiểu rằng mọi cuộc thảo luận về vũ khí hóa học và các bằng chứng bí mật sẽ khiến giới lãnh đạo và các cử tri phương Tây nhớ về các thông tin tình báo sai lệch liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Chính quyền Bush từng viện cớ để xâm lược Iraq. Các hãng truyền thông Nga đã nhiều lần so sánh hai sự kiện này, một bằng chứng cho thấy chiến tranh thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược tổng thể của Nga.

Thậm chí, một số nhà quan sát Kremlin còn cho rằng, Moscow kích động Tổng thống Trump và phương Tây tấn công Syria là nhằm khoét sâu thêm những mâu thuẫn nội bộ tại các nước phương Tây và hợp lý hóa các hành động tiếp theo của mình.

(theo Reuters)