Con đường vắng vẻ vì lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 ở Moscow, Nga, ngày 15/4. (Nguồn: Getty) |
Tính đến ngày 2/5, số ca mắc mới Covid-19 tại Nga đã tăng thêm 9.623 ca, nâng tổng số ca mắc toàn quốc lên 124.054; 15.013 người đã hồi phục, số ca tử vong là 1.222 trường hợp.
Tâm dịch Moscow ghi nhận 62.658 ca mắc, trong đó có 5.358 ca mắc mới. Đáng chú ý, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, lãnh đạo quan trọng của chiến dịch chống Covid-19, cùng Bộ trưởng Xây dựng Vladimir Yakushev đều xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng trong khi tỷ lệ hồi phục thấp, chính quyền thành phố sẽ trưng dụng các bệnh viện thành phố, liên bang và cơ sở y tế tư nhân làm bệnh viện dã chiến, bổ sung thêm 10.000 giường bệnh cho công tác điều trị Covid-19.
Nga đã khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang và găng tay khi di chuyển trên tàu điện ngầm; riêng Moscow tiến hành chế độ khẩu trang bắt buộc đối với người dân tại khu vực công cộng. Cơ quan giám sát, bảo về quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng liên bang Nga (Rospotrebnadzor) cũng kêu gọi người dân nên tiếp tục giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc trong kỳ nghỉ tháng 5.
Có ba điều đáng ngẫm về diễn biến dịch Covid-19 hiện nay tại Nga.
Yếu tố “lạ”
Thứ nhất, dù số ca mắc mới tại Nga tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong tại Nga là thấp, xấp xỉ 1%. Giải thích cho kết quả này, báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu về Tổ chức và Cấu trúc Y tế thuộc Bộ Y tế Nga cho rằng có 4 nguyên nhân chính, phần nhiều đến từ đặc thù địa lý và dân số.
Theo đó, là quốc gia lớn nhất thế giới, Nga có mật độ dân số thấp, vô tình làm giảm tiếp xúc giữa người với người. Thêm vào đó, người dân nơi đây có tính lưu động thấp hơn nhiều so với châu Âu hay Mỹ.
Ngoài ra, lượng khách du lịch không nhiều, mang tính thời vụ, đặc biệt trong mùa tuyết.
Cuối cùng, trang thiết bị y tế được cải thiện, tổ chức tốt cùng chỉ đạo sát sao của chính quyền liên bang đã góp phần khiến dịch Covid-19 không bùng phát mạnh mẽ như tại châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo dịch bệnh còn kéo dài và nếu không thận trọng, triển khai các biện pháp quyết liệt, hệ thống y tế của Nga có thể quá tải và sụp đổ, khiến tình trạng dịch Covid-19 trầm trọng hơn bao giờ hết.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 bên ngoài bệnh viện ngoại ô thủ đô Moscow. (Nguồn Reuters) |
Trong cơn giông bão
Thứ hai, giống như nhiều quốc gia khác, nền kinh tế của xứ bạch dương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ngày 28/4, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận các nỗ lực hiện nay đã làm dịch tiến triển chậm, nhưng tình hình vẫn khó khăn và dịch chưa đạt đỉnh.
Ông cũng kéo dài thời hạn cách ly xã hội, cho người lao động nghỉ có lương đến ngày 11/5.
Tuy nhiên, nền kinh tế đã có dấu hiệu đuối sức sau 1 tháng tiến hành cách ly xã hội; cơ cấu nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản và năng lượng cũng chịu tác động nặng nề từ tình trạng chung của thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm mạnh.
Theo Trường Kinh tế Moscow (HSE), tỷ lệ thất nghiệp tại Nga năm nay sẽ đạt mức 8%, thậm chí có thể lên tới 9,5% và tăng lên 9,8% trong năm 2021, trước khi bắt đầu hồi phục năm 2022. Như vậy, ít nhất 2,2 triệu người sẽ mất việc làm trong năm 2020 do dịch Covid-19.
Tầng lớp trung lưu có thể đánh mất nhiều thu nhập và nghèo đi, nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là lao động làm việc trong các ngành dịch vụ.
Chờ ngày trở lại
Thứ ba, vai trò lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh Nga đối phó với đại dịch là không nổi bật. Thậm chí, Newsweek cho rằng dịch Covid-19 đã khiến chính trị gia lão luyện này bị “tê liệt”.
Nhà báo Mark Galeotti, tác giả cuốn sách Chúng ta cần nói về Putin, nhận định rằng đại dịch “nằm ngoài vùng an toàn và chuyên môn của ông Putin”: “Đây không phải là cuộc chiến với các kẻ thù đã lộ diện từ bên ngoài. Đây là một thảm họa thiên nhiên đến từ virus, vốn chẳng quan tâm tới biên giới quốc gia hay lập trường chính trị”.
Theo ông, đại dịch Covid-19 hiện nay là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà nước Nga thời ông Putin phải đối mặt trong 20 năm qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp với Nội các và Thủ tướng Mikhail Mishustin. (Nguồn: RFE/RL) |
Thêm vào đó, vài tuần trước, ông Putin đã tiến hành điều chỉnh nhân sự Nội các. Chính phủ mới dường như bị “ngợp” trước thách thức quá lớn đến từ Covid-19. Kết quả chống dịch hiện nay đã ít nhiều tác động tới uy tín của ông Putin: Khảo sát mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đang suy giảm và đạt mức thấp nhất trong 14 năm cầm quyền.
Điều này sẽ khiến nỗ lực của ông Putin nhằm sửa đổi Hiến pháp để duy trì quyền lực trong ít nhất 16 năm tới gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù phải chỉ đạo Chính phủ trong tình trạng cách ly, song ông Putin đã hoàn thành tốt vai trò điều phối Nội các, ủy thác trách nhiệm cho Thủ tướng Mikhail Mishustin và Thị trưởng thành phố Moscow Sergey Sobyanin, hai “công thần” chống dịch vừa qua.
Ngày 9/5/1945, Liên Xô đã ca khúc khải hoàn trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. 75 năm sau, kẻ thù của họ không phải phe Trục, mà là virus SARS-CoV-2. Song như lần trước, với lòng quả cảm, tinh thần quật cường cùng sự lãnh đạo đúng đắn, người dân Nga có thể tự tin rằng họ sẽ một lần nữa giành chiến thắng.