📞

Điểm chú ý của Diễn đàn Hương sơn Bắc Kinh 2024

Phong Nhất 17:06 | 13/09/2024
Diễn đàn quân sự Hương Sơn lần thứ 11 với chủ đề chính “Cùng xây dựng hòa bình, cùng chia sẻ tương lai” diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 12-14/9. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đã gửi Thư chúc mừng tới Lễ khai mạc Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Nguồn:

Theo báo chí Trung Quốc, chủ đề của Diễn đàn Hương Sơn lần này là nhằm "Thiết lập diễn đàn quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến an ninh toàn cầu và xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại". Diễn đàn tập trung bàn về các vấn đề như khuyến khích các bên liên quan tăng cường giao lưu và hợp tác bình đẳng, khởi xướng con đường an ninh kiểu mới, tăng cường đối thoại chứ không phải là đối đầu, kết bạn chứ không phải kết đồng minh, đôi bên cùng có lợi chứ không phải được mất ngang nhau…

Nhân tố Mỹ

Trước thềm Diễn đàn, Báo Quân giải phóng nhân dân của Trung Quốc ngày 9/9 đăng bài viết về Diễn đàn Hương Sơn lần này, trong đó nêu một cách gián tiếp rằng Mỹ là yếu tố gây ra sự bất ổn và khó đoán định cho an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bài viết cho biết: “Sự chồng chéo giữa căng thẳng địa chính trị với diễn biến cục diện kinh tế đã tác động đến môi trường phát triển và cơ cấu hợp tác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tác động do tư duy Chiến tranh Lạnh, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên đối với sự phát triển hòa bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dần xuất hiện. Các động thái làm leo thang cuộc đọ sức địa chính trị đã làm gia tăng tình trạng mất an ninh khu vực, những lời nói và hành động gây chia rẽ và đối đầu đã làm xói mòn cơ sở hợp tác. Biện pháp thiên về lĩnh vực an ninh này đang làm tăng thêm các trở ngại cho sự hợp tác kinh tế bình thường”.

Trong khi đó, Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Quỹ Marshall (Đức), cũng cho biết Trung Quốc coi liên minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “di sản của Chiến tranh Lạnh”. Với quan niệm như thế, ông cho biết: “Chủ đề của Diễn đàn Hương Sơn lần này dường như là để thúc đẩy tầm nhìn của Trung Quốc về một cấu trúc an ninh đã được sửa đổi. Trong đó, Bắc Kinh sẽ được hưởng lợi”.

Theo Tân Hoa xã, tính đến ngày 3/9, có hơn 500 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia và tổ chức quốc tế, cùng hơn 200 chuyên gia, học giả Trung Quốc và nước ngoài tham dự Diễn đàn Hương Sơn năm nay.

Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của tập đoàn RAND, một trong những chuyên gia, học giả nước ngoài được mời tham dự Diễn đàn Hương Sơn lần này nhận định: “Mục đích chính của Diễn đàn Hương Sơn là giải thích quan điểm của Trung Quốc về thế giới... Hàm ý của quan điểm này là Mỹ là nguồn gốc chính của những xáo trộn trong khu vực".

Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích việc Mỹ triển khai quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có triển khai tên lửa tầm xa ở Philippines và bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc). Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn năm 2023, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp đã chỉ trích một cách gián tiếp rằng một số quốc gia cố ý gây ra hỗn loạn và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Hợp tác trong cạnh tranh

Cho dù như vậy, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế, bao gồm cả Diễn đàn Hương Sơn, để duy trì trao đổi với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Michael Chase, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, đại diện cho Mỹ tham dự Diễn đàn lần này.

Mặc dù Michael Chase là đại diện có chức vụ cấp cao hơn so với đại diện của Mỹ tham dự Diễn đàn Hương Sơn năm 2023, nhưng chức vụ của ông ngang hàng với đại diện của Lầu Năm Góc tham dự các diễn đàn trước đây.

Năm 2023, Xanthi Carras, Giám đốc quốc gia về Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, đại diện cho Mỹ tham dự Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10. Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại tập đoàn RAND, nói với trang mạng voachinese.com rằng ông không kỳ vọng quá nhiều vào kết quả của diễn đàn lần này. Ông nói: “Tôi không mong đợi có sự đột phá chính sách nào. Bởi Chính phủ Mỹ thường cử một phái đoàn cấp thấp tham dự và các quốc gia có quan hệ hữu nghị với Mỹ cũng vậy. Vì vậy, trên thực tế, diễn đàn lần này là diễn đàn mà Trung Quốc và những người bạn của họ, bao gồm Nga và Pakistan là những tâm điểm chú ý”.

Mặc dù Grossman không mấy lạc quan về kết quả của Diễn đàn Hương Sơn trong hạ nhiệt căng thẳng Mỹ- Trung trong một số vấn đề, nhưng ông vẫn cho rằng sự tiếp xúc và trao đổi giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết các cuộc khủng hoảng an ninh có thể xảy ra trong tương lai. Ông nói: “Bởi vì trong bối cảnh xuất hiện khủng hoảng, nếu sự trao đổi mang lại hiệu quả thì sẽ rất có ý nghĩa. Mỹ và Trung Quốc đều sở hữu vũ khí hạt nhân, 2 nước đều đang phải đối diện với các thách thức nghiêm trọng… Hai bên cần tìm hiểu về nhau và thực hiện một số biện pháp để xây dựng lòng tin”.

Diễn đàn Hương Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 11 khai mạc tại Thủ đô Bắc Kinh, ngày 13/9.

"Đa cực hóa"

Trước Diễn đàn Hương Sơn, Ngô Á Nam, Tư lệnh Chiến khu miền Nam của PLA, đã có cuộc điện đàm với Samuel Paparo, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ vào ngày 10/9. Tháng 11/2023, nguyên thủ của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Mỹ. Trong lĩnh vực an ninh quân sự, Trung Quốc và Mỹ đồng ý nối lại trao đổi cấp cao giữa quân đội 2 nước, hội nghị cơ chế tham vấn an ninh quân sự trên biển Mỹ-Trung và tiến hành cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp chiến khu của quân đội 2 nước.

Khi đánh giá cuộc điện đàm giữa Ngô Á Nam và Samuel Paparo, Lionel Fatton, phó giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Webster Geneva, cho rằng cuộc điện đàm này có ý nghĩa rất quan trọng vì Chiến khu miền Nam phụ trách khu vực Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines và các nước khác tại khu vực biển quan trọng này vẫn chưa thể giải quyết.

Diễn đàn Hương Sơn 2024 có 4 chủ đề: Hợp tác an ninh và duy trì sự ổn định, thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương; hướng đến đa cực hóa và trật tự quốc tế; Nam bán cầu và thế giới phát triển hòa bình; và quản trị các cơ chế quốc tế và an ninh toàn cầu.

Theo Lionel Fatton, việc “đa cực hóa” trở thành một trong những chủ đề của diễn đàn đã giải thích cách nhìn nhận của Trung Quốc về tình hình an ninh quốc tế hiện nay. Ông nói: “Việc Trung Quốc triệu tập một cuộc họp toàn thể để thảo luận về đa cực hóa có nghĩa là thế giới đang thay đổi và Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu. Trung Quốc là một trong những tác nhân tạo ra sự suy yếu này của Washington, do đó, phải tìm ra cách thức vận hành mới để quản lý quan hệ nước lớn”.

Diễn đàn Hương Sơn được Hiệp hội Khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS) khởi xướng vào năm 2006 như một diễn đàn học giả kênh 2 cho đối thoại về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Diễn đàn được phát triển thành kênh 1,5 tại Diễn đàn lần thứ năm tổ chức vào năm 2014. Kể từ đó, Diễn đàn bắt đầu có sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự các nước, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các cựu chính khách và các tướng lĩnh quân đội đã nghỉ hưu, cũng như các học giả nổi tiếng trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từ năm 2015, Diễn đàn Hương Sơn do CAMS và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Trung Quốc (CIISS) đồng tổ chức, đổi tên thành Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh vào năm 2018.

Đến nay, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh phát triển thành một diễn đàn an ninh và quốc phòng cấp cao ở châu Á-Thái Bình Dương và ngày càng khẳng định là diễn đàn an ninh quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

(theo voachinese.com)