📞

Điểm danh những trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử

Quang Đào 10:39 | 07/02/2023
Động đất là một trong những thảm họa gây ám ảnh nhất đối với loài người. Không ít trận động đất trở thành “sát thủ” khi cướp đi mạng sống của hàng nghìn người, sức tàn phá đến mức để lại hậu quả tàn khốc.
Lực lượng cứu hộ đưa một bé gái ra khỏi tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. (Nguồn: Reuters)

Rạng sáng ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter, với tâm chấn ở độ sâu khoảng 24 km, đã làm rung chuyển miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây Bắc Syria và gây ra thiệt hại khôn lường. Chưa dừng lại ở đó, vào chiều cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu trận động đất mạnh 7,7 độ, có tâm chấn cách thành phố Kahramanmaras khoảng 67km và ở độ sâu khoảng 4km.

Hơn 24 giờ sau khi xảy ra trận động đất, số người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria được cập nhật lên tới hơn 4.300 người. Nguyên nhân chính khiến khiến thương vong cao là thảm họa xảy ra vào sáng sớm, đa số người dân đang ngủ, nên không kịp thoát thân và mắc kẹt trong đống đổ nát. Số nạn nhân thương vong dự báo còn tăng mạnh khi lực lượng cứu hộ đang ra sức tìm kiếm người bị nạn trong những đống đổ nát.

Trong một tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia, chiều 6/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói đây là thảm họa động đất lớn nhất ở nước này kể từ năm 1939, ít nhất 2.818 tòa nhà đã bị sập trong lúc xảy ra động đất và dư chấn sau đó. Trận động đất Erzincan năm 1939 mà ông Erdogan đề cập đã giết chết 33.000 người, còn trận động đất İzmit 7,6 độ năm 1999 được cho là khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.

Cơ quan Địa chất Mỹ (USGS) ước tính khoảng 1.000-10.000 thiệt mạng trong thảm họa lần này, đồng thời nhận định thiệt hại kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1-10 tỷ USD.

Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi và sẵn sàng huy động nguồn lực và sẽ hỗ trợ ngay lập tức, nếu Ankara yêu cầu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đến nay đã có hơn 45 quốc gia đề nghị hỗ trợ.

Nhân loại đã ghi chép về các trận động đất trong gần 4.000 năm qua, trong đó có những thảm họa khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, các trận động đất nguy hiểm, kinh hoàng và gây nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử thường không phải là trận động đất mạnh nhất. Có nhiều yếu tố tác động khiến số lượng thương vong cao hay thấp như: độ sâu của trận động đất (trận động đất nông có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại hơn), mật độ dân số tại khu vực bị ảnh hưởng, số lượng tòa nhà và các cơ sở vật chất bị sụp đổ...

Chẳng hạn như trận động đất ở Ấn Độ Dương năm 2004 và trận động đất lớn ở Sendai ở Nhật Bản năm 2011 đã tạo ra sóng thần gây thêm thiệt hại về cả vật chất và con người. Ngược lại, hai trận mạnh nhất từng được ghi nhận là động đất ở Chile năm 1960 và 2010, có số người chết tương đối nhỏ.

Dưới đây là một số trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người.

Trận động đất Thiểm Tây, Trung Quốc (1556)

Động đất Thiểm Tây năm 1556 xảy ra tại nước Đại Minh vào ngày 12/12 năm Gia Tĩnh thứ 34 (tức 23/1/1556), khiến khoảng 830.000 người thiệt mạng. Con số này có thể không chính xác hoàn toàn bởi các con số thương vong thường không chính xác sau các thảm họa quy mô lớn, đặc biệt là trước thế kỷ XX, nhưng thảm họa này vẫn được coi là kinh hoàng nhất mọi thời đại.

Tâm chấn của trận động đất nằm ở Thung lũng sông Vị Hà, thuộc tỉnh Thiểm Tây, gần các thành phố Hoa Huyện, Vị Nam và Hoa Âm, khu vực thiên tai ước tính rộng 280.000 km². Các nhà khoa học hiện đại căn cứ theo ghi chép trong lịch sử, suy đoán cường độ động đất là từ 8,0 đến 8,3 Mw. Đây là trận động đất có sức phá hoại lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng là trận động đất gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử thế giới.

Đại thảm họa ở Valdivia, Chile (1960)

“Trận động đất lớn Chile” khiến 1.600 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương.(Nguồn: Condor)

“Trận động đất lớn Chile” (Gran terremoto de Chile) diễn ra vào ngày 22/5/1960 với cường độ 9,5 độ richter. Các trận động đất khác trong lịch sử có thể có lớn hơn. Tuy nhiên, kể từ khi khoa học công nghệ có thể ước tính chính xác về cường độ động đất thì đây là trận lớn nhất được ghi lại.

Trận động đất còn kéo theo sóng thần ảnh hưởng tới miền Nam Chile, Hawaii, Nhật Bản, Philippines, miền Đông New Zealand, Đông Nam Australia và quần đảo Aleutian, trong đó Valdivia là thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thảm họa kép gây nên thiệt hại nghiêm trọng khiến gần 5.000 người tử vong và bị thương ở Chile. Nhiều nhà cửa ở Chile bị tàn phá nặng nề. Động đất, sóng thần "nổ" ra khiến cho 2 triệu người dân ở Chile rơi vào tình trạng mất nhà cửa. Tỷ lệ người thiệt mạng vào khoảng 1.600 người và hơn 3.000 người bị thương.

Hai ngày sau khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng, ngọn núi lửa Volcan Puyehue bất ngờ "tỉnh giấc" và phun trào mạnh mẽ, tạo thành cột tro bụi 6.000m sau gần 40 năm ngừng hoạt động. Biến cố bất ngờ này đã gây ra thiệt hại trong nhiều tuần liên tiếp ở Chile. Theo tính toán của các nhà khoa học, năng lượng giải phóng từ thảm họa động đất - sóng thần - núi lửa ước tính lớn hơn 200 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945 trong Thế chiến II.

Động đất - sóng thần tại Ấn Độ Dương (2004)

Cảnh đổ nát sau trận động đất ở Ấn Độ Dương năm 2004. (Nguồn: Reuters)

Ngày 26/12/2004, vào lúc 7h59 sáng, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter xảy ra ngoài khơi bờ biển đảo Sumatra của Indonesia. Đây là trận động đất có cường độ lớn thứ hai được ghi nhận trong lịch sử loài người và kéo dài gần 10 phút, nâng toàn bộ 1.200km bề mặt đường đứt gãy nằm dưới đáy biển lên tới độ cao 12,2m.

Bảy giờ sau, do ảnh hưởng của trận động đất, một cơn sóng thần khổng lồ ra đã vươn ra khắp Ấn Độ Dương, tàn phá các khu vực ven biển xa xôi như Đông Phi.

Trong vòng 15 phút, sóng thần cao tới 30m đã tấn công bờ biển đảo Sumatra, cụ thể là ở Aceh, một khu vực đông dân cư ở phía Bắc hòn đảo. Số người chết ở Indonesia được ước tính vào khoảng 130.000 đến 160.000 người.

Chưa dừng lại tại đó, sóng thần còn di chuyển rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương và tấn công vào các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ, Nam Phi... Ước tính, trận động đất và sóng thần đã khiến 230.000 người thiệt mạng.

Động đất tại Haiti (2010)

Lực lượng cứu hộ khẩn trương chuyển nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Haiti năm 2010. (Nguồn: Getty)

Động đất xảy ra vào ngày 12/1/2010 với cường độ 7,0 độ richter, gây ra sự tàn phá trên diện rộng ở thủ đô Port-au-Prince và các khu vực lân cận, khiến hơn 220.000 người chết và 300.000 người bị thương và khoảng 1,5 triệu người mất nhà cửa.

Nhiều tòa nhà, bao gồm nhà ở, trường học và bệnh viện, bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng, khiến hàng trăm ngàn người mất nhà cửa. Trận động đất cũng gây ra sự hoảng loạn và hỗn loạn khi mọi người phải vật lộn để tìm thức ăn, nước uống và chăm sóc y tế sau đó. Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển liên Mỹ (IADB), thiệt hại vật chất do cơn địa chấn gây ra lên đến 8-14 tỷ USD.

Thảm họa kép Nhật Bản (2011)

Sóng thần ập đến thành phố Miyako, làm ngập lụt đường phố ở tỉnh Iwate, Nhật Bản, sau trận động đất 9 độ Richter tấn công khu vực này vào ngày 11/3/2011. (Nguồn: Reuters)

Thế giới không thể nào quên thảm họa kép kinh hoàng xảy ra ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản. Đúng 14h46, trận động đất độ lớn 9,1 độ richter khởi phát ngoài khơi hòn đảo Honshu, làm rung chuyển Đông Bắc Nhật Bản trong khoảng 6 phút. Ảnh hưởng của nó đã được cảm nhận trên khắp thế giới, từ các vịnh hẹp ở Na Uy cho đến tảng băng ở Nam Cực.

Trận động đất gây ra sóng thần hủy diệt cực mạnh có độ cao lên tới 40,5m (tương đương chiều cao tòa nhà 13 tầng) ở Miyako thuộc tỉnh Iwate của Tōhoku, di chuyển với tốc độ 700 km/h, san phẳng gần như tất cả các thị trấn ven biển và thâm nhập đến 10km trên đất liền sau khi tràn đê sông Natori ở khu vực Sendai, gây ngập một diện tích ước tính khoảng 561 km2.

Theo thống kê chính thức, 15.899 người đã thiệt mạng với 2.572 người vẫn mất tích và được cho là đã chết. Trên 6.000 người bị thương. Nhiều thị trấn bị xóa sổ khỏi bản đồ.

Các nhà máy điện hạt nhân Fukushima nằm gần bờ biển bị sóng thần tấn công khiến các hệ thống làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân hỏng hoàn toàn, gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến các vùng dân cư xung quanh bị nhiễm phóng xạ. Ở nhiều nơi, đến giờ con người vẫn chưa thể sinh sống trở lại.

(tổng hợp)