Đó là nhận định của ông Jasminder Singh, nhà phân tích cấp cao tại trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, trên trang web của RSIS.
MIT đã bị vô hiệu hóa
Mối đe dọa nghiêm trọng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq đã khiến quân đội Indonesia phải mở rộng vai trò trong các hoạt động chống khủng bố. Điều này có thể thấy được phần nào qua Chiến dịch Tinombala được thực hiện gần đây nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Mujahidin Indonesia Timur (MIT) và những kẻ cầm đầu.
Thành công trong chiến dịch nhờ sự phối hợp giữa quân đội và cảnh sát Indonesia đã phản ánh một giai đoạn mới trong chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố của quốc gia này, giai đoạn hình thành từ những lo ngại trước sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoạn như IS, với những thành viên và nhiều kẻ ủng hộ dày dạn kỹ năng chiến đấu, đủ sức chống lại các lực lượng an ninh.
Đầu năm 2015, các nhà lãnh đạo chính trị Indonesia đã giao nhiệm vụ cho Lực lượng Vũ trang Indonesia (TNI) phải có trách nhiệm tiêu diệt tổ chức khủng bố MIT, cầm đầu là trùm khủng bố Santoso. Tháng 6/2015, Bộ Chỉ huy các Chiến dịch Đặc biệt thuộc Quân đội Indonesia được thành lập. Quân đội đã tiến hành Chiến dịch Tinombala và hợp tác với cảnh sát để tiêu diệt các thủ lĩnh của nhóm khủng bố này. Về cơ bản, MIT đã bị vô hiệu hóa.
Các nhánh lớn nhất của IS tại khu vực Đông Nam Á đều đến từ Indonesia. Nhóm chân rết của IS tại Đông Nam Á, được biết đến với tên gọi Katibah Nusantara, được lãnh đạo và chịu sự chỉ đạo từ người Indonesia. Trên thực tế, cảnh sát Indonesia khó có thể chặn đứng những mối đe dọa từ Santoso và MIT khi chúng hoạt động và lẩn trốn trong các cánh rừng rậm rạp tại khu vực miền Trung Sulawesi, nơi người ta thấy có cả sự tham gia với quy mô lớn chưa từng có của các tay súng người Duy Ngô Nhĩ.
Ảnh minh họa: Nhóm chân rết của IS tại Đông Nam Á, được biết đến với tên gọi Katibah Nusantara, được lãnh đạo và chịu sự chỉ đạo từ người Indonesia. (Nguồn: AP) |
Thực tế, việc IS tuyên bố thành lập một tỉnh Hồi giáo (Wilayah) tại miền Nam Philippines một lần nữa cho thấy các đơn vị cảnh sát chống khủng bố Indonesia chưa thành công trong việc ngăn chặn làn sóng các tay súng người Indonesia di chuyển sang miền Nam Philippines để gia nhập tổ chức khủng bố với tên gọi Katibah Al Muhajir.
Có thể nói, các mối đe dọa đã vượt quá khả năng đối phó của lực lượng cảnh sát Indonesia. Họ không chỉ phải đối mặt với những kẻ khủng bố được đào tạo bài bản và được trang bị hiện đại, mà còn hứng chịu không ít chỉ trích từ công chúng mỗi khi các sai lầm trong chiến dịch chống khủng bố bị truyền thông công bố. Những người hoài nghi còn chỉ trích cảnh sát đã thất bại trong việc phát hiện và ngăn chặn nhiều phần tử khủng bố trở về Indonesia như Dulmatin, Abu Dujana, và thậm chí còn đổ lỗi cho lực lượng cảnh sát vì vụ tấn công trả thù khiến hơn 40 nhân viên an ninh Indonesia thiệt mạng.
Cảnh sát không đơn độc
Để đối phó với tình trạng này, lực lượng vũ trang Indonesia, đặc biệt là quân đội bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, phối hợp với cảnh sát để bảo vệ đất nước.
Bước đột phá trong việc mở rộng vai trò của quân đội là việc năm 2011, một sỹ quan quân đội cấp cao đã tham gia vào Cơ quan chống khủng bố quốc gia (BNPT), một cơ quan do giới chức cảnh sát lãnh đạo. Kể từ đó, quân đội ngày càng đóng nhiều vai trò hơn trong các chiến dịch chống khủng bố tại Indonesia.
Tháng 9/2013, quân đội được phép hỗ trợ cảnh sát trong việc thu thập thông tin về các hoạt động khủng bố trong nước. Tới tháng 3/2015, các quân nhân bắt đầu luyện tập chống khủng bố cùng với cảnh sát. Vai trò độc quyền của cảnh sát trong chống khủng bố vốn được quy định từ năm 2002 đã chính thức chấm dứt.
Cảnh sát Indonesia trong một hoạt động chống khủng bố. (Nguồn: Reuters) |
Một yếu tố hàng đầu dẫn tới việc tăng cường các chiến dịch chống khủng bố chung giữa lực lượng cảnh sát và quân đội chính là khả năng đa dạng của quân đội Indonesia được xây dựng trong những năm vừa qua. Sự gia tăng của các phần tử khủng bố từ trong nước đã buộc quân đội Indonesia phải đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Sự hiện diện của quân đội ngay cả ở những ngôi làng xa xôi hẻo lánh đã tạo ra một nguồn lực vô cùng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sức mạnh toàn diện của quân đội trong cuộc chiến chống khủng bố trong quá khứ và việc sở hữu những đơn vị chiến đấu được đào tạo bài bản, cùng với nguồn thông tin tình báo đáng tin cậy là những nhân tố giúp quân đội thay thế cảnh sát triển khai nhiệm vụ chống khủng bố hiện nay.
Sự thành công của Chiến dịch Tinombala có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực thi một chiến dịch chống khủng bố do quân đội và cảnh sát kết hợp. Đây là một chiến dịch lớn và cũng là lần đầu tiên hai lực lượng này kết hợp với nhau kể từ năm 1998. Thành công vừa qua cũng cho thấy tính hiệu quả của các chiến dịch phối hợp giữa cảnh sát và quân đội trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thành công của Chiến dịch Tinombala đã xóa sạch những hoài nghi trước đây về việc mở rộng vai trò của quân đội, cũng như những lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng của lực lượng này trong môi trường an ninh hiện đại. Sự can thiệp toàn diện của giới lãnh đạo, nhất là sự phối hợp giữa quân đội-cảnh sát Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố chắc chắn sẽ góp phần củng cố an ninh cho quốc gia Đông Nam Á này, nhất là trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt IS.