Ông Kavi Chongkittavorn, chuyên gia tại Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan đã nhận định như vậy trong bài viết đăng tải trên the Nation ngày 13/6. Bài viết được đưa ra trong bối cảnh các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc tổ chức cuộc họp đặc biệt tại Trung Quốc từ ngày 13-14/6.
Chuyên gia Kavi Chongkittavorn. (Nguồn: Flickr) |
Thiếu sự tin tưởng lẫn nhau
Khi Trung Quốc lần đầu tiên tham dự cuộc họp của ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia vào năm 1991, không ai có thể dự đoán rằng quan hệ Trung Quốc - ASEAN sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, trở thành một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong số 11 quan hệ đối tác đối thoại của ASEAN.
Hiện nay, khi Trung Quốc và ASEAN đã tự tin hơn và cả đôi bên đều có được vị thế khu vực và quốc tế cao hơn, cả hai vẫn cần đến nhau. Hai bên có thể dễ dàng hài hòa các nhu cầu và lợi ích kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, hiện nay quan hệ ASEAN -Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những tranh chấp kéo dài ở Biển Đông và quan trọng nhất là sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng, làm suy yếu nền tảng vững chắc của mối quan hệ.
Nếu hai bên không nhanh chóng khôi phục lòng tin lẫn nhau, bất kỳ nỗ lực để phục hồi quan hệ hai bên trong 25 năm tiếp theo sẽ là vô cùng khó khăn. Tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc về mối quan hệ hòa bình và thịnh vượng với ASEAN sẽ khó thành hiện thực. Hơn bao giờ hết, cả hai bên cần có tầm nhìn táo bạo hơn để có thể giúp điều chỉnh quan hệ bất đối xứng hiện tại trở nên bình đẳng hơn và thoát khỏi “ngõ cụt” về ngoại giao hiện tại. Ở thời điểm này, cách tiếp cận “có người thì không có ta” sẽ chỉ dẫn đến những hậu quả tai hại.
Các cường quốc lớn khác, đặc biệt là Mỹ và Nga, đã đặt ra sân chơi bình đẳng với các nước ASEAN. Điều đó được thể hiện qua Tuyên bố Sunnylands (ASEAN - Mỹ) và Tuyên bố Sochi (ASEAN - Nga), đây là các tầm nhìn bao quát và mang tính gắn bó chặt chẽ giữa các cặp quan hệ. Như vậy, Tuyên bố Vientiane vào tháng 9 sắp tới của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc phải vượt qua hai tuyên bố trên cả về nội dung và cam kết.
Trong khi đó, cuộc họp đặc biệt tại Côn Minh, Trung Quốc giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông giúp truyền động lực cho mối quan hệ trong tương lai của hai bên, là cơ hội hiếm có cho tất cả các bên liên quan hợp tác để khôi phục lòng tin.
Các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc họp tại Côn Minh, Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
ASEAN và Trung Quốc đều hiểu rất rõ quan điểm chủ đạo của mỗi bên về vấn đề Biển Đông. Do đó, hai bên phải tiếp tục những nỗ lực tập trung vào các biện pháp tăng cường nền tảng và các quan điểm chung đã được xác định trong những cuộc tham vấn trước đó, cũng như khảo sát các sáng kiến mới.
Bất đồng tại Biển Đông
Cả hai bên cũng phải giải quyết cái gọi là "những vấn đề phức tạp và quan trọng" liên quan đến việc hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Sự chậm trễ của COC sẽ làm lãng phí cơ hội để giúp hai bên xây dựng lòng tin vốn rất cần thiết tại thời điểm này.
Ngoài ra, để loại bỏ các nguy cơ xung đột phát sinh từ những căng thẳng ở Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc có thể đồng ý với đề nghị của Singapore, nước giữ vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc, về việc mở rộng phạm vi của Bộ Quy tắc ứng xử cho các tình huống bất ngờ trên biển (CUES). Singapore đã đề xuất đưa vấn đề tuần tra biển (tàu màu trắng) vào CUES. Trong tương lai, quy tắc này cũng nên bổ sung thêm cả vấn đề tàu đánh cá trá hình được sử dụng trong các hoạt động quân sự. Rõ ràng, các nước ASEAN và Trung Quốc đều thấy rõ lợi ích của việc áp dụng CUES để ngăn ngừa các sự cố và những hiểu lầm có thể xảy ra ở Biển Đông.
Một điểm gây tranh cãi khác là quyết định đang được mong đợi tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA). ASEAN chắc chắn sẽ đưa ra lập trường chung liên quan đến phán quyết của PCA. Tuy nhiên, chưa biết lập trường chung này sẽ được đưa ra trước hay sau khi phán quyết được công bố. Song chắc chắn, lập trường sẽ mang giai điệu trung tính, phản ánh các giá trị và quan điểm ASEAN như giải quyết hòa bình các tranh chấp; tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khẳng định không chấp nhận bất cứ một phán quyết nào được đưa ra bởi PCA đối với vụ việc này.
Hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược vì Hòa bình và Thịnh vượng 2016-2020, dài 23 trang và được thông qua hồi cuối tháng 11/2015. Tài liệu này nêu rõ chi tiết về 210 kế hoạch hành động bao gồm toàn bộ các phương diện của mối quan hệ hai bên, bao gồm cả ''Sáng kiến Một Vành đai, Một con đường” và hoạt động kết nối khác. Tuy nhiên, tất cả sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu hai bên không thể thoát khỏi tình thế khó khăn hiện tại.