Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và lãnh đạo nước thành viên tại Thượng đỉnh NATO ở Washington D.C, ngày 9/7. (Nguồn: AP) |
Điểm đặc biệt nhất của Thượng đỉnh tại Washington D.C. (Mỹ) là lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Sau ba phần tư thế kỷ, liên minh quân sự này đang tiếp tục mở rộng và can dự sâu vào các vấn đề nóng bỏng của khu vực và toàn cầu.
Ukraine là tâm điểm
Xung đột tại quốc gia Đông Âu tiếp tục diễn biến phức tạp, với hàng loạt vụ không kích, ăn miếng trả miếng diễn ra trên khắp lãnh thổ Ukraine. Trong bối cảnh đó, sự hiện diện của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Washington cho thấy ủng hộ của NATO với Kiev.
Phát biểu ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, nước này cùng các quốc gia thành viên của khối sẽ triển khai các bước đi củng cố năng lực phòng không cho Kiev. Mỹ, Đức, Romania và Hà Lan cam kết bổ sung hệ thống tên lửa phòng không và bộ phận của hệ thống Patriot trong khi Italy, Canada, Na Uy, Tây Ban Nha và Anh sẽ gửi các hệ thống khác. Ngày 8/7, Cố vấn an ninh cấp cao của ông Joe Biden về châu Âu, Mike Carpenter cho biết, NATO sẽ sớm công bố gói hỗ trợ 40 tỷ Euro (43,2 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay.
Tuy nhiên, câu chuyện về kết nạp Ukraine vào NATO lại khác. Các quốc gia thành viên, bao gồm Mỹ và Đức, đã nhiều lần tỏ quan ngại động thái này có thể khiến căng thẳng với Nga nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, bất chấp những hỗ trợ khối đang dành cho Ukraine, nỗ lực của Kiev nhằm sớm gia nhập NATO sẽ khó thành hiện thực trong thời gian sớm.
Nét mới từ châu Á
Thượng đỉnh NATO lần này chứng kiến sự tham dự của lãnh đạo một số nước đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Theo một số nhà phân tích, hợp tác mở rộng giữa NATO và đối tác châu Á nhằm ứng phó với mối quan hệ Nga - Trung ngày một gần gũi, cùng nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và bán đảo Triều Tiên. Trong tài liệu Khái niệm Chiến lược năm 2022 và Tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnus năm 2023, NATO đều bày tỏ quan ngại về liên kết giữa Moscow và Bắc Kinh, nêu rõ “mục tiêu và chính sách quyết liệt (của Bắc Kinh) đang thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta”.
Trong bối cảnh đó, ông Carpenter nhận định, NATO và các nước trên “có nhiều lợi ích chung và cơ hội để hợp tác tốt hơn…”. Hồi tháng Năm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio xác nhận NATO đề xuất mở văn phòng đại diện ở Tokyo. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là văn phòng liên lạc đầu tiên của khối tại châu Á.
Song, Cố vấn an ninh cấp cao của ông Biden về vấn đề châu Âu nhấn mạnh: “NATO không mở rộng sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không có quy trình gia nhập (NATO) tại đây… tất cả khả năng phòng thủ và răn đe của khối đều nằm ở châu Âu - Đại Tây Dương, trên lãnh thổ của các quốc gia đồng minh NATO”.
Tìm tiếng nói chung
Thượng đỉnh lần này cũng hướng tới củng cố đoàn kết nội khối. Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, lãnh đạo nước thành viên NATO và Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) bất ngờ thăm Nga, làm dấy lên không ít phản ứng trái chiều từ đồng minh. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda kêu gọi ông Orban tập trung ủng hộ Kiev, thay vì bắt tay Tổng thống Nga để tìm kiếm hòa bình, còn Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhận định chuyến thăm “không góp phần vào nỗ lực tìm kiếm hòa bình” ở Ukraine. Khác biệt quan điểm của Hungary sẽ cản trở nỗ lực ủng hộ Ukraine của NATO. Quan trọng hơn, nó góp phần tạo nên sự chia rẽ không nhỏ trong nội bộ khối này.
Đó là chưa kể, NATO đang chứng kiến thay đổi ở vị trí lãnh đạo khối và các nước thành viên chủ chốt trong thời gian tới. Ở cấp độ liên minh, Tổng thư ký Jens Stoltenberg kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 1/10 tới và người thay thế ông vẫn chưa lộ diện, dù có thông tin Thủ tướng Hà Lan hoặc Thủ tướng Đan Mạch sẽ ngồi vào “ghế nóng”.
Trong khi đó, cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, quốc gia dẫn dắt khối, đang bước vào giai đoạn gay cấn. Nếu ông Donald Trump chiến thắng sẽ tác động đáng kể tới NATO, khi chính trị gia này nhiều lần chỉ trích đồng minh NATO không thực hiện nghĩa vụ đóng góp. Ở chiều ngược lại, ông Joe Biden tuyên bố “Chính tôi đã mở rộng NATO. Chính tôi đã củng cố NATO”. Thượng đỉnh lần này là cơ hội để nhà lãnh đạo này thực hiện cam kết đó. Tuy nhiên, liệu đương kim Tổng thống có thuyết phục được cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới hay không lại là chuyện khác.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron vừa trải qua bầu cử Quốc hội không mấy thành công khi chứng kiến liên minh trung dung của mình thất thế trước đảng cực hữu. Ở xứ sở sương mù, ông Keir Starmer trở thành tân Thủ tướng và Thượng đỉnh tại Mỹ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo này. Những thay đổi này sẽ tác động ít nhiều tới chủ trương, chính sách chung của NATO thời gian tới.
Trong bối cảnh NATO đang đối mặt vô vàn thách thức, dù là trong hỗ trợ Ukraine, tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay củng cố đoàn kết nội khối, thì những lựa chọn và quyết định càng quan trọng hơn bao giờ hết với tổ chức này.