📞

Điều gì chờ đợi Nhật Bản ở phía trước?

17:03 | 25/10/2017
Sau khi ông Shinzo Abe giành chiến thắng áp đảo trước phe đối lập trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 22/10 vừa qua, năm chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản đưa ra phân tích về ảnh hưởng của sự kiện này đối với tương lai nước Nhật cũng như khu vực.

Cần nhìn nhận lại chủ nghĩa hòa bình

Theo ông Michael Heazle, Phó Giáo sư Đại học Griffith tại Brisbane, một cuộc tranh luận nghiêm túc về việc sửa đổi hiến pháp chính xác là điều nước Nhật đang cần. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng những bất đồng về hệ tư tưởng ở cả cánh tả và cánh hữu đã đẩy vấn đề này ra rìa.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đảng LDP của ông đã giành chiến thắng áp đảo vào ngày 22/10 vừa qua. (Nguồn: Reuters)

Cánh tả cho rằng Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của nước Nhật cần phải được giữ nguyên. Quan điểm này không thực sự thực tế bởi thế giới đã đổi thay rất nhiều so với thời mà Hiến pháp hòa bình được lập ra và Điều 9 thuộc hiến pháp này đã trở nên lỗi thời. Nhất là khi xem xét đến tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự không chắc chắn về việc liệu Mỹ có sẵn sàng đóng góp vai trò duy trì an ninh khu vực như từ trước nay hay không.

Việc những nước như Nhật Bản và Australia phải hành động nhiều hơn để giúp giữ gìn nguyên trạng trật tự khu vực là điều không thể tránh khỏi. Không một đất nước nào, ngoài Trung Quốc và Triều Tiên, phản đối vai trò an ninh lớn hơn của Nhật Bản.

Liên quan đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ, nếu Nhật Bản muốn tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ và cùng Mỹ xây dựng liên minh an ninh với các quốc gia khác thì điều này cần phải mang lại lợi ích cho cả hai bên. Như chúng ta cũng thấy, Washington ngày nay không còn mặn mà với những mối bận tâm an ninh không giúp mang lại lợi ích thực dụng cho nước Mỹ.

Không khó khăn để tạo ra thay đổi

Ông Jeff Kingston, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo thì cho rằng chủ nghĩa tự do đã trở nên thất thế ở nước Nhật thế kỷ 21 khi trung tâm chính trị đã dịch chuyển về hướng phe bảo thủ cánh hữu.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ Lập hiến mới được thành lập của ông Yukio Edano lại giành được rất nhiều sự ủng hộ và có thể xem là "câu chuyện lọ lem" trong cuộc bầu cử lần này.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano. (Nguồn: Reuters)

Ông Edano đại diện cho sự phản đối quyết liệt, không nhượng bộ, và mang tính nguyên tắc đối với việc sửa đổi hiến pháp. Ông này cũng ủng hộ xóa bỏ luật an ninh năm 2015, vốn không dành được sự đồng tình của công chúng.

Ông Edano sẽ đánh mạnh vào luồng dư luận cho rằng các chính sách kinh tế của ông Abe (Abenomics) chỉ tập trung mang lại phúc lợi cho người giàu và làm tăng khoảng cách thu nhập trong xã hội Nhật Bản.

Ông Edano hiện nay là “người cầm đuốc” cho chủ nghĩa tự do ở Nhật Bản. Cho dù ngọn lửa của chủ nghĩa tự do hiện đang cháy yếu ớt thì đảng của Edano vẫn ở một vị thế rất thuận lợi để công kích mọi điểm yếu cũng như thiếu sót của ông Abe.

Ông Abe tin rằng ước mơ của ông (về việc sửa lại hiến pháp) là hoàn toàn có thể đạt được. Mặc dù dư luận không ủng hộ việc sửa lại hiến pháp nhưng nếu ông Abe thúc đẩy việc này thông qua Nghị viện và tổ chức trưng cầu dân ý, nhiều chiến dịch vận động rầm rộ sẽ được triển khai để thúc đẩy công chúng ủng hộ.

Đừng kỳ vọng vào những thay đổi lớn

Việc đảng của ông Abe vẫn giữ được đa số ghế tại Hạ viện sẽ giúp cho việc thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo ông Jun Okumura, học giả nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Meiji, sẽ không có thay đổi lớn nào về đường lối chính sách kinh tế của Nhật. Về khía cạnh an ninh cũng vậy, liên minh Mỹ - Nhật vẫn sẽ được duy trì và đem lại lợi ích cho hai bên, còn tình hình tồi tệ ở Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục hiện diện.

Đảng Hy vọng của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike xuất hiện như một lực lượng lớn mạnh có khả năng thay thế liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, có thể nói, bà Yuriko Koike một lần nữa lại cho thấy bà thiếu khả năng lắng nghe các lời tư vấn và sở thích âm thầm đưa ra quyết định; điều này đã khiến thỏa thuận của bà với phe đối lập lớn nhất lúc bấy giờ là đảng Dân chủ trở thành thảm họa.

Trong khi đó, nước Nhật có vẻ như sẽ trải qua chập chững bước qua giai đoạn khó khăn phía trước, ít nhất là hết kỳ Olympics Tokyo 2020 sắp tới. Xem xét đến những điều đang xảy ra ở một vài nước phương Tây, tương lai nền kinh tế của nước này sẽ còn tồi tệ hơn.

Thiếu chiến lược lâu dài

Bởi những khiếm khuyết trong hệ thống bầu cử của Nhật Bản, có một khoảng cách rất lớn giữa quan điểm của nhân dân đối với các vấn đề hệ trọng và sự phân phối ghế ở Nghị viện.

Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo cho biết, mặc dù đảng Dân chủ (LDP) của ông Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử với số phiếu áp đảo, rất khó để khẳng định ông Abe thật sự có chiến lược lâu dài nào cho việc cải cách hiến pháp.

Số lượng cử tri Nhật đi bỏ phiếu rất thấp. (Nguồn: Japan Times)

Với số lượng cử tri đi bỏ phiếu rất thấp, việc khẳng định ông Abe và đảng LDP giành được sự ủng hộ lớn từ người dân là không hợp lý. Thay vì vậy, một lần nữa, đảng LDP lại hưởng lợi từ những bất cập trong hệ thống bầu cử và một phe đối lập đầy chia rẽ.

Hiến pháp là vấn đề gây tranh cãi nhất tại Nhật - cũng giống như Brexit ở Anh. Vấn đề này là một phần của sự chuyển dịch của chính trị toàn cầu từ nền chính trị dựa vào lợi ích - ai đạt được cái gì - sang nền chính trị bản sắc. Ở Mỹ, đó là câu chuyện người nhập cư và luật phá thai, ở Anh, đó là câu chuyện ở lại hay rời khỏi EU, và ở Nhật, đó là câu chuyện sửa đổi hiến pháp.

Đây là vấn đề gây xúc động rất lớn, đặc biệt với cá nhân ông Abe. Chính vì vậy, ông thường tập trung nói về vấn đề này, mặc dù trước đó ông đã thành công trong việc thúc đẩy dự luật cho phép Nhật Bản có quyền tự vệ tập thể. Tại sao ông Abe cứ khăng khăng đòi thay đổi hiến pháp trong khi Nhật Bản còn nhiều vấn đề cấp bách hơn như kinh tế giảm sút hoặc dân số già?

Liên minh đảng lãnh đạo của ông Abe đã chiếm đa số tại Quốc hội, nhưng vẫn có thể nói chắc chắn rằng công luận rất chia rẽ về vấn đề cải cách hiến pháp. Việc ông Abe có giành được ủng hộ đa số trong trưng cầu ý dân (điều bắt buộc phải làm nếu muốn cải cách hiến pháp) hay không còn là điều chưa rõ ràng. 

Nữ quyền bị bỏ quên

Có rất nhiều điều thú vị xảy ra tại cuộc bầu cử vừa qua, từ việc giải thể Đảng Dân chủ đối lập tới sự xuất hiện của hai đảng chính trị mới.

Tiến sỹ Emma Dalton, giảng viên tiếng Nhật tại Đại học RMIT ở Melbourne nhấn mạnh rằng sự thiếu vắng phụ nữ trong hệ thống chính trị nước này đang là một vấn đề bị khá nhiều người bỏ qua bởi sự thống trị của phái nam đã trở thành thông lệ quá lâu.

Tuy nhiên, việc một nước nằm top đầu thế giới về phát triển kinh tế và giữ chỉ số cao về quyền con người và thúc đẩy quyền phụ nữ ở lĩnh vực giáo dục và y tế, lại xếp sau cùng trong các nước thuộc khối OECD về quyền phụ nữ ở lĩnh vực chính trị và kinh tế, đã tạo ra nhiều nghi vấn về dân chủ và bình đẳng giới.

Bà Dalton cũng cho biết thêm, việc đảng LDP tiếp tục giữ quyền và tỷ lệ đại diện của phụ nữ rất thấp trong hệ thống chính trị không phải là không có liên quan đến nhau. Trong số các ứng viên của đảng LDP tranh cử ngày 22/10 vừa qua, chỉ có 8% là phụ nữ.

Các nhóm phụ nữ trong suốt hơn 20 năm qua đã vận động không ngừng nghỉ để đặt ra luật quy định tỷ lệ giới tính, nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính trong hệ thống chính trị Nhật Bản và đảng LDP đã phản đối điều này kiên trì hơn bất kỳ chính đảng nào khác.

Trên thực tế, khi ông Abe kêu gọi bầu cử sớm, dự luật nhằm khuyến khích các chính đảng đặt ra mức quy định về tỷ lệ giới tính trong nội bộ đã nhanh chóng bị bãi bỏ. Với việc đảng LDP tiếp tục nắm quyền, dường như không có nhiều hy vọng cho việc tiếp tục tranh đấu về vấn đề này.

(theo Guardian)