Hội nghị quốc tế thông qua Định ước bảo đảm việc thi hành Hiệp định Paris, tháng 2/1973. |
Có biết bao sự kiện đã diễn ra trong nửa thế kỷ qua, song trong tôi vẫn còn đọng lại cảm giác hân hoan tột độ khi Hiệp định Paris được ký kết. Số là tôi có may mắn được đi theo đoàn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris ký Hiệp định vào tháng Giêng và sau đó tháng Ba sang dự Hội nghị quốc tế thông qua Định ước bảo đảm việc thi hành Hiệp định. Những đại lộ dẫn đến hội trường Kléber, nơi diễn ra lễ ký, tràn đầy cờ hoa của bà con kiều bào và bạn bè quốc tế.
Từ Moscow tới Bắc Kinh, đoàn ta được sự đón tiếp trang trọng nhất của Lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và rất đông người dân đã tới sân bay Gia Lâm vui mừng chào đón Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và các vị trong đoàn, những người mang chiến thắng trở về từ mặt trận ngoại giao vào đúng ngưỡng cửa Tết Quý Sửu - một cái Tết đáng nhớ nhất đời tôi.
Làm sao không vui mừng, tự hào được khi Hiệp định Paris năm 1973 đánh dấu một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và đấu tranh ngoại giao nói riêng của dân tộc. Đã từng có không ít công trình nghiên cứu, bài báo, cuốn sách viết về chủ đề này; ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ đôi ba điều suy ngẫm riêng tư về ý nghĩa và những bài học để đời mà cuộc hòa đàm Paris để lại.
Với Hiệp định Paris, quân dân ta đã thực hiện được lời dặn của Bác Hồ là “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề thuận lợi để hai năm sau hiện thực hóa nửa còn lại là “đánh cho ngụy nhào”. Nếu như sau Hiệp định Geneva năm 1954, miền Bắc nước ta không còn bị giặc ngoại xâm giằng xéo thì Hiệp định Paris đánh dấu cả nước sạch bóng quân thù.
Bản kẽm in của Hiệp định Paris. |
Sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt, miền Bắc đã có hòa bình, tiếng còi báo động không còn rú lên ở Hà Nội và các thành thị, tạo thuận lợi cho công cuộc hàn gắn những vết thương chiến tranh, giúp miền Bắc có thêm nguồn lực chi viện cho miền Nam.
Vị thế quốc tế của nước ta được nâng thêm một bước quan trọng khi Việt Nam ngang vai bằng vế với “các ông lớn P-5” tại Hội nghị quốc tế được triệu tập vào hai tháng sau nhằm bảo đảm việc thi hành Hiệp định; riêng trong năm 1973 có thêm 15 quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có những nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada, Australia, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg...
Quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc hòa đàm Paris để lại biết bao bài học kinh điển về nghệ thuật đàm phán nói riêng và nghệ thuật ngoại giao đặc sắc Việt Nam nói chung. Để dễ nhớ, cá nhân tôi quy những bài học ấy thành bốn cụm từ bắt đầu từ chữ “k”.
Cụm từ thứ nhất là “kết hợp”. Lịch sử đã đặt lên vai dân tộc ta sứ mạng luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm năng vật chất. Để đối phó với chúng, nhân dân ta luôn phát huy truyền thống kết hợp khối đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết chiến đấu với nhân dân Lào và Campuchia trên bán đảo Đông Dương và nhân dân toàn thế giới phấn đấu cho hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội. Với cách tiếp cận như vậy, cuộc đấu tranh ngoại giao không chỉ diễn ra trên bàn đàm phán mà còn được tiến hành hết sức sôi động trên phạm vi toàn cầu nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đối với công cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Chữ ký các bên tham gia Hội nghị quốc tế về Việt Nam. |
Bài học “kết hợp” còn được thể hiện trong chủ trương tiến hành đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị - quân sự - ngoại giao, trong đó, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu tạo tiền đề cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao đúng theo triết lý Bác Hồ đã dạy: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, Chiêng có lớn, tiếng mới to”. Thật vậy, không có cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thì Mỹ cũng chưa chịu ngồi vào bàn đàm phán 4 bên; không có chiến thắng của trận Điện Biên Phủ trên không mùa Đông năm 1972 thì Mỹ chắc sẽ tiếp tục ngoan cố lật lọng dự thảo Hiệp định đã đạt được trên bàn đàm phán!
Cụm từ thứ hai là “kiên định”. Giống như Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1946 và Hiệp định Geneva năm 1954, tại hòa đàm Paris ta kiên định bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; quyết đòi quân đội Mỹ rút hết về nước, đồng thời, kiên quyết bác bỏ đòi hỏi vô lý về việc miền Bắc phải “rút quân” khỏi bộ phận máu thịt của chính đất nước mình!
Cụm từ thứ ba là “kiên trì” như Bác Hồ đã thể hiện trong Lời kêu gọi ngày 17/07/1966: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý ơn độc lập, tự do!”.
Phải đương đầu với thế lực ngoại xâm giàu có với sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, ta không thể theo đuổi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” mà cần hết sức kiên trì, đánh thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Cuộc hòa đàm Paris có lẽ là một trong các cuộc thương lượng về chấm dứt chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử với cuộc “cò cưa” mang tính “việt dã” kéo dài tới gần năm năm. Trên bàn đàm phán, phía ta đã kiên trì đòi Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thuận lợi cho quân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan. (Nguồn: biengioilanhtho) |
Cụm từ thứ tư là “khôn khéo” như Bác Hồ từng dạy: “Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”.
Không chỉ tại cuộc hòa đàm Paris mà ngay trong các hoạt động ngoại giao trước đó như Hiệp định sơ bộ ngày 06/03/1946, các cuộc đàm phán tại Đà Lạt và Fontainebleau, Tạm ước 14/09/1946 rồi Hiệp định Geneva 1954, trước sau như một chúng ta kiên quyết, kiên trì giữ vững nguyên tắc là quân xâm lược phải rút đi, Việt Nam phải giành lại độc lập, giang sơn phải thống nhất! Rút kinh nghiệm Hội nghị Geneva năm 1954, khi một số nước lớn áp đặt phương án chia cắt Việt Nam thành hai miền theo vĩ tuyến 17, Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khóa III đầu năm 1967 nhấn mạnh, phương châm mang tính nguyên tắc là “giữ tính độc lập” thể hiện mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.
Còn sách lược đấu tranh thì muôn hình vạn trạng khó bề kể xiết. Thú thật, tuy làm việc nhiều năm trong ngành Ngoại giao, cá nhân tôi không thể nhớ chính xác những sáng kiến, tuyên bố liên tiếp được đưa ra lúc đó: khi thì 4 điểm, khi thì 7 điểm, khi thì 10 điểm, rồi lại “hai điều nói rõ thêm”…; khi thì Đoàn miền Bắc đưa ra, khi thì đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) công bố; tất cả các tuyên bố ấy tựu chung đều thể hiện ý tưởng của Bác Hồ là “đối với Mỹ, ta có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra dù rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”.
Một quyết sách vừa mang tính chiến lược, vừa thể hiện sách lược độc đáo là sự hiện diện và sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai đoàn miền Bắc và CPCMLT thời theo tinh thần Bác Hồ dặn: “Tuy hai mà một, tuy một mà hai” (Hồ Chủ tịch nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm ngày 16/03/1966), với hàm ý tuy là hai đoàn song cùng chung một mục đích và đều chịu sự lãnh đạo của Đảng nhưng mỗi đoàn cần hoạt động và thể hiện lập trường chung theo những cách riêng. Đối phương biết rõ điều này song cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho ta.
Ngày nay, tình hình nước ta và thế giới đã khác nhiều, song những bài học cốt lõi rút ra từ cuộc hòa đàm Paris vẫn còn nguyên giá trị và cần được vận dụng nhuần nhuyễn trong quá trình triển khai đường lối, chính sách đối ngoại do Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhằm bảo vệ vững chắc những lợi ích quốc gia dân tộc cốt lõi, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho công cuộc dựng xây nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
*Ông Vũ Khoan (sinh năm 1937) là một chính trị gia và là nhà ngoại giao Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thương mại. |