📞

Đối sách kép của Tehran

Chính Dung 12:16 | 09/05/2019
Liệu việc Mỹ đưa một loạt các vũ khí tối tân áp sát Iran có phải là một chiêu "khích tướng" buộc Tehran phải có động thái gì đó để ông Trump kiếm cớ phát động chiến tranh nóng như với Iraq 16 năm trước? Bình luận của Thế Giới & Việt Nam. 

Việc Mỹ đưa tàu sân bay, tàu chiến và thêm máy bay ném bom đến cửa ngõ Iran gợi nhớ lại bối cảnh tình hình và diễn biến hồi năm 2003, trước khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh ở Iraq. Cùng với một số hành động trước đó nữa, động thái mới này từ phía Mỹ làm cho mối quan hệ của Mỹ với Iran trở nên căng thẳng, gay cấn và đối kháng chưa từng thấy kể từ một vài năm trở lại đây. Mỹ đang dùng không chỉ có việc áp dụng trở lại và gia tăng mức độ trừng phạt Iran mà còn cả sự thị uy về quân sự và hiệu ứng răn đe của tấn công quân sự để buộc Iran phải đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của Mỹ, tức là dùng doạ chiến tranh để tránh chiến tranh.

Cũng rất có thể Mỹ đang dùng mọi cách để đẩy Iran vào tình thế làm động tác gì đấy để Mỹ lấy làm cớ tiến hành tấn công quân sự Iran bởi trong trường hợp Iran, Mỹ khó bịa cớ dựng chuyện để phát động chiến tranh như đã từng làm với cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003.

Đối sách của Iran là vừa đối đầu trực diện với Mỹ theo phương châm "lấy cương chế cương", vừa tận dụng các đối tác bên ngoài gây áp lực với Mỹ, trước hết là Nga và EU. Đất nước này không thiếu kinh nghiệm chính trị, ngoại giao cũng như quân sự trong việc đối phó với chính sách thù địch của Mỹ nên sẽ ăn miếng trả miếng ngang ngửa với Mỹ, cũng sẽ có hình thức và mức độ cảnh báo và răn đe Mỹ, và cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi bị Mỹ tấn công quân sự và để trả đũa Mỹ bằng quân sự, đương nhiên sẽ không tạo cớ cho Mỹ tiến hành tấn công quân sự. Đồng thời, Iran buộc EU cũng như thuyết phục Nga và Trung Quốc phải đảm bảo lợi ích cho Iran nếu muốn Iran tiếp tục tuân thủ thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Đối đầu giữa Mỹ và Iran còn leo thang, nhưng hai bên sẽ không xô đẩy nhau vào chiến tranh.