Đối thoại Shangri-La 2016 đã bế mạc vào ngày 5/6 sau ba ngày diễn ra các phiên họp toàn thể, các cuộc họp song phương và nhiều cuộc đối thoại không chính thức giữa 602 Bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao, học giả tới từ nhiều quốc gia và lãnh đạo các tập đoàn.
Không ngoài dự đoán, những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ và tự do hàng hải trên Biển Đông vẫn là chủ đề được quan tâm hàng đầu. Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tuần tra ở Biển Đông và xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo. Bắc Kinh cũng liên tục khẳng định sẽ không công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc tế (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines.
Mỹ ủng hộ mạng lưới an ninh có nguyên tắc
Tại diễn đàn năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng nhiều nước tham gia đối thoại đã cùng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tuyến đường vận tải huyết mạch của thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo rằng Trung Quốc đang xây dựng một “Vạn lý Trường thành tự cô lập chính mình” trong những tranh chấp ở Biển Đông. Ông nói: “Mỹ hoàn toàn ủng hộ (việc xây dựng một) mạng lưới an ninh có nguyên tắc cũng như tương lai có quy tắc của châu Á-Thái Bình Dương”.
Ông Ashton Carter tại Đối thoại. Ảnh:Straitstimes |
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đã nhắc đến từ “có nguyên tắc” 24 lần trong bài phát biểu ngày 5/6. Ông kêu gọi các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng nhau xây dựng một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”- một mạng lưới đối tác song phương, ba bên và đa phương để nâng cao các giá trị chung và đơn giản hóa việc chia sẻ tài nguyên.
Trong khi đó, phát biểu tại diễn đàn thường niên ở Singapore, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: “Vấn đề Biển Đông đã trở nên quá nóng bởi những hành động khiêu khích của một số nước vì các lợi ích ích kỷ của họ”.
Ông Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Ông Tôn Kiến Quốc, người nhấn mạnh mong muốn của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình, đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói rằng bất kỳ hành động xây dựng nào của Trung Quốc trên hòn đảo gần Philippines sẽ kích động các “hành động” chưa thể xác định của Mỹ và các nước khác.
Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh thường niên do Chính quyền Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London tổ chức đã thu hút được tổng cộng 602 đại biểu tham dự, trong đó có 30 Bộ trưởng từ 35 quốc gia cùng hơn 2.000 nhân viên làm công tác cố vấn và hỗ trợ. Năm 2002, diễn đàn này, còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, đã thu hút được 161 đại biểu từ 22 quốc gia tham dự. |
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trưởng phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2016, phát biểu rằng Trung Quốc không gây ra rắc rối cũng như không sợ những rắc rối. Trả lời hàng loạt câu hỏi của các đại biểu khác về vấn đề Biển Đông cũng như về Triều Tiên trong phiên họp toàn thể ngày 5/6, Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: “Chúng tôi chưa từng bị cô lập trong quá khứ, giờ chúng tôi cũng không bị cô lập, và chúng tôi sẽ không bị cô lập trong tương lai… ”.
Nhiều nước châu Á quan ngại
Tại diễn đàn, lãnh đạo nhiều nước châu Á nói rằng các nước trong khu vực xem tình hình Biển Đông là vô cùng đáng lo ngại. Phát biểu trước diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar phát biểu: “Tất cả các nước trong khu vực cần thừa nhận rằng sự thịnh vượng chung của chúng ta và tốc độ tăng trưởng ‘đáng ghen tị’ của khu vực trong những thập kỷ qua sẽ đối mặt với những rủi ro bởi các hành động khiêu khích của bất kỳ nước nào trong số chúng ta”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani nói rằng Tokyo sẽ giúp các quốc gia Đông Nam Á tăng cường khả năng bảo đảm an ninh để đối phó với cái mà ông gọi là các hành động đơn phương, nguy hiểm và cưỡng ép trên Biển Đông. Ông Nakatani nói: “Tại Biển Đông, chúng ta đang chứng kiến hành động cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự... Không một nước nào có thể đứng ngoài cuộc trong vấn đề này”.